Chương 9. Mục đích (nghệ thuật sống)


Chương 9. Mục đích

 Bất cứ cái gì có tính nảy sinh thì cũng có tính  diệt đi.”
  Kinh nghiệm của thực tại này là tinh  túy giáo huấn của Đức Phật. Tâm và thân chỉ là một mớ  những tiến trình liên tiếp sinh và diệt. Sự đau khổ của  chúng ta phát sinh khi chúng ta phát triển sự bám chấp  vào những tiến trình đó, vào những thứ mà thật ra rất phù  du và không có thực thể. Nếu chúng ta có thể trực tiếp hiểu  được bản tánh vô thường của những tiến trình này, thì sự  bám chấp của ta vào chúng sẽ mất đi. Đây là công việc mà  những người hành thiền phải làm: hiểu được tính chất phù  du của chính mình bằng cách quan sát những cảm giác  luôn luôn thay đổi ở bên trong. Mỗi khi có cảm giác xuất  hiện, ta không phản ứng, mà cứ để nó nảy sinh và diệt đi.  Làm như vậy, ta để cho những nghiệp cũ của tâm trồi lên  bên trên và diệt đi. Khi phản ứng và sự bám chấp ngưng  thì đau khổ ngưng và ta trải nghiệm sự giải thoát. Đây  là công việc lâu dài, đòi hỏi sự thực hành liên tục. Lợi ích  thấy rõ ở mọi bước đi, nhưng để đạt được những lợi ích đó  đòi hỏi sự cố gắng liên tục. Chỉ bằng cách luyện tập kiên  nhẫn, bền bỉ và liên tục thì người hành thiền mới tiến bộ  trên con đường hướng đến mục đích.



