Chương 6. Tu tập định tâm (nghệ thuật sống)


Chương 6. Tu tập định tâm

 Chúng ta giữ giới (sila) để cố gắng kiểm soát lời  nói và việc làm của mình. Tuy nhiên nguyên 
 nhân của khổ đau lại nằm trong hành vi của ý. Chỉ riêng  việc kiềm chế lời nói và việc làm sẽ vô ích nếu trong tâm ta  vẫn tiếp tục sôi sục những thèm muốn, chán ghét, những ý  tưởng bất thiện. Tự mình phân tán thân, khẩu, ý theo cách  như thế, chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc. Sớm muộn  gì rồi tham lam và sân hận cũng sẽ bùng phát và chúng ta  sẽ phạm giới, gây hại đến người khác và chính mình.


 Về mặt tri thức, ta có thể hiểu rằng hành động bất  thiện là sai trái. Nói cho cùng, mọi tôn giáo từ hàng ngàn  năm qua đều thuyết giảng về tầm quan trọng của đạo đức.  Nhưng khi những cám dỗ tìm đến thì tâm ý bị khống chế  và người ta lại phạm giới. Một người nghiện ruợu biết rất  rõ là không nên uống rượu vì ruợu gây hại cho anh ta,  nhưng khi cơn thèm khát nổi lên anh ta vẫn uống rượu để  rồi say khướt. Người đó không thể ngăn được chính mình  vì anh ta không kiểm soát được tâm ý. Nhưng khi ta học  được cách dừng lại những hành vi bất thiện của tâm ý thì  việc kiềm chế những lời nói và việc làm bất thiện trở nên  dễ dàng.
 Vì bất ổn phát sinh từ tâm ý nên ta phải đương đầu  với nó ở bình diện tinh thần. Để làm như vậy, ta phải thực  hành bhāvanā, nghĩa đen là “phát triển tâm”, hay nói theo  ngôn ngữ thông thường là thiền. Ngay từ thời Đức Phật  ý nghĩa của từ bhāvanā