Chương 7. Rèn luyện trí tuệ (nghệ thuật sống)


Chương 7. Rèn luyện trí tuệ 

 Cả giới (sila) và định (samadhi) đều không phải  là nét đặc thù trong giáo huấn của Đức Phật.  Cả hai đã được biết đến và được tu tập từ trước khi Ngài  giác ngộ. Thực ra, trên con đường đi tìm giải thoát, Ngài  đã được dạy về samadhi do hai bậc thầy mà Ngài theo học.  Những lời chỉ dẫn của Ngài về phương pháp này không  khác gì của những bậc thầy các tôn giáo truyền thống.  Tất cả mọi tôn giáo đều nhấn mạnh vào sự cần thiết của  hành vi đạo đức, và họ còn cho thấy những trạng thái sung  sướng, ngây ngất, hoặc là đạt được bằng sự cầu nguyện,  hoặc thực hành những nghi thức tôn giáo, hoặc bằng nhịn  ăn, khổ hạnh, hay bằng các phương pháp thiền khác nhau.  Mục đích của những cách thực hành này chỉ đơn thuần là  để đạt được một trạng thái nhập định sâu. Đây là những  trải nghiệm “cực lạc” của những sự huyền bí tín ngưỡng.


 Trạng thái định này, tuy chưa đạt tới mức xuất thần,  nhưng cũng rất hữu ích. Nó làm cho tâm yên tĩnh bằng  cách đánh lạc sự chú tâm khỏi tình trạng mà ta sẽ phản  ứng bằng thèm muốn và chán ghét. Một hình thức thô sơ  của samadhi là đếm chầm chậm từ một đến mười để tránh  cơn giận bùng nổ. Những hình thức khác có lẽ còn rõ rệt  hơn, như lặp đi lặp lại một chữ, hay một câu chú, hay chú  tâm vào đối tượng của mắt. Tất cả mọi cách đều rất hữu  hiệu: Khi sự chú tâm chuyển sang một đối tượng khác,  tâm có vẻ trở nên bình tĩnh và bình an. 
 Tuy nhiên, sự bình tĩnh đạt được bằng cách này không  phải là sự giải thoát thực sự. Chắc chắn sự thực hành định  đem lại những kết quả tốt đẹp, nhưng nó chỉ tốt ở tầng lớp  ý thức của tâm mà thôi. Gần hai mươi lăm thế kỷ trước khi có sự khám phá của khoa tâm lý học hiện đại, Đức Phật đã  nhận thức được sự hiện hữu của tâm vô thức mà Ngài gọi  là anusaya. Ngài thấy rằng đánh lạc hướng sự chú tâm là  một cách đối phó hữu hiệu với thèm muốn và chán ghét ở  mức độ ý thức, nhưng thực sự không loại hẳn được chúng.  Trái lại chúng bị đẩy sâu vào vô thức, nơi chúng ngủ yên,  nhưng vẫn nguy hiểm như bao giờ. Ở bề mặt của tâm, có  thể có một lớp bình yên và hòa hợp, nhưng ở dưới sâu là  một hỏa diệm sơn đang ngủ yên, chứa đầy những bất tịnh  bị dồn nén, không sớm hay muộn cũng sẽ bùng nổ dữ dội.  Đức Phật nói: 
 “Nếu một cây bị gãy đổ, nhưng rễ vẫn mọc vững trong  đất, không bị đụng chạm thì mầm non vẫn mọc lên. “Nếu gốc rễ của thói quen cố hữu của thèm muốn và  chán ghét chưa được bứng nhổ, thì khổ đau vẫn không  ngừng tái diễn.” 
 Chừng nào các điều kiện (nghiệp) còn ở trong vô thức,  thì những mầm mống khổ đau chỉ chờ cơ hội là lập tức trồi  lên, tạo ra khổ. Vì lý do này, ngay sau khi đạt được trạng  thái cao nhất có thể đạt được do định, vị Bồ Tát sắp thành  Phật vẫn không hài lòng rằng Ngài đã được giải thoát.  Ngài quyết định phải tiếp tục tìm kiếm con đường thoát  khỏi khổ đau và đưa tới hạnh phúc. 
 Ngài thấy có hai sự lựa chọn. Con đường thứ nhất là  tự mình buông thả, tìm kiếm để thỏa mãn mọi dục vọng  không một chút kiềm chế. Đây là con đường thế tục mà hầu  hết mọi người đều theo dù họ có ý thức được hay không.  Nhưng Ngài đã thấy rõ con đường này không thể dẫn đến hạnh phúc. Trên thế gian này, không ai có thể lúc nào cũng  muốn gì được nấy, mọi sự xảy ra theo ý mình, không gặp  những điều bất như ý. Những người theo con đường này  đương nhiên bị khổ khi không đạt được những gì họ mong  muốn; có nghĩa là họ khổ vì thất vọng và bất như ý. Nhưng  họ khổ không kém khi đạt được điều mong ước: họ khổ vì  sợ điều đạt được sẽ mất đi, và những lúc sung sướng cũng  sẽ không được lâu dài, và sự thật là vậy. Khi tìm kiếm,  khi đạt được, và khi mất mát điều mong ước, những người  ấy sẽ luôn luôn bị dao động. Ngài đã từng trải qua những  kinh nghiệm đó trước khi Ngài từ bỏ cuộc sống trần tục  để trở thành một người tu hành. Vì vậy Ngài đã biết con  đường đó không thể là con đường dẫn tới bình an. 
 Con đường thứ hai là con đường tự kiềm chế, cố tình  tránh thỏa mãn mọi mong muốn. Ở Ấn Độ 2.500 năm về  trước, con đường tự chối từ đã đi đến độ cực đoan, tránh  hết mọi kinh nghiệm khoan khoái, và còn tự hành hạ bằng  những kinh nghiệm khó chịu. 
 Lý do giải thích sự tự trừng phạt là nó sẽ chữa được thói  quen của thèm muốn và chán ghét, và nhờ vậy thanh lọc  được tâm. Sự thực hành khổ hạnh là một hiện tượng tôn  giáo có khắp thế giới. vị Bồ Tát sắp thành Phật đã theo con  đường này trong những năm Ngài sống đời tu sĩ không nhà.  Ngài đã thử nhiều lối tu khổ hạnh đến độ thân Ngài chỉ còn  da bọc xương, nhưng Ngài vẫn không thấy mình được giải  thoát. Hành hạ thể xác không thanh lọc được tâm. 
 Tự kiềm chế không cần phải thực hành đến mức thái  quá. Tuy nhiên chúng ta có thể áp dụng một cách vừa phải  bằng cách tránh những thèm muốn đưa tới những hành  động bất thiện. Sự tự chế này tốt hơn là sự phóng túng,  vì ít nhất chúng ta cũng tránh được những hành động vô  luân. Nhưng nếu ta đè nén để tự kiềm chế thì tinh thần ta sẽ căng thẳng đến độ nguy hiểm. Tất cả những dục vọng bị  đè nén sẽ tích tụ như nước lũ sau bờ đê của sự tự chối bỏ.  Một ngày nào đó đê sẽ vỡ và tạo ra một trận lụt khốc liệt. 
 Chừng nào điều kiện (nghiệp) còn tồn tại trong tâm  thì chúng ta không thể hết khổ, hay được bình an. Cho dù  giới luật (sila) là hữu ích nhưng lý trí không thể duy trì  nó được. Phát triển samadhi có thể giúp được phần nào,  nhưng nó không tác động ở mức độ thâm sâu của tâm,  nơi cội nguồn của mọi vấn đề, gốc rễ của những bất tịnh.  Chừng nào những gốc rễ đó còn vùi sâu trong vô thức, thì  chúng ta không thể có hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu,  không có sự giải thoát. 
 Nhưng nếu những gốc rễ của điều kiện (nghiệp) bị loại  trừ khỏi tâm, thì mối nguy hiểm của sự buông thả trong  những hành động bất thiện không còn nữa, và cũng không  cần thiết phải tự đè nén, vì động lực để thực hành những  hành vi bất thiện sẽ mất đi. Chúng ta có thể sống một cuộc  đời bình an vì tâm ta không còn căng thẳng do sự tìm kiếm  hay chối bỏ 
 Để bứng nhổ những gốc rễ đó, chúng ta cần một phương  pháp để có thể thâm nhập vào tầng lớp sâu thẳm của tâm  để đối phó với những bất tịnh nơi chúng phát sinh. Phương  pháp này Đức Phật đã tìm ra: rèn luyện trí tuệ, hay là  paññā đã đưa Ngài đến giác ngộ. Phương pháp này còn  được gọi là vipassanā-bhāvanā, sự phát triển tuệ giác vào bản  tánh của chúng ta, nhờ đó ta có thể nhận biết và loại trừ  nguyên nhân của khổ đau. Đây là những gì Đức Phật đã  tìm ra, đã thực hành cho sự giải thoát của ngài, và đã dạy  cho người khác suốt cuộc đời Ngài. Đây là yếu tố duy nhất  trong giáo huấn của Ngài mà Ngài cho là quan trọng nhất.  Ngài thường nhắc đi nhắc lại: 
  “Định sẽ có kết quả và ích lợi nếu nó được giới hỗ trợ.  Trí tuệ sẽ có kết quả và ích lợi nếu nó được định hỗ trợ.  Tâm sẽ sạch hết bất tịnh nếu được trí tuệ hỗ trợ.” 
   Tự thân các phần giới (sila) và định (samadhi) tuy rất  có giá trị, nhưng mục đích chính của chúng là dẫn tới tuệ.  Chỉ có phát triển trí tuệ (panna) chúng ta mới thật sự tìm  thấy trung đạo giữa hai cực đoan buông thả và đè nén.  Giữ giới, chúng ta tránh được những hành động gây nên  những hình thức thô thiển nhất của tâm dao động. Bằng  cách định tâm, chúng ta làm tâm an tĩnh thêm, đồng thời  uốn nắn nó thành một công cụ hữu hiệu trong công việc tự  khảo sát. Nhưng chỉ nhờ phát triển trí tuệ chúng ta mới có  thể xuyên thấu vào sự thật nội tâm và giải thoát ta khỏi  vô minh và bám chấp. 
 Hai phần của Bát Thánh Đạo thuộc về sự luyện tập  trí tuệ là suy nghĩ chân chánh (chánh tư tuy) và hiểu biết  chân chánh (chánh kiến). 