 Thâm nhập sự thật tối hậu

 Sự tiến triển trên con đường gồm ba giai đoạn: Giai  đoạn thứ nhất là học về kỹ thuật, phải làm như thế nào  và tại sao làm như vậy. Giai đoạn thứ hai là thực hành.
 Giai đoạn thứ ba là thâm nhập, dùng kỹ thuật để xuyên  vào thực tại của chính mình, và nhờ vậy tiến tới mục đích  cuối cùng.
 Đức Phật không phủ nhận sự hiện hữu của thế giới  hiển nhiên như hình dạng, hình thể, màu sắc, vị nếm, mùi  hương, đau đớn và khoái lạc, tư tưởng và cảm xúc - ta và  tha nhân. Ngài chỉ nói rằng thế giới đó không phải là sự  thật tối hậu. Với nhãn quan thông thường, chúng ta chỉ  nhìn thấy những hình thức lớn mà không thấy được những  thành phần vi tế tạo ra chúng. Chỉ thấy những hình dạng  mà không thấy được những thành phần bên trong, chúng  ta ý thức được những sự khác biệt của chúng, và do vậy đã  phân biệt, đặt tên, ưa thích, có thiên kiến, và bắt đầu thích  và ghét - tiến trình này phát triển thành thèm muốn và  chán ghét.
 Để có thể thoát khỏi thói quen của thèm muốn và chán  ghét, chúng ta không những cần có một cái nhìn tổng quát,  mà còn phải thấy được những sự vật ở phần thâm sâu,  phải hiểu được những hiện tượng bên trong cấu tạo nên  thực tế hiển nhiên. Đây chính là những gì mà pháp thiền  Vipassana cho phép chúng ta làm.
 Bất cứ sự tự khảo sát nào cũng tự nhiên bắt đầu với  những khía cạnh hiển nhiên nhất của chúng ta: các phần  khác nhau của cơ thể, tứ chi và các cơ quan. Quan sát kỹ  hơn sẽ cho thấy một vài phần của cơ thể thì chắc đặc, có  phần thì lỏng, có phần di động, có phần thì bất động. Có  thể chúng ta thấy thân nhiệt khác với nhiệt độ không khí  chung quanh. Tất cả những sự quan sát này có thể giúp  chúng ta phát triển sự tự ý thức, nhưng chúng vẫn còn là  kết quả của sự quan sát thực tế bên ngoài dưới dạng hình  thể hay hình dáng. Bởi vậy vẫn có sự phân biệt, sự ưa  thích, thiên kiến, thèm muốn và chán ghét.
 Là những người hành thiền, chúng ta tiến xa hơn bằng  cách tập ý thức về cảm giác bên trong. Những cảm giác  này rõ ràng cho thấy một thực tại vi tế hơn mà trước kia  chúng ta không hề biết đến. Trước hết chúng ta ý thức về  những loại cảm giác khác nhau ở những phần khác nhau  của cơ thể, những cảm giác có vẻ nảy sinh, tồn tại một  thời gian, rồi rốt cuộc diệt đi. Mặc dầu chúng ta đã tiến  ra khỏi mức độ bên ngoài, nhưng chúng ta vẫn còn quan  sát những hình thức kết hợp của sự thật hiển nhiên. Vì lý  do này chúng ta vẫn chưa thoát khỏi sự kỳ thị, khỏi thèm  muốn và chán ghét.
 Nếu chúng ta tiếp tục hành thiền một cách chuyên cần,  không sớm thì muộn, chúng ta cũng tới được giai đoạn mà  ở đó tính chất của cảm giác thay đổi. Lúc đó chúng ta ý  thức được những cảm giác tinh tế đồng nhất khắp cơ thể  sinh diệt rất nhanh. Chúng ta thâm nhập qua những hình  thức kết hợp để thấy được những hiện tượng bên trong mà  chúng được cấu tạo, những hạ vi tử mà mọi vật chất được  tạo thành. Chúng ta kinh nghiệm trực tiếp bản chất phù du  của những vi tử này, không ngừng sinh diệt. Bây giờ, bất cứ  những gì chúng ta quan sát, máu hay xương, chất đặc hay  chất lỏng, chất khí, đẹp hay xấu, chúng chỉ là một khối rung  động không thể nào phân biệt được. Và cuối cùng tiến trình  phân biệt và đặt tên ngừng. Chúng ta kinh nghiệm trong  phạm vi cơ thể của chính mình sự thật tối hậu về vật chất:  đó là một dòng chảy không ngừng sinh diệt.
 Tương tự như vậy, thực tại hiển nhiên của tiến trình  của tâm có thể thâm nhập tới một tầng lớp vi tế hơn. Thí  dụ, ở một lúc nào đó, thích hay không thích xảy ra, dựa  trên một kinh nghiệm quá khứ của ta. Khoảnh khắc kế  tiếp, tâm lặp lại phản ứng thích hay không thích, và cứ  vậy càng lúc càng tăng cường nó lên, cho đến lúc nó trở thành thèm muốn hay chán ghét. Chúng ta chỉ ý thức được  những phản ứng có cường độ mạnh. Với sự nhận thức nông  cạn này, chúng ta bắt đầu nhận định và phân biệt giữa  cái dễ chịu và khó chịu, tốt và xấu, cái muốn và cái không  muốn. Cũng như trường hợp của thực tế hiển nhiên của  vật chất, cảm xúc mạnh cũng vậy; khi chúng ta quan sát  nó bằng cách quan sát những cảm giác ở bên trong, thì nó  phải tan rã. Cũng như vật chất chỉ là những gợn sóng li ti  của các vi tử, thì cảm xúc mạnh cũng chỉ là một hình thức  được củng cố của những cái thích hay không thích, của  những phản ứng nhất thời đối với những cảm giác. Một khi  cảm xúc mạnh tan rã thành những hình thức vi tế hơn, thì  nó không còn sức mạnh nào để chế ngự ta nữa.
 Từ sự quan sát những cảm giác chắc đặc ở những phần  khác nhau của cơ thể, chúng ta tiến tới sự ý thức về những  cảm giác tinh tế hơn có cùng tính chất, sinh diệt không  ngừng khắp cấu trúc thể chất. Vì cảm giác sinh diệt ở một  tốc độ rất nhanh nên chúng được cảm thấy như một luồng  rung động chạy khắp cơ thể. Bất cứ ta chú tâm tới một nơi  nào trong cơ thể, ta cũng chỉ thấy sự sinh diệt. Bất cứ lúc  nào trong tâm ta nảy sinh một ý nghĩ, là ngay sau đó ta  cảm nhận được những cảm giác sinh rồi diệt. Khi sự chắc  đặc hiển nhiên của thân và tâm bị tan rã, và chúng ta  chứng nghiệm được thực tế tối hậu của thân, tâm và tâm  ý: không gì ngoài những rung động, sinh và diệt ở một tốc  độ rất nhanh. Một người chứng nghiệm được sự thật này  đã nói:
 Toàn thế giới bốc cháy,
 toàn thế giới thành khói.
 Toàn thế giới đang cháy,
 toàn thế giới rung động.

 Để đạt tới giai đoạn tan rã này (bhanga), thiền giả chỉ  cần phát triển ý thức và sự bình tâm. Cũng như một khoa  học gia có thể quan sát những hiện tượng vi tế bằng cách  tăng độ khuếch đại của kính hiển vi, chúng ta tăng cường  khả năng quan sát những thực tại vi tế hơn ở bên trong  bằng cách phát triển ý thức và sự bình tâm.
 Kinh nghiệm này khi xảy ra chắc chắn là rất thích thú.  Mọi đau, nhức tan biến, tất cả những nơi không có cảm  giác đều biến mất. Chúng ta chỉ cảm thấy bình an, hạnh  phúc, ngây ngất. Đức Phật đã diễn tả kinh nghiệm đó như  sau:

 Khi ta chứng nghiệm được
 sự sinh và diệt của những tiến trình tâm - thân,
 thì ta hưởng được sảng khoái và hân hoan.
 Người đó đạt tới sự bất tử, như các bậc thánh.