 Suy nghĩ chân chánh (chánh tư duy) 

 Truớc khi bắt đầu vipassanā-bhāvanā, tất cả những  ý nghĩ không nhất thiết phải ngưng lại trong khi hành  thiền. Những tư tưởng vẫn có thể còn tồn tại, nhưng nếu  sự ý thức được duy trì từ khoảnh khắc này sang khoảnh  khắc khác thì cũng đủ để chúng ta bắt đầu. 
 Ý nghĩ tuy có thể vẫn còn, nhưng tính chất của lối suy  nghĩ đã thay đổi. Chán ghét và thèm muốn đã được lắng  dịu nhờ vào sự ý thức về hơi thở. Tâm đã trở nên yên tĩnh,  ít nhất là ở mức độ ý thức, và bắt đầu nghĩ về Dhamma, về  con đường thoát khỏi khổ đau. Những khó khăn nảy sinh khi ta bắt đầu ý thức về hơi thở bây giờ đã qua đi, hay ít  nhất cũng đã bị chế ngự một phần nào. Chúng ta sửa soạn  cho bước kế tiếp là sự hiểu biết chân chánh. 


   Sự hiểu biết chân chánh (Chánh kiến) 

 Sự hiểu biết chân chánh mới thực sự là trí tuệ. Nghĩ về  sự thật không đủ. Chúng ta phải tự mình chứng nghiệm  sự thật, chúng ta phải nhìn sự việc như chúng thực sự là,  chứ không phải trông có vẻ như vậy. Sự thật hiển nhiên là  một thực tế, tuy nhiên ta cần phải vào sâu bên trong để thể  nghiệm thực tế tối hậu của chúng ta và diệt trừ khổ đau. 
 Có ba loại trí tuệ: trí tuệ thụ nhận (suta-mayā paññā), trí  tuệ do lý trí (cintā-mayā paññā), và trí tuệ chứng tri (bhāvanā- mayā paññā). 
 Nghĩa đen của suta-mayā paññā là “trí tuệ nghe được” -  trí tuệ do học ở người khác mà có, thí dụ như bằng cách đọc  sách, hay nghe giảng Pháp. Đây là trí tuệ của người khác  mà ta quyết định nhận nó làm của mình. Sự chấp nhận  này có thể là do vô minh. Thí dụ người ta lớn lên trong  một cộng đồng với một lý tưởng, một hệ thống tín ngưỡng,  hay tôn giáo nào đó, và có thể chấp nhận mà không hề  thắc mắc về chúng. Sự chấp nhận có thể do lòng tham.  Những người lãnh đạo của cộng đồng có thể nói rằng, nếu  chấp nhận lý tưởng đã có sẵn, một tín ngưỡng cổ truyền,  sẽ bảo đảm một tương lai tốt đẹp. Có lẽ họ đã nói rằng tất  cả những người nào tin tưởng sẽ được lên thiên đàng sau  khi chết. Lẽ dĩ nhiên cái hạnh phúc có được ở thiên đàng  thì quá hấp dẫn, nên mọi người đã chẳng ngại ngùng gì  mà không chấp nhận. Người ta chấp nhận cũng có thể vì sợ  hãi. Các nhà lãnh đạo có thể thấy dân chúng có nghi vấn  về ý thức hệ của cộng đồng, nên họ đã cảnh cáo dân chúng phải tuân theo những điều tin tưởng chung của cộng đồng,  đe dọa là nếu không tuân theo họ sẽ bị trừng phạt một  cách khủng khiếp trong tương lai, và có lẽ đã tuyên bố,  những kẻ không tin tưởng sẽ phải xuống địa ngục sau khi  chết. Dĩ nhiên, dân chúng không muốn xuống địa ngục,  nên họ đành gạt qua một bên những mối nghi ngờ và chấp  nhận những tín điều của cộng đồng. 
 Trí tuệ thụ nhận, dù là chấp nhận do lòng tin mù quáng,  do thèm muốn, hay do sợ hãi đều không phải là trí tuệ của  chính mình, không phải do chính mình thể nghiệm, mà là  một thứ trí tuệ vay mượn. 
 Loại trí tuệ thứ hai là sự hiểu biết trí thức (lý trí). Sau  khi học hay nghe một giáo lý, ta xem xét và khảo sát xem  nó có hợp lý, ích lợi, hay thực tiễn không. Nếu ta thấy thỏa  mãn ở mức độ trí thức, thì ta chấp nhận nó là thật. Tuy  nhiên đây không phải là tuệ giác, tuệ chứng của chính  mình, mà chỉ là một thứ trí tuệ do lý trí. 
 Loại thứ ba là loại trí tuệ do chính ta thể nghiệm, do sự  chứng nghiệm cá nhân. Đây là loại trí tuệ mà ta sẽ sống  với, trí tuệ thật sự sẽ mang đến sự thay đổi trong đời ta  bằng sự thay đổi bản tánh của tâm. 
 Trong thế giới vật chất, tuệ chứng có thể không luôn  luôn cần thiết hay thích hợp. Chỉ cần chấp nhận lời của  người khác cho biết lửa là nguy hiểm, hay xác nhận sự  kiện bằng suy luận. Chỉ có điên rồ mới nhất định lao mình  vào lửa, rồi mới chấp nhận nó làm phỏng. Tuy nhiên, trong  Dhamma, trí tuệ do trải nghiệm là thiết yếu, vì có như vậy  chúng ta mới thoát khỏi điều kiện (nghiệp). 
 Trí tuệ có được nhờ nghe từ người khác và trí tuệ nhờ  sự nghiên cứu trí thức sẽ có ích lợi nếu chúng gây hứng  khởi và hướng dẫn chúng ta tiến tới loại trí tuệ thứ ba, trí  tuệ thực chứng. Nhưng nếu chúng ta đơn giản chấp nhận trí tuệ thụ nhận mà không hề có nghi vấn, thì nó sẽ trở  thành một sự ràng buộc, một chướng ngại của sự đạt đến  tuệ chứng. Cũng vậy, nếu chúng ta chỉ suy tưởng về sự  thật, xem xét và hiểu nó một cách trí thức, nhưng không  có một cố gắng nào để thể nghiệm nó trực tiếp thì sự hiểu  biết tri thức sẽ trở thành sự trói buộc thay vì giúp ta trong  sự giải thoát. 
 Mỗi người chúng ta phải trực tiếp chứng nghiệm sự  thật bằng cách thực hành bhāvanā; chỉ có kinh nghiệm sống  này mới giải thoát được tâm. Trải nghiệm sự thật của người  khác không thể giải thoát được ta. Ngay cả sự giác ngộ của  Đức Phật cũng chỉ có thể giải thoát cho một người, đó là  Sidhattha Gotama. Sự chứng ngộ của một người có thể  gợi hứng cho người khác, hướng dẫn người khác đi theo,  nhưng rút cuộc mỗi người chúng ta phải tự mình làm lấy.  Đức Phật nói: 
 Quý vị phải tự mình tu tập; những người đã tới đích chỉ có thể chỉ đường mà thôi. 
 Sự thật có thể được sống, được chứng nghiệm trực tiếp  chỉ trong chính ta mà thôi. Bất cứ cái gì bên ngoài thì luôn  luôn xa vời chúng ta. Chỉ trong bản thân, chúng ta mới có  thể chứng nghiệm trực tiếp và sống động về sự thật. 
 Trong ba loại trí tuệ, hai loại đầu không phải đặc biệt  riêng trong giáo huấn của Đức Phật. Cả hai đều đã hiện  hữu ở Ấn Độ trước Ngài, và ngay cả trong thời Ngài, đã có  người tự nhận giảng dạy những gì Phật dạy. Sự đóng góp  độc đáo của Đức Phật cho thế giới là con đường tự mỗi cá  nhân chứng nghiệm sự thật và nhờ đó phát triển bhāvanā- mayā paññā (tuệ giác). Cách đạt được sự trực nghiệm sự  thật này là kỹ thuật vipassanā-bhāvanā. 
  