 Nếu chúng ta tiến bước trên con đường, và khi sự chắc  đặc hiển nhiên của tâm và thân tan rã, thì chắc chắn ta  được hưởng hạnh phúc tuyệt vời. Hân hoan trong tình  trạng khoan khoái này, chúng ta có thể nghĩ rằng đó là  mục đích cuối cùng. Nhưng đó mới chỉ là một trạm, và từ  đó chúng ta tiến xa hơn để chứng nghiệm sự thật tối hậu  vượt ra ngoài tâm và thân, để đạt tới sự giải thoát hoàn  toàn khỏi khổ đau.
 Do hành thiền mà ý nghĩa những lời nói của Đức Phật  trở nên rõ ràng đối với chúng ta. Chúng ta bắt đầu vui  hưởng dòng rung động khắp cơ thể khi chúng ta tiến từ  thực tế bên ngoài đến thực tế vi tế. Nhưng đột nhiên dòng  rung động mất đi, và chúng ta lại kinh nghiệm những cảm  giác mãnh liệt, khó chịu ở một vài nơi trong cơ thể, và ở  một vài nơi khác thì chẳng có cảm giác gì. Và trong tâm ta  lại có xúc động mạnh. Nếu chúng ta bắt đầu cảm thấy chán  ghét tình trạng mới này và thèm muốn dòng rung động trở  lại thì chúng ta chẳng hiểu gì về Vipassana cả. Chúng ta đã  biến Vipassana thành một trò chơi trong đó mục đích chỉ để  đạt được những kinh nghiệm khoan khoái, và để tránh hay  vượt qua những kinh nghiệm khó chịu. Đây cũng là trò chơi  mà chúng ta đã từng chơi suốt cuộc đời - cái vòng lẩn quẩn  của đẩy đi và kéo lại không bao giờ ngưng, lôi kéo và xua  đuổi, chẳng mang lại gì ngoài khổ đau.
 Tuy nhiên, khi trí tuệ gia tăng, ta sẽ nhận thấy rằng  sự tái diễn của các cảm giác thô thiển, ngay cả sau khi  đã kinh nhiệm được sự tan rã, chứng tỏ là sự tiến bộ chứ  không phải là sự thụt lùi. Thiền Vipassana không phải với  mục đích để kinh nghiệm một cảm giác nào đặc biệt, mà  là để giải thoát tâm khỏi mọi nghiệp chướng. Nếu ta phản  ứng với bất cứ cảm giác nào, thì ta chỉ bị khổ thêm mà thôi.  Nhưng nếu ta giữ được sự bình tâm, thì ta cho phép một  số nghiệp qua đi, và dùng cảm giác làm phương tiện để  giải thoát khỏi khổ đau. Nhờ vào sự quan sát những cảm  giác khó chịu mà không phản ứng, chúng ta xóa bỏ được  sự chán ghét. Và do quan sát những cảm giác dễ chịu mà  không phản ứng chúng ta xóa bỏ được sự thèm muốn. Và  do quan sát những cảm giác trung tính mà không phản  ứng; chúng ta tẩy trừ được vô minh. Bởi vậy không có cảm  giác nào, không có kinh nghiệm nào là thật sự tốt hay xấu.  Nó tốt, nếu ta giữ được sự bình tâm, nó xấu nếu ta mất  quân bình.
 Với sự hiểu biết này, ta dùng mọi cảm giác như công  cụ để tẩy trừ nghiệp. Đây là giai đoạn được gọi là saṅkhāra upekkhā, quân bình đối với tất cả các nghiệp; từng bước  một tiến tới sự thật tối hậu của sự giải thoát, nibbāna (Niết  Bàn).


 Chứng nghiệm sự giải thoát

 Sự giải thoát có thể đạt được. Ta có thể thoát khỏi mọi  nghiệp chướng, mọi đau khổ. Đức Phật giảng:
 “Có một cảm quan vượt khỏi toàn bộ lãnh vực tâm, toàn  bộ lãnh vực thân, nó không phải là thế giới này hay thế  giới kia, hay cả hai, không phải là mặt trời hay mặt trăng.  Cái đó ta gọi là không sinh, không diệt, không trụ, không  chết, không tái sinh. Nó tự tại, không phát triển, không  nền móng. Đây là sự chấm dứt của khổ đau.”
 Ngài còn nói:
 “Có một cái không sinh, không trở thành, không tạo  dựng, không điều kiện. Nếu như không có cái không sinh,  không trở thành, không tạo dựng, không điều kiện, thì  sẽ không có sự giải thoát được biết đến từ cái sinh, cái  trở thành, cái tạo dựng, cái có điều kiện. Nhưng vì có cái  không sinh, không trở thành, không tạo dựng, không điều  kiện, nên mới có sự giải thoát khỏi cái được sinh ra, cái trở  thành, cái được tạo dựng, và những cái có điều kiện.”
 Niết bàn không phải là một trạng thái để ta đến sau  khi chết. Nó là trạng thái để ta kinh nghiệm được ngay  trong ta, ngay tại đây và ngay bây giờ. Nó được diễn tả  bằng những từ ngữ tiêu cực, không phải vì nó là một kinh  nghiệm tiêu cực, nhưng vì người ta không biết diễn tả nó  bằng cách nào khác. Mỗi ngôn ngữ đều có những từ để diễn  tả toàn bộ lãnh vực của những hiện tượng tâm và vật chất.  Nhưng không có từ hay quan điểm để diễn tả những điều  vượt ra ngoài tâm và thân. Nó thách đố mọi quan điểm,  mọi khác biệt. Chúng ta chỉ có thể diễn tả bằng cách nói về  những gì không phải là nó.
 Thật ra cố gắng mô tả Niết-bàn là vô ích. Bất cứ một sự  mô tả nào cũng chỉ làm rối trí mà thôi. Thay vì thảo luận  và bàn cãi về nó, ta hãy kinh nghiệm nó. Đức Phật nói: “Sự  thật thánh thiện này về sự chấm dứt khổ phải do chính  mỗi người tự chứng nghiệm.”  Chỉ khi nào kinh nghiệm  được Niết-bàn thì Niết-bàn mới là thật với người đó, và  mọi bàn cãi về nó đều trở nên không thích hợp.
 Để kinh nghiệm được sự thật tối hậu về giải thoát,  điều kiện tiên quyết là phải xuyên thấu qua sự thật hiển  nhiên và chứng nghiệm được sự tan rã của tâm và thân.  Càng vào sâu trong thực tại hiển nhiên, ta càng bỏ được sự  thèm muốn, chán ghét, bám chấp và càng tiến gần hơn đến  sự thật tối hậu. Luyện tập từng bước thì dĩ nhiên sẽ đến  giai đoạn chứng ngộ được Niết bàn. Chẳng có ích lợi gì mà  mong cầu nó, không có lý do để nghi ngờ việc nó sẽ đến. Nó  đến với bất cứ ai thực hành Pháp đúng cách. Việc nó đến  tùy thuộc một phần vào sự tích tụ của nghiệp trong mỗi  người, một phần khác tùy thuộc vào sự cố gắng của người  đó trong việc xóa bỏ những nghiệp đó. Những gì ta có thể  làm, và cần phải làm để đạt tới đích là tiếp tục quan sát  từng cảm giác mà không phản ứng.
 Ta không thể xác định được là khi nào ta kinh nghiệm  được Niết-bàn, nhưng ta có thể chắc chắn ta đang tiến về  nó. Ta có thể kiểm soát trạng thái hiện tại của tâm. Nếu ta  duy trì được sự bình tâm dù chuyện gì xảy ra ở ngoài hay  trong ta, thì ta vẫn đạt được giải thoát ngay trong giờ phút  này. Một người đã đạt đến mục đích tối hậu nói: “Trừ tuyệt  thèm muốn, trừ tuyệt chán ghét, trừ tuyệt vô minh là Niết  bàn.”  Cho tới khi tâm được như vậy thì ta kinh nghiệm  được giải thoát.
 Mỗi giây phút ta thực hành Vipassana đúng cách, ta  có thể kinh nghiệm được giải thoát. Sau cùng, Pháp, theo  định nghĩa, phải có kết quả ngay tại đây và ngay bây giờ  chứ không phải ở tương lai. Chúng ta phải kinh nghiệm  những lợi ích của sự hành thiền ở mọi bước trên con đường,  và mọi bước phải đưa thẳng đến đích. Tâm vào lúc không  còn nghiệp là một tâm bình an. Mỗi lúc như vậy đưa ta đến  gần hơn sự giải thoát hoàn toàn.
 Ta không thể cố gắng phát triển Niết-bàn, vì Niết-bàn  không thể phát triển; nó đơn giản hiện hữu. Nhưng ta có  thể phát triển phẩm chất dẫn ta đến Niết-bàn, phẩm chất  của sự bình tâm. Mỗi khi quan sát thực tế mà không phản  ứng là ta đã tiến sâu vào thực tế tối hậu. Phẩm chất cao  quý nhất của tâm là sự bình tâm căn cứ trên sự ý thức  hoàn toàn về thực tế.


 Hạnh phúc thật sự

 Có lần Đức Phật được hỏi về chân hạnh phúc. Ngài đã  đề ra nhiều hành động tốt lành đưa tới hạnh phúc. Những  hành động đó chia làm hai loại: Thực hành những công việc  góp phần vào hạnh phúc của tha nhân bằng cách làm đầy  đủ bổn phận của mình đối với gia đình và xã hội, và thực  hành những hành động để thanh lọc tâm. Sự tốt lành của  một người không thể tách rời khỏi sự tốt lành của những  người khác. Và cuối cùng Ngài đã nói:
 Khi đối diện với mọi thăng trầm của cuộc đời,
 mà tâm ta không lay chuyển,
 không than van, không tạo ra bất tịnh, luôn vững tâm;
 đây là hạnh phúc lớn nhất.

 Bất cứ việc gì xảy ra, dù ở trong tiểu vũ trụ của tâm  và thân của chính mình hay đại vũ trụ, ta có thể đối diện  nó - không phải với sự căng thẳng, hay với thèm muốn và  chán ghét bị đè nén- mà với sự hoàn toàn thanh thản, với  nụ cười phát xuất từ đáy lòng. Trong mọi tình huống, dù  dễ chịu hay khó chịu, như ý hay bất như ý, ta không bồn  chồn, mà cảm thấy hoàn toàn yên ổn, yên ổn trong sự hiểu  biết về lẽ vô thường. Đây là phước lành lớn lao nhất.
 Biết được mình làm chủ mình, không gì có thể khống  chế mình, mình có thể chấp nhận một cách vui vẻ bất cứ  chuyện gì xảy ra trong đời - đó là tâm hoàn toàn quân bình,  đây là sự giải thoát thật sự. Điều này có thể thực hiện được  ngay tại đây và ngay bây giờ do hành thiền Vipassana. Sự  bình tâm thật sự này không phải là tiêu cực hay sự thản  nhiên thụ động. Nó không phải là sự phục tùng mù quáng,  hay sự thờ ơ của một người trốn tránh những khó khăn  của cuộc đời, của người né tránh thực tại. Trái lại, tâm  thực sự quân bình căn cứ trên sự ý thức đầy đủ về những  khó khăn, ý thức về mọi tầng lớp của thực tại.
 Không còn thèm muốn hay chán ghét không có nghĩa  là có thái độ cứng rắn vô tình, trong đó ta hưởng sự giải  thoát cho riêng mình mà không thèm để ý đến sự đau khổ  của người khác. Trái lại, sự bình tâm thực sự được gọi một  cách đúng đắn là “sự vô tâm thiêng liêng”. Nó là một đức  tính sống động, là một sự diễn tả của tâm thanh tịnh. Khi  ta thoát khỏi được tập quán phản ứng mù quáng, lần đầu  tiên tâm ta có thể hành động tích cực, vừa sáng tạo, và lại  vừa hữu ích cho mình và cho người. Cùng với sự quân bình,  tâm thanh tịnh còn nảy sinh những đức tính khác: thiện  chí, lòng thương yêu muốn giúp đỡ người khác mà không  cầu mong được đền đáp; lòng từ bi đối với tha nhân trong  lúc thất bại và đau khổ; sự vui mừng đầy thiện cảm đối với  sự thành công và may mắn của họ. Bốn đức tính trên là  kết quả tất nhiên của phương pháp thiền Vipassana.
  Trước kia ta luôn giữ những gì tốt cho riêng ta, và đẩy  những gì ta không thích cho người khác. Bây giờ ta hiểu  được rằng hạnh phúc của chính ta không thể do sự mất  hạnh phúc của người khác, rằng khi ta mang hạnh phúc  đến cho người khác thì chính ta cũng được hạnh phúc. Bởi  vậy ta tìm cách chia sẻ những gì tốt ta có với người khác.  Đã thoát ra khỏi khổ đau, và thể nghiệm được sự bình an  của giải thoát, ta ý thức được rằng đó là điều tốt lành lớn  nhất. Vì vậy ta muốn người khác cũng có thể trải nghiệm  sự tốt lành này, và tìm được con đường thoát khổ.
 Đây là kết luận hữu lý của pháp thiền Vipassana: mettā- bhāvanā, sự phát triển thiện chí đối với người khác. Trước  kia, ta có thể nói về những tình cảm đó ở đầu môi chót lưỡi,  nhưng trong thâm tâm những tiến trình về thèm muốn và  chán ghét vẫn tiếp diễn. Bây giờ những tiến trình phản  ứng một phần nào đã ngưng, tập quán ích kỷ cũ đã mất đi,  và thiện chí tự nhiên tuôn tràn tự đáy lòng. Với toàn thể  sức mạnh của một tâm thanh tịnh đằng sau nó, thiện chí  có thể rất mạnh trong việc tạo nên một bầu không khí an  bình và hòa hợp hữu ích cho tất cả mọi người.
 Có những người tưởng rằng luôn luôn ở trong trạng  thái quân bình có nghĩa là không thể vui hưởng những  lạc thú của cuộc đời, giống như một họa sĩ có mực họa đủ  màu, nhưng chỉ dùng một màu xám. Hay như một người  với chiếc dương cầm chỉ chơi một âm giai C. Đây là sự ngộ  nhận về sự bình tâm. Sự thật thì cây đàn bị chùng dây, và  ta không biết chơi đàn như thế nào. Chỉ gõ xuống những  phím đàn để tự diễn tả sẽ chỉ tạo ra những cung đàn lỗi  nhịp. Nhưng nếu ta học cách lên dây đàn, và đàn đúng, thì  ta có thể tạo ra nhạc điệu. Ta dùng tất cả các phím đàn từ  nốt thấp nhất đến nốt cao nhất, thì mọi nốt ta chơi là sự  hòa hợp và tiết điệu.
 Đức Phật nói trong việc thanh lọc tâm và đạt được “Trí  tuệ ở mức độ hoàn hảo nhất”, ta chứng nghiệm được “sự  an lạc, sự hoan hỉ, sự bình tâm, ý thức, sự hiểu biết trọn  vẹn, và hạnh phúc thật sự”. Với một tâm quân bình, ta có  thể vui hưởng đời nhiều hơn. Khi tình huống dễ chịu xảy  ra, ta tận hưởng nó với sự ý thức hoàn toàn vào giây phút  hiện tại. Nhưng khi kinh nghiệm đó qua đi, ta không chán  nản. Ta tiếp tục mỉm cười và hiểu rằng nó phải thay đổi.  Cũng vậy, khi một trường hợp khó chịu xảy ra, ta không  bực mình. Thay vào đó, ta hiểu nó, và vì làm như vậy, có  lẽ ta có thể thay đổi hoàn cảnh. Nhưng nếu ta không thể  thay đổi được, thì ta vẫn giữ được sự bình tâm, và hiểu rõ  ràng kinh nghiệm này là vô thường, rồi nó sẽ qua đi. Bằng  cách giữ tâm không căng thẳng, ta có thể có một đời sống  thú vị và phong phú hơn.
 Có một câu chuyện ở Miến Điện, người ta thường chỉ  trích các học trò của Thiền sư Sayagyi U Ba Khin, nói rằng  họ thiếu tư cách nghiêm trang thích hợp của những người  hành thiền Vipassana. Trong một khóa học, những người  chỉ trích thừa nhận, những học trò hành thiền rất nghiêm  túc đúng mực, nhưng sau đó họ luôn luôn tỏ ra vui vẻ và  tươi cười. Khi lời phê bình đến tai Đại sư Webu Sayadaw,  một trong những vị sư được tôn kính nhất ở Miến Điện,  Ngài trả lời: “Họ tươi cười vì họ có thể tươi cười.” Nụ cười của  họ không phải do ràng buộc hay vô minh, mà do Pháp. Một  người tâm đã được thanh tịnh thì không cau có. Khi không  còn đau khổ thì lẽ dĩ nhiên ta tươi cười. Khi ta học được con  đường giải thoát, lẽ dĩ nhiên ta cảm thấy hạnh phúc.
 Nụ cười phát xuất từ tâm diễn tả không gì ngoài sự  bình an, quân bình, và thiện chí, một nụ cười tươi sáng ở  bất cứ trường hợp nào là hạnh phúc thật sự. Đây là mục  đích của Dhamma (Pháp)



  VẤN ĐÁP

 Câu Hỏi: Tôi thắc mắc không biết chúng ta có thể chữa  trị những ý nghĩ ám ảnh như chữa trị đau đớn về thể xác  không?
 Thiền Sư S. N. Goenka: Bạn chỉ việc chấp nhận là có  những tư tưởng hay cảm xúc bị ám ảnh trong tâm. Đó là  những gì bị dồn nén ở dưới sâu, và bây giờ xuất hiện ở tầng  lớp ý thức. Đừng đi sâu vào chi tiết. Cứ chấp nhận cảm xúc  là cảm xúc. Bạn cảm thấy cảm giác gì kèm theo cảm xúc.  Không thể nào có cảm xúc mà thiếu cảm giác ở tầng lớp thể  xác. Hãy cứ quan sát cảm giác.
 Vậy ta có tìm hiểu loại cảm giác nào thì liên quan đến  một loại cảm xúc cụ thể nào không?
 Hãy quan sát bất cứ cảm giác nào xuất hiện. Chúng  ta không thể tìm biết loại cảm giác nào liên hệ đến loại  cảm xúc nào. Vì vậy đừng bao giờ cố gắng làm điều đó.  Làm như vậy chỉ phí công mà thôi. Ở một lúc nào đó, một  cảm xúc nảy sinh trong tâm, thì bất cứ cảm giác nào bạn  cảm nhận ở thân đều liên quan đến cảm xúc đó. Cứ quan  sát cảm giác đó và hiểu rằng: “Những cảm giác đó đều vô  thường. Và cảm xúc này cũng vô thường. Ta hãy xem nó  kéo dài bao lâu.” Bạn sẽ thấy rằng bạn đã chặt cái gốc của  cảm xúc, và cảm xúc sẽ qua đi.
 Theo ý thiền sư thì cảm xúc và cảm giác là một?
 Chúng chỉ là hai mặt của một đồng xu. Cảm xúc thuộc  về tâm, và cảm giác thuộc về thân. Cả hai liên quan mật  thiết với nhau. Thật ra bất cứ cảm xúc nào nảy sinh trong  tâm thì đồng thời cũng phải có một cảm giác xuất hiện  trong thân. Đây là luật thiên nhiên.
 Vậy cảm xúc thuộc về tâm?
  Chắc chắn là như vậy.
 Nhưng tâm cũng là cả cơ thể?
 Nó liên quan mật thiết với toàn cơ thể.
 Ý thức hiện diện trong mọi nguyên tử của cơ thể sao?
 Phải. Vì vậy cảm giác liên quan đến một cảm xúc cụ  thể có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong cơ thể. Nếu bạn  quan sát những cảm giác ở khắp mọi nơi trong cơ thể, thì  chắc chắn bạn đang quan sát một cảm giác có liên quan  đến cảm xúc đó. Và bạn không còn vướng mắc vào cảm xúc  đó nữa.
 Nhưng nếu ta ngồi thiền mà không thể cảm nhận một  cảm giác nào thì sự ngồi thiền còn có ích lợi gì không?
 Nếu bạn ngồi và quan sát hơi thở, tâm sẽ được an tĩnh  và tập trung. Nhưng trừ phi bạn cảm nhận cảm giác, tiến  trình thanh lọc không thể tới được tầng lớp sâu hơn. Dưới  đáy sâu của tâm, các phản ứng bắt đầu với cảm giác, điều  này xảy ra không ngừng.
 Trong cuộc sống hằng ngày, nếu ta có vài ba phút giữ  yên tĩnh và quan sát cảm giác thì có lợi ích không?
 Có chứ. Khi bạn không có việc gì làm, bạn nên ý thức  về những cảm giác trong cơ thể, ngay cả khi mắt vẫn mở.
 Làm sao người thầy biết được đệ tử của mình đã chứng  nghiệm Niết bàn?
 Có nhiều cách để kiểm chứng khi một người thực sự  kinh nghiệm Niết bàn. Muốn làm được như vậy, người  thầy phải được huấn luyện đúng cách.
 Làm sao hành giả tự mình nhận biết?
 Do sự thay đổi đến trong cuộc đời họ. Những người nào  thực sự kinh nghiệm được Niết bàn trở nên thánh thiện  và có tâm thanh tịnh. Họ không còn phạm năm giới. Thay vì che giấu lỗi lầm, họ công khai nhận lỗi và cố gắng để  không tái phạm. Họ không còn bị ràng buộc vào những  lễ nghi vì thấy những điều đó chỉ là hình thức bên ngoài  trống rỗng nếu không có kinh nghiệm thực sự. Họ có một  niềm tin không lay chuyển vào con đường dẫn đến giải  thoát. Họ không tiếp tục tìm kiếm những con đường khác.  Và cuối cùng họ không còn ảo tưởng gì về cái ngã nữa. Nếu  có người tự nhận là mình đã kinh nghiệm Niết bàn nhưng  tâm vẫn còn bất tịnh và vẫn có những hành động sai quấy  như xưa, thì chắc chắn phải có điều gì đó không đúng. Lối  sống của họ phải cho thấy họ có thực sự trải nghiệm Niết bàn hay không.
 Một vị thầy cấp “giấy chứng nhận” cho đệ tử, công bố  rằng họ đã đạt đến Niết-bàn, điều đó là sai. Làm như vậy  chỉ tạo nên cạnh tranh trong sự bồi đắp cái ngã cho cả thầy  lẫn trò. Học trò chỉ cố để có được giấy chứng nhận, còn  thầy thì càng cấp nhiều giấy chứng nhận càng được nổi  danh. Kinh nghiệm Niết bàn chỉ là thứ yếu. Việc cấp giấy  chứng nhận trở nên quan trọng hơn, và tất cả trở thành  một trò chơi điên rồ. Dhamma (Pháp) thanh tịnh chỉ để  giúp người, và sự giúp người tốt lành nhất là nhìn thấy  người học trò thật sự kinh nghiệm được Niết bàn và được  giải thoát. Tất cả mục đích của người thầy và sự giảng  dạy ở chỗ thực lòng giúp người học, chứ không phải để phô  trương bản ngã. Đây không phải là một trò giải trí.
 Xin thiền sư cho biết giữa phân tâm học và Vipassana  khác nhau như thế nào?
 Trong phân tâm học, bạn cố gắng nhớ lại những biến cố  trong quá khứ đã có ảnh hưởng sâu đậm đến sự điều kiện  hóa tâm. Còn Vipassana thì dẫn hành giả vào tận tầng lớp  sâu nhất của tâm, nơi sự điều kiện hóa thực sự khởi đầu.  Trong phân tâm học, mọi biến cố mà ta cố nhớ lại, đều ghi lại một cảm giác trên cơ thể. Do sự quan sát những cảm  giác trên khắp cơ thể với một tâm quân bình, thiền giả đã  khiến cho vô số các lớp nghiệp trồi lên và tiêu tan đi. Thiền  giả đối phó với sự tạo nghiệp ở tận gốc rễ của nó, và có thể  thoát khỏi nó một cách nhanh chóng và dễ dàng.
 Lòng bi mẫn đích thực là như thế nào?
 Là muốn phục vụ người khác, là muốn giúp người khác  thoát khỏi khổ đau. Nhưng nhất thiết không được bám  chấp. Nếu bạn khóc lóc vì sự đau khổ của người khác thì  bạn chỉ làm mình khổ mà thôi. Đó không phải là con đường  của Pháp. Nếu bạn thực sự có lòng bi mẫn thực sự, thì với  tất cả tình thương, bạn đem hết khả năng mình ra giúp đỡ  người khác. Nếu thất bại, bạn mỉm cười và tìm cách khác  để giúp. Bạn giúp người nhưng không lo lắng về kết quả  của sự giúp đỡ đó. Đó là lòng bi mẫn thực sự, thực hiện từ  một tâm quân bình.
 Thiền sư có cho Vipassana là con đường độc nhất dẫn  đến giác ngộ?
 Giác ngộ đạt được do sự quan sát bản thân và tẩy trừ  nghiệp. Làm được điều đó là Vipassana, dù bạn muốn  gọi nó là gì cũng được. Một số người chưa từng nghe đến  Vipassana nhưng tiến trình đã khởi sự tác động một cách  tự nhiên trong họ. Điều này đã xảy ra trong trường hợp  của một số thánh nhân Ấn Độ, căn cứ vào lời họ nói. Vì họ  không học kỹ thuật từng bước một nên họ không thể giải  thích một cách rõ ràng cho người khác hiểu. Ở đây, bạn có  cơ hội học hỏi kỹ thuật từng bước một, nó sẽ dẫn bạn tới  giác ngộ.


  Đổ đầy chai dầu

 Một bà mẹ đưa cho đứa con trai mười đồng và một cái  chai không, bảo nó ra tiệm tạp hóa mua dầu. Thằng bé đi  mua, nhưng khi trở về, nó ngã và làm rớt chai dầu. Trước  khi có thể nhặt được chai lên thì dầu đã đổ ra mất nửa  chai. Nhặt cái chai còn một nửa dầu, nó trở về khóc lóc với  mẹ: “Con đã đánh đổ mất nửa chai dầu.” Và nó rất buồn.
 Bà mẹ lại đưa mười đồng và một cái chai khác cho một  đứa con khác. Thằng này khi đi mua trở về cũng bị ngã và  đánh đổ mất nửa chai dầu. Nó nhặt chai dầu lên và về nhà  vui vẻ nói với mẹ: “Mẹ ạ, chai rớt xuống có thể vỡ và mất  hết dầu, nhưng con đã giữ lại được một nửa.” Hai đứa cùng  chạy về với mẹ, với cùng một chai, nửa đầy, nửa vơi. Một  đứa khóc với nửa chai vơi, một đứa vui với nửa chai đầy.
 Bà mẹ lại đưa mười đồng và một cái chai cho đứa con  thứ ba. Thằng này cũng ngã và đánh đổ nửa chai dầu. Nó  chạy về và cũng như đứa thứ hai, vui vẻ nói với mẹ: “Mẹ  ơi con đã giữ lại được nửa chai dầu.” Nhưng đứa trẻ này là  một đứa trẻ Vipassana, không những nó đầy lạc quan mà  còn rất thực tế. Nó hiểu rằng, cho dù nó giữ được nửa chai  dầu, nhưng nửa chai kia đã bị mất. Và nó nói với mẹ: “Con  sẽ ra chợ làm việc cả ngày để kiếm năm đồng và đổ đầy  dầu vào chai chiều nay.”
 Đó là Vipassana. Không bi quan, mà trái lại lạc quan,  thực tế và có hiệu quả!