 Vipassanā-bhāvanā 

 Vipassana thường được mô tả như một tia chớp của  tuệ giác, một sự trực giác đột nhiên được sự thật. Sự mô  tả đúng, nhưng thật ra có một phương pháp tuần tự mà  những người hành thiền có thể dùng để tiến tới giai đoạn  đạt được trực giác đó. Phương pháp đó là Vipassanā-bhāvanā,  sự phát triển tuệ giác, thường gọi là thiền Vipassana. 
 Passana có nghĩa là “nhìn”, cái nhìn thông thường với  đôi mắt mở. Vipassana có nghĩa là một kiểu nhìn đặc biệt:  quan sát sự thật chính trong bản thân. Để đạt được điều  này, ta lấy cảm giác trên cơ thể của mình làm đối tượng.  Kỹ thuật là sự quan sát một cách hệ thống và khách quan  các cảm giác trong bản thân. Sự quan sát này sẽ phô bày  toàn thể thực tại của thân và tâm. 
 Tại sao lại dùng cảm giác? Thứ nhất, vì nhờ cảm giác  mà chúng ta thể nghiệm trực tiếp thực tế. Một sự vật không  hiện hữu đối với ta nếu nó không xúc chạm với năm giác  quan hay với tâm. Đó là những cửa ngõ mà qua đó, chúng  ta giao tiếp với thế giới bên ngoài, là căn bản của mọi kinh  nghiệm. Khi nào một cái gì xúc chạm với sáu giác quan, thì  cảm giác nảy sinh. Đức Phật mô tả tiến trình đó như sau: 
 “Nếu một người lấy hai cái que cọ sát vào nhau, vì sự cọ  sát tạo ra sức nóng nên phát ra tia lửa. Cũng vậy, kết quả  của sự tiếp xúc là thích thú, thì một cảm giác dễ chịu nảy  sinh, nếu là khó chịu, thì một cảm giác khó chịu nảy sinh;  nếu là trung tính, thì một cảm giác trung tính nảy sinh.” 
 Sự tiếp xúc giữa tâm hay thân với một đối tượng tạo ra  cảm giác. Như vậy, cảm giác là mối liên lạc qua đó chúng  ta kinh nghiệm thế giới với tất cả các hiện tượng, thân và tâm. Để phát triển trí tuệ thực chứng, chúng ta phải ý  thức được những gì ta thực sự trải nghiệm; tức là ta phải  phát triển ý thức về cảm giác. 
 Hơn nữa, cảm giác liên quan mật thiết với tâm, và cũng  như hơi thở, chúng phản ánh trạng thái hiện tại của tâm.  Khi những sản phẩm của tâm - tư tưởng, ý nghĩ, tưởng  tượng, cảm xúc, ký ức, hy vọng, sợ hãi - tiếp xúc với tâm,  cảm giác nảy sinh. Mỗi ý nghĩ, mỗi cảm xúc, mỗi ý định  đều có một cảm giác tương ứng kèm theo trong cơ thể. Bởi  vậy khi quan sát cảm giác là ta đã gián tiếp quan sát tâm. 
 Tìm hiểu sự thật ở mức độ thâm sâu không thể thiếu  cảm giác. Bất cứ những gì ta gặp trong đời đều tạo nên  một cảm giác trong cơ thể. Cảm giác là chỗ giao lộ nơi tâm  và thân gặp nhau. Mặc dầu bản chất của cảm giác thuộc  về thể xác, nhưng nó cũng là một trong bốn tiến trình của  tâm. (Xem Chương 2) Cảm giác nảy sinh trong cơ thể và  được tâm nhận biết. Cảm giác không thể có trong xác chết  hay trong những vật vô tri giác, vì không có sự hiện diện  của tâm. Nếu chúng ta không biết đến kinh nghiệm này,  thì sự khảo sát của chúng ta về thực tại vẫn chưa hoàn  chỉnh và chỉ dừng ở bề mặt. Cũng giống như nhổ cỏ trong  vườn, chúng ta phải biết có những rễ ẩn sâu, và phận sự  trọng yếu của nó. Tương tự như thế, ta phải ý thức được  những cảm giác thường là ẩn giấu khiến ta không biết  đến, nếu ta muốn hiểu bản tánh của mình và ứng phó  thích hợp với nó. 
 Cảm giác phát sinh bất cứ lúc nào ở mọi nơi trong cơ  thể. Mỗi sự tiếp xúc về thể xác hay tinh thần đều tạo ra  một cảm giác. Mỗi phản ứng sinh hóa đều sinh ra cảm  giác. Trong cuộc sống hằng ngày, tâm thức thiếu sự tập  trung cần thiết để ý thức được tất cả, trừ những cảm giác  mạnh nhất. Nhưng một khi tâm được bén nhạy do thực hành ānāpāna-sati (ý thức về hơi thở) và do đó phát triển  khả năng ý thức, chúng ta có thể trải nghiệm thực tế của  những cảm giác bên trong. 
 Trong sự thực hành ý thức về hơi thở, chúng ta quan  sát hơi thở tự nhiên chứ không kiểm soát hay điều khiển  nó. Cũng vậy, khi thực hành vipassanā-bhāvanā (thiền  Vipassana), chúng ta chỉ quan sát cảm giác của thân.  Chúng ta di chuyển sự chú ý một cách có hệ thống khắp cơ  thể, từ đầu đến chân và từ chân lên đầu, từ tay này sang  tay kia, từ chân này sang chân kia, và trong khi làm như  vậy, chúng ta không tìm kiếm một cảm giác đặc biệt nào,  hay tránh né một loại cảm giác nào. Chúng ta chỉ quan  sát một cách khách quan, ý thức về những cảm giác tự thể  hiện trong toàn thân. Cảm giác có thể là nóng, lạnh, nặng  nề, nhẹ nhàng, ngứa ngáy, dao động, co thắt, giãn nở, đè  ép, đau đớn, tê tê, rung động... hay bất cứ gì khác. Hành  giả không tìm kiếm một cảm giác khác thường nào, mà  chỉ quan sát những cảm giác bình thường của cơ thể khi  chúng nảy sinh một cách tự nhiên. Chúng ta cũng không  cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của cảm giác. Cảm giác có  thể sinh ra do thời tiết, do tư thế ngồi, do những bệnh cũ  hay đau yếu trong cơ thể, hay do thức ăn đã ăn. Nguyên  nhân không quan trọng và ta không cần quan tâm đến.  Điều quan trọng là ta ý thức về cảm giác xảy ra vào lúc  này, tại phần cơ thể mà ta đang chú tâm tới. 
 Khi mới bắt đầu thực hành, chúng ta có thể chỉ nhận  thấy cảm giác ở một vài phần trong cơ thể mà không thấy ở  những phần khác. Khả năng ý thức của chúng ta chưa hoàn  toàn phát triển nên ta chỉ thấy những cảm giác mạnh mà  không ý thức được những cảm giác vi tế. Tuy nhiên, chúng  ta cứ tiếp tục chú ý đến từng phần của cơ thể một cách có  hệ thống, không để sự chú ý bị lôi kéo bởi những cảm giác  nổi bật. Khi tập định tâm, chúng ta phát triển khả năng chú tâm vào một đối tượng chọn lựa. Bây giờ dùng khả  năng đó di chuyển sự ý thức đến tất cả mọi phần của cơ thể  theo một thứ tự tiệm tiến, không nhảy qua những phần  cảm giác không được rõ ràng để đến những phần mà cảm  giác rõ rệt hơn, cũng không ngừng lâu ở vài cảm giác, hay  tránh né những cảm giác khác. Như vậy chúng ta có thể  dần dần đạt tới mức độ có thể kinh nghiệm cảm giác trên  mọi phần của cơ thể. 
 Khi chúng ta bắt đầu tập ý thức về hơi thở, hơi thở  thường nặng nề và không đều. Rồi nó dần dần lắng dịu  và trở nên càng lúc càng nhẹ nhàng hơn, mảnh mai hơn,  vi tế hơn. Cũng vậy, khi mới bắt đầu thực hành vipassanā- bhāvanā (thiền Vipassna), chúng ta thường kinh nghiệm  những cảm giác thô thiển, mãnh liệt, khó chịu, và hình  như kéo dài rất lâu. Đồng thời, những cảm xúc mạnh,  những tư tưởng đã quên từ lâu và những ký ức có thể nổi  lên mang theo những bực dọc về tinh thần hay thể xác,  ngay cả đau đớn nữa. Những chướng ngại về thèm muốn,  chán ghét, lười biếng, dao động và nghi ngờ làm trở ngại  bước tiến của chúng ta trong khi tập ý thức về hơi thở, nay  lại xuất hiện và gia tăng sức mạnh khiến chúng ta không  thể nào duy trì được ý thức về cảm giác. Đối diện với tình  trạng này, chúng ta không có cách nào hơn là trở lại với sự  ý thức về hơi thở để một lần nữa làm cho tâm được an tĩnh  và sắc bén trở lại. 
 Một cách kiên nhẫn, không hề cảm thấy thất bại, người  hành thiền chúng ta nỗ lực để tái lập sự chú tâm, hiểu rõ  rằng tất cả những sự khó khăn này thật ra là kết quả của  sự thành công ban đầu. Vài điều kiện (nghiệp) chôn sâu  nay bị lay động và bắt đầu xuất hiện ở tầng lớp ý thức. Dần  dần với sự cố gắng liên tục nhưng không căng thẳng, tâm  ta lấy lại được sự yên tĩnh và tập trung. Những tư tưởng  và cảm xúc mạnh qua đi, và chúng ta có thể trở lại với sự ý thức về cảm giác. Với sự tập luyện liên tục, những cảm  giác mạnh có khuynh hướng tan rã thành những cảm giác  đồng đều hơn và vi tế hơn, và cuối cùng chỉ còn là những  rung động, nảy sinh và diệt đi rất nhanh. 
 Những cảm giác dù là dễ chịu hay khó chịu, mạnh mẽ  hay tinh tế, đồng đều hay khác nhau đều không liên quan  đến việc hành thiền. Công việc của chúng ta là chỉ quan sát  một cách khách quan. Mặc cho những bực dọc của những  cảm giác khó chịu, hay những lôi cuốn của những cảm giác  dễ chịu, ta vẫn tiếp tục tập luyện, không được xao lãng hay  dính mắc vào bất cứ một cảm giác nào; công việc của chúng  ta chỉ là quan sát bản thân hoàn toàn khách quan như một  nhà khoa học quan sát trong phòng thí nghiệm. 


 Vô thường, vô ngã và khổ 

 Khi chúng ta bền chí hành thiền thì chúng ta nhận ra  một điều căn bản: cảm giác của chúng ta luôn luôn thay đổi.  Mỗi khoảnh khắc, trong mọi phần của cơ thể, một cảm giác  nảy sinh, và mỗi cảm giác là một dấu hiệu của sự thay đổi.  Mỗi khoảnh khắc, sự thay đổi xảy ra trong mọi phần của cơ  thể, qua những phản ứng điện từ và sinh hóa. Mỗi khoảnh  khắc, những tiến trình tâm lý thay đổi thậm chí còn nhanh  hơn nữa và thể hiện trong những thay đổi của cơ thể 
 Đây là thực tại của tâm và thân: thay đổi và vô thường  - anicca. Từng khoảnh khắc những hạt hạ nguyên tử cấu  tạo ra cơ thể đều sinh và diệt. Mỗi khoảnh khắc, những  hoạt động của tâm theo nhau sinh và diệt liên tiếp. Tất cả  mọi thứ, từ tâm đến thân trong chúng ta đều thay đổi từng  giây, từng phút chẳng khác gì thế giới bên ngoài. Trước kia,  chúng ta có thể biết điều này là đúng, chúng ta có thể hiểu  bằng tri thức. Nhưng giờ đây, do thực tập vipassanā-bhāvanā, chúng ta trực tiếp chứng nghiệm thực tế vô thường ngay  trong phạm vi cơ thể. Kinh nghiệm trực tiếp về cảm giác  liên tục thay đổi này chứng tỏ cho ta thấy bản tánh vô  thường của chúng ta. 
 Mỗi vi tử của cơ thể, mỗi tiến trình của tâm đều ở trạng  thái biến chuyển liên tục. Không một cái gì có thể tồn tại  quá một khoảnh khắc, không một cái gì chắc chắn để ta có  thể bám víu vào, không một cái gì ta có thể gọi là “cái tôi”  hay “cái của tôi”. “Cái tôi” này thật ra chỉ là sự kết hợp của  những tiến trình luôn luôn thay đổi. 
 Như vậy hành giả được hiểu thêm một thực tế căn bản  khác: anattā (vô ngã) - Không có “cái tôi” thật sự, không có  cái ngã trường tồn, cái tự ngã. Cái tự ngã mà chúng ta tận  tụy với nó chỉ là một ảo tưởng tạo nên bởi sự kết hợp của  các tiến trình tâm và thân, những tiến trình biến chuyển  không ngừng. Khảo sát đến phần thâm sâu nhất của thân  và tâm, ta thấy rằng không có một phần cốt lõi, trọng tâm  nào có thể bất biến, độc lập khỏi những tiến trình, không  có gì thoát khỏi luật vô thường. Chỉ có một hiện tượng vô  ngã, biến chuyển ngoài sự kiểm soát của ta. 
 Rồi một thực tế khác trở nên rõ ràng. Bất cứ cố gắng  nào để bám víu vào một cái gì, và nói rằng “Đây là tôi, đây  là của tôi”, đều đưa tới đau khổ không thể tránh được, vì  sớm hay muộn cái mà ta bám víu vào, hay “cái tôi” này  rồi cũng mất đi. Bám víu vào cái gì là vô thường, nhất  thời, hư ảo, hay ngoài vòng kiểm soát của chúng ta là khổ,  dukkha. Chúng ta hiểu tất cả những điều này không phải  vì ai bảo chúng ta như thế, mà vì chúng ta đã thể nghiệm  ngay trong bản thân, do sự quan sát các cảm giác trong cơ  thể ta. 


  Bình tâm 

 Vậy làm sao để chúng ta được hạnh phúc? Làm sao  chúng ta sống mà không bị khổ? Chỉ cần quan sát mà  không có phản ứng: thay vì cố gắng giữ một kinh nghiệm  này và tránh né một kinh nghiệm khác, kéo thứ này lại  gần, đẩy thứ kia ra xa, chúng ta chỉ khách quan quan sát  mỗi hiện tượng với sự bình tâm, với một tâm quân bình. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng chúng ta phải  
 làm sao khi chúng ta định ngồi thiền một giờ mà chỉ mới  ngồi được mười phút thì đầu gối đã đau? Chúng ta lập tức  bắt đầu ghét cái đau, muốn hết đau. Nhưng cái đau đâu có  hết; và ta càng ghét thì nó càng đau hơn. Cái đau thể xác  trở thành cái đau tinh thần, tạo nên một nỗi khổ lớn lao. 
 Nếu chúng ta có thể học cách quan sát cái đau thể xác  dù chỉ trong chốc lát, nếu chúng ta có thể tạm thời thoát  khỏi cái ảo tưởng đây là cái đau của ta, là chúng ta thấy  đau, nếu chúng ta khách quan quan sát cảm giác như một  vị y sĩ khám xét cái đau của bệnh nhân, thì chúng ta sẽ  thấy cái đau tự nó biến đổi. Nó không tồn tại mãi mãi. Nó  thay đổi từng khoảnh khắc, mất đi, trở lại, rồi lại thay đổi. 
 Khi chúng ta hiểu được điều này bằng kinh nghiệm  bản thân, chúng ta thấy rằng cái đau không thể nào áp  đảo hay khống chế chúng ta nữa. Có thể cái đau sẽ mất  đi một cách nhanh chóng, hay có thể không, nhưng cũng  chẳng quan trọng. Chúng ta không còn khổ vì đau nữa vì  chúng ta đã có thể quan sát nó mà không dính mắc. 


 Con đường giải thoát 

 Bằng cách phát triển ý thức và sự bình tâm, chúng ta  có thể thoát khổ. Khổ đau bắt đầu từ vô minh về thực tại  của chính mình. Trong sự tối tăm của vô minh, tâm phản ứng với mọi cảm giác bằng thích, không thích, thèm muốn  và chán ghét. Mọi phản ứng như vậy tạo ra khổ đau ngay  bây giờ, và bắt đầu một chuỗi biến cố gây khổ đau trong  tương lai. 
 Làm sao có thể bẻ gãy chuỗi nhân quả này? Bằng cách  nào đó, do hành xử vô minh trong quá khứ mà sự sống đã  khởi đầu, dòng luân lưu của tâm và thân khởi đầu. Như  vậy, chúng ta phải tự tử sao? Dĩ nhiên là không, làm như  vậy chẳng giải quyết được vấn đề. Khi ta tự tử, tâm ta đầy  đau khổ, sân hận. Cái gì xảy ra sau đó cũng sẽ đầy đau  khổ. Một hành động như vậy không thể đưa tới hạnh phúc. 
 Sự sống đã bắt đầu và ta không thể trốn tránh nó được.  Vậy ta phải hủy hoại sáu giác quan sao? Ta có thể móc  mắt, cắt lưỡi, hủy hoại tai, mũi, nhưng làm sao ta có thể  hủy hoại thân? Như vậy lại là tự tử, cũng vô ích thôi. 
 Vậy ta phải hủy hoại những đối tượng của sáu giác  quan như âm thanh, cảnh tượng v.v...? Điều này cũng  không thể được. Vũ trụ có hằng hà sa số đối tượng, chúng  ta không bao giờ có thể hủy diệt hết được. Một khi giác  quan hiện hữu, chúng ta không thể ngăn chúng tiếp xúc  với những đối tượng tương ứng. Và ngay khi có sự tiếp xúc  thì nhất định phải có cảm giác. 
 Nhưng đây chính là điểm mà vòng chuỗi [duyên sinh]  có thể bị cắt đứt. Mắt xích chủ yếu nằm ở cảm giác. Mỗi  cảm giác đều làm khởi sinh sự thích hay không thích.  Những phản ứng nhất thời, không ý thức của thích hoặc  không thích lập tức được gia tăng thành sự thèm muốn,  chán ghét, bám chấp, tạo ra đau khổ ở hiện tại và tương  lai. Điều này trở thành một thói quen mù quáng mà ta cứ  tiếp tục lặp lại một cách máy móc. 
 Tuy vậy, nhờ thực hành vipassanā-bhāvanā mà chúng ta phát triển ý thức về mỗi cảm giác. Và chúng ta phát triển  sự bình tâm: chúng ta không phản ứng. Chúng ta quan sát  cảm giác một cách vô tư, không thích hay ghét bỏ, không  thèm muốn, không chán ghét, không bám chấp. Mỗi cảm  giác thay vì gây ra những phản ứng mới, thì bây giờ không  tạo ra gì ngoài trí tuệ, paññā, tuệ giác: “Đây là vô thường,  phải thay đổi, khởi sinh để rồi diệt mất.” 
 Chuỗi [duyên sinh] đã bị cắt đứt, đau khổ đã bị chặn  đứng. Không có phản ứng mới của thèm muốn, chán ghét  và vì vậy không có nguyên nhân để gây ra khổ đau. Nguyên  nhân của khổ là nghiệp (kamma), hành vi của ý, là phản  ứng mù quáng của thèm muốn, chán ghét, saṅkhāra (tạo  nghiệp). Khi ý thức về cảm giác, nhưng vẫn duy trì được  sự bình tâm, thì sẽ không có phản ứng (tạo nghiệp), không  có nguyên nhân sẽ gây ra khổ. Chúng ta đã ngừng gây khổ  cho chính mình. 
 Đức Phật nói: 
 Tất cả saṅkhāra đều vô thường. 
 Khi nhận thức điều này bằng tuệ giác. 
 thì ta không còn khổ, 
 đây là con đường thanh lọc. 

 Ở đây danh từ saṅkhāra có một nghĩa rất rộng. Một phản  ứng mù quáng của tâm gọi là saṅkhāra (tạo nghiệp), nhưng  kết quả của hành động đó cũng là saṅkhāra (hành nghiệp);  nhân nào quả đó. Tất cả những gì ta gặp ở đời, cuối cùng  đều là kết quả những hành động của tâm. Bởi vậy, trong  nghĩa rộng rãi nhất, thì saṅkhāra có nghĩa là bất cứ cái gì  ở trong thế gian có điều kiện này, bất cứ cái gì được cấu  tạo, được tạo thành. Do đó, “Mọi thứ được tạo ra đều vô  thường”, dù là tinh thần hay vật chất, mọi thứ ở trong vũ trụ này. Khi chúng ta quan sát sự thật này bằng tuệ chứng  do thực hành vipassanā-bhāvanā mà có, thì đau khổ biến mất  vì chúng ta đã tránh khỏi nguyên nhân tạo ra khổ, nghĩa  là chúng ta đã dứt bỏ tập quán thèm muốn, chán ghét. Đây  là con đường giải thoát. 
 Toàn thể nỗ lực là học cách không phản ứng, học cách  để không tạo nên những saṅkhāra (hành nghiệp) mới. Khi  một cảm giác xuất hiện, thích hay không thích bắt đầu.  Trong khoảnh khắc chớp nhoáng này, nếu chúng ta không  ý thức được, nó sẽ lặp đi lặp lại, gia tăng cường độ đến mức  thèm muốn, chán ghét, trở nên một cảm xúc mạnh hơn,  và cuối cùng là chế ngự tâm ý thức. Chúng ta bị kẹt trong  cảm xúc, và tất cả những sự suy xét tốt đẹp của ta bị gạt  sang một bên. Kết quả là ta thấy mình có những hành vi  bất thiện bằng việc làm và lời nói, hại mình và hại người.  Chúng ta tạo khổ đau cho bản thân, đau khổ bây giờ và  tương lai, chỉ vì một khoảnh khắc phản ứng mù quáng. 
 Nhưng nếu chúng ta ý thức ở điểm mà tiến trình của  phản ứng bắt đầu - nghĩa là, nếu chúng ta ý thức về cảm  giác - chúng ta có thể chọn lựa không cho phép bất cứ  một phản ứng nào xảy ra hay gia tăng cường độ. Chúng  ta quan sát cảm giác mà không phản ứng, không ưa thích  cũng không ghét bỏ. Cảm giác không có cơ hội để phát triển  thành thèm muốn hay chán ghét, hay thành một cảm xúc  mãnh liệt có thể áp đảo chúng ta; nó chỉ khởi lên rồi mất  đi. Tâm ta giữ được quân bình và bình an. Chúng ta được  hạnh phúc trong hiện tại và có thể biết trước được hạnh  phúc trong tương lai, vì chúng ta không phản ứng. 
 Khả năng không phản ứng này rất có giá trị. Khi chúng  ta ý thức về cảm giác trong cơ thể, và đồng thời giữ được sự  bình tâm, thì trong những lúc đó tâm ta được tự do. Có lẽ  lúc đầu chỉ được vài khoảnh khắc trong lúc hành thiền, rồi tâm lại ngụp lặn trong thói quen cố hữu của phản ứng với  cảm giác, trong vòng lẩn quẩn của thèm muốn, chán ghét  và khổ. Nhưng với sự thực tập liên tục, những khoảnh  khắc ngắn ngủi đó sẽ thành vài giây, vài phút, cho đến cuối  cùng ta bỏ được thói quen phản ứng, và tâm ta luôn được  bình an. Đây là cách làm sao để chặn đứng đau khổ. Đây  là cách để chúng ta có thể ngưng gây khổ cho mình. 


   Vấn đáp 

 Câu hỏi: Tại sao chúng ta phải di chuyển sự chú ý đi  khắp cơ thể theo một thứ tự nào đó? 
   Thiền sư S. N. Goenka: Vì bạn đang tập thăm dò toàn  bộ thực tế của tâm và thân. Muốn làm như vậy, bạn phải  phát triển khả năng cảm nhận được những gì đang xảy ra  ở tất cả mọi phần của cơ thể, không phần nào bị bỏ sót. Và  bạn cũng phải phát triển khả năng quan sát tất cả lãnh  vực của cảm giác. Đức Phật đã diễn tả cách thực hành như  thế này: “Khắp mọi nơi trong phạm vi cơ thể chúng ta cảm  nhận cảm giác, nơi nào có sự sống trong cơ thể.”   Nếu bạn  đưa sự chú ý một cách ngẫu nhiên từ phần này đến phần  khác, từ cảm giác này đến cảm giác khác, lẽ dĩ nhiên sự  chú ý sẽ luôn luôn bị lôi cuốn đến những nơi có cảm giác  mạnh hơn. Bạn sẽ bỏ sót vài phần khác của cơ thể, và sẽ  không học được cách quan sát những cảm giác tinh tế hơn.  Sự quan sát của bạn sẽ có tính cách thiên vị, thiếu sót và  hời hợt. Bởi vậy điều thiết yếu là lúc nào cũng di chuyển sự  chú tâm theo thứ tự. 
 Làm sao chúng ta biết được những cảm giác đang có  không phải là do chúng ta tự [ám thị] tạo ra? 
 Bạn có thể thử nghiệm với chính mình. Nếu bạn nghi  ngờ không biết cảm giác bạn đang cảm nhận có thật hay  không, bạn có thể tự ra cho mình hai hay ba mệnh lệnh, tự  kỷ ám thị. Nếu bạn thấy cảm giác đó thay đổi theo mệnh  lệnh của bạn, thì bạn biết những cảm giác đó là không  thật. Trong trường hợp đó, bạn phải từ bỏ toàn bộ kinh  nghiệm và quay lại quan sát hơi thở một thời gian. Nhưng  nếu bạn thấy rằng mình không thể kiểm soát các cảm giác,  chúng không biến đổi theo ý muốn của bạn, thì bạn phải  gạt hết mọi nghi ngờ và chấp nhận kinh nghiệm đó là thật. 
 Nếu những cảm giác đó có thật, tại sao ta không cảm  nhận được chúng trong cuộc sống thường ngày? 
 Bạn thực sự có cảm nhận ở tầng lớp vô thức. Tâm ý  thức không hay biết điều đó, nhưng tâm vô thức cảm nhận  được những cảm giác đó từng giây, từng phút trong cơ thể,  và phản ứng với chúng. Tiến trình này xảy ra hai mươi bốn  giờ mỗi ngày. Nhờ vào hành thiền Vipassana, bạn phá vỡ  được ranh giới giữa ý thức và vô thức. Bạn ý thức được tất  cả những gì xảy ra trong cơ cấu tâm - thân, tất cả những  gì bạn cảm nghiệm được 
 Cố tình để mình cảm nhận cái đau đớn thể xác - điều  này có vẻ như bệnh hoạn? 
 Đúng thế nếu bạn được yêu cầu chỉ cảm nghiệm cái  đau. Nhưng ở đây bạn được yêu cầu quan sát cái đau một  cách khách quan. Khi bạn quan sát mà không phản ứng,  thì tự động tâm bạn bắt đầu vượt khỏi thực tại bề ngoài  của cái đau để vào tới được bản chất tinh tế của nó, đó  chẳng qua là những rung động sinh diệt trong từng giây  phút. Và khi bạn đã kinh nghiệm cái thực tại tinh tế đó thì  cái đau không thể làm chủ được bạn nữa. Bạn là chủ nhân  của chính bạn, và bạn đã thoát khỏi đau đớn. 
 Nhưng chắc chắn đau đớn có thể là dấu hiệu cho biết máu  đã bị ngăn không đến được một phần nào đó của cơ thể. Làm  ngơ trước dấu hiệu đó có phải là khôn ngoan hay không? 
 Chúng tôi thấy rằng sự thực tập này không gây hại gì  cả. Nếu có hại, chúng tôi đã không đề xuất với mọi người.  Hàng ngàn người đã thực tập kỹ thuật này. Nhưng tôi  chưa từng thấy một trường hợp nào người hành thiền thực  tập đúng đắn bị tổn thương. Kinh nghiệm chung cho thấy  cơ thể trở nên mềm mại và dẻo dai hơn. Cơn đau sẽ qua đi  khi bạn học cách đối diện nó với sự bình tâm. 
 Có thể thực tập Vipassana bằng cách quan sát cửa ngõ  của bất cứ giác quan nào hay không, thí dụ như quan sát  sự tiếp xúc của mắt với vật nhìn thấy, tai với âm thanh? 
 Tất nhiên là được. Nhưng sự quan sát này phải có ý  thức về cảm giác. Mỗi khi có sự tiếp xúc xảy ra tại cửa ngõ  của bất cứ giác quan nào - như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,  tâm - một cảm giác được nảy sinh. Nếu bạn không ý thức  được nó thì bạn đã bỏ sót điểm mà từ đó sự phản ứng bắt  đầu. Trong trường hợp của phần lớn các giác quan, sự tiếp  xúc chỉ có thể có từng lúc. Chẳng hạn như tai có lúc nghe  âm thanh, có lúc không. Tuy nhiên ở mức độ thâm sâu  nhất, có sự tiếp xúc với tâm và thân từng giây, từng phút  khiến cảm giác nảy sinh liên tục. Vì lý do này, quan sát  cảm giác là cách dễ đạt đến và sinh động nhất để kinh  nghiệm về thực tại vô thường. Bạn phải làm chủ được điều  này trước khi nỗ lực quan sát ở các giác quan khác. 
 Nếu chúng ta chỉ chấp nhận và quan sát mọi sự như nó  xảy ra thì làm sao để tiến bộ? 
 Sự tiến bộ được đo lường bằng sự phát triển sự bình  tâm của bạn. Bạn không có sự lựa chọn nào ngoài sự bình  tâm, bởi vì bạn không thể thay đổi cảm giác, hay tạo ra cảm giác. Cái gì đến sẽ đến. Cảm giác có thể dễ chịu hay  khó chịu, có thể thuộc loại này hay loại khác, nhưng bạn  phải giữ được bình tâm thì chắc chắn bạn sẽ tiến bộ trên  con đường. Bạn đang phá vỡ thói quen phản ứng của tâm. 
 Đó là trong khi hành thiền, nhưng làm sao để áp dụng  vào cuộc sống? 
 Khi gặp khó khăn trong đời sống hằng ngày, hãy bỏ ra  vài phút để quan sát cảm giác của bạn với sự bình tâm.  Khi tâm bình tĩnh và quân bình, thì bất cứ quyết định nào  của bạn cũng đều tốt. Khi tâm không được quân bình, thì  bất cứ quyết định nào của bạn cũng đều là phản ứng. Bạn  phải học cách thay đổi lề lối sống từ phản ứng tiêu cực  sang hành động tích cực. 
 Vậy nếu ta không tức giận hay chỉ trích, và ta thấy có  cách khác có thể làm tốt đẹp hơn thì ta cứ việc làm? 
 Phải, bạn phải hành động. Đời là để hành động. Bạn  không được thụ động. Nhưng hành động phải được thực  hiện với một tâm quân bình. 
 Hôm nay khi tôi đang thực hành để cảm nhận cảm  giác ở phần cơ thể không có cảm giác, và khi cảm giác xuất  hiện, tâm tôi mừng quýnh như đá được quả bóng vào gôn.  Và tôi nghe tâm tôi hét lên “Tốt!” Rồi tôi nghĩ “Ồ, không  được, tôi không muốn phản ứng như vậy.” Nhưng tôi lại tự  hỏi khi quay lại với cuộc sống làm sao tôi không phản ứng  cho được khi tôi đi xem những trận đá bóng? 
 Bạn sẽ hành động. Ngay cả trong những trận đá bóng  bạn cũng sẽ hành động chứ không phản ứng, và bạn sẽ  thấy là bạn thật sự thích thú. Một sự vui thú kèm theo một  phản ứng căng thẳng thì chẳng phải là một sự vui thú thật  sự. Khi phản ứng chấm dứt, thì sự căng thẳng cũng bị tiêu  tan, và bạn có thể thực sự hưởng thụ cuộc sống. 
 Vậy tôi có thể nhảy cẫng lên và hò hét? 
 Được chứ, bạn nhảy lên với tâm quân bình. 
 Tôi phải làm sao nếu đội bóng của tôi bị thua? 
 Lúc đó bạn mỉm cười và nói “Hãy vui vẻ !” Hãy vui vẻ  trong mọi tình huống! 
 Theo tôi hiểu thì đấy là điều cốt yếu? 
 Phải! 


 Hai chiếc nhẫn 

   Một ông già giàu có chết đi để lại hai con trai. Trong  một thời gian, hai người con tiếp tục sống chung dưới một  mái nhà theo truyền thống Ấn Độ. Rồi họ bắt đầu cãi nhau  và quyết định tách ra sống riêng, chia đều của cải. Nhưng  sau đó họ tìm thấy một chiếc hộp nhỏ mà cha họ đã cất  giấu cẩn thận. Họ mở ra và thấy hai chiếc nhẫn bên trong:  Một chiếc nhẫn nạm kim cương quí giá và một chiếc bằng  bạc chỉ đáng giá vài ba đồng. 
 Thấy chiếc nhẫn kim cương, người anh nổi lòng tham  nên nói với em: “Theo anh, chiếc nhẫn này không phải do  cha mua mà là của gia bảo truyền lại từ tổ tiên, vì vậy cha  mới cất riêng nó ra; và vì nó đã được lưu truyền từ nhiều  đời trong gia đình, nó phải được tiếp tục lưu giữ cho thế hệ  tương lai. Do đó anh giữ nó vì anh là con trưởng, em nên  lấy chiếc nhẫn bạc.” 
 Người em mỉm cười và nói: “Được, anh hãy vui với chiếc  nhẫn kim cương, còn em sẽ vui với chiếc nhẫn bạc.” Hai  người đeo nhẫn vào tay rồi đường ai nấy đi. 
 Người em tự nghĩ: “Cái nhẫn kim cương quí giá cha giữ  lại là điều dễ hiểu, nhưng tại sao cha lại giữ chiếc nhẫn bạc  tầm thường này?” Anh ta quan sát chiếc nhẫn kỹ lưỡng và  thấy một hàng chữ khắc trên đó: “Điều này cũng sẽ thay  đổi!” Ồ, đây là câu thần chú của cha ta: “Điều này cũng sẽ  thay đổi!” Anh đeo lại chiếc nhẫn vào ngón tay. 
 Cả hai anh em đều phải đương đầu với những thăng  trầm của cuộc đời. Khi mùa xuân tới, người anh cảm thấy  phấn khởi đến tột độ, nên tâm mất đi sự quân bình. Khi  mùa thu và mùa đông tới, anh lại xuống tinh thần, và như  thế tâm cũng mất quân bình. Tâm anh căng thẳng, và  huyết áp lên cao. Ban đêm không ngủ được, anh bắt đầu  dùng thuốc ngủ, thuốc an thần và những thứ thuốc mạnh  hơn nữa. Sau cùng anh tới giai đoạn phải chữa chạy bằng  cách chạy điện.  
 Đó là người anh với chiếc nhẫn kim cương. 
 Về phần người em với chiếc nhẫn bạc, khi mùa xuân  tới anh ta vui hưởng và không trốn chạy. Anh ta vui thích,  nhưng nhìn vào chiếc nhẫn và nhớ: “Điều này cũng sẽ thay  đổi.” Và khi thời tiết thay đổi, anh có thể mỉm cười và nói:  “À, ta đã biết là sẽ thay đổi, và rồi đã thay đổi, thế thì có  sao đâu!” Khi mùa thu và mùa đông tới, anh lại nhìn vào  chiếc nhẫn và nhớ: “Điều này cũng sẽ thay đổi.” Anh ta  không khóc lóc vì biết rằng điều này sẽ thay đổi. Và đúng  vậy, thời tiết thay đổi và qua đi. Đối với tất cả những thăng  trầm của cuộc đời, anh biết rằng chẳng có gì vĩnh cửu, tất  cả đều đến để rồi qua đi. Tâm anh không mất quân bình,  và anh sống một cuộc sống an bình, hạnh phúc. 
   Đó là người em với chiếc nhẫn bạc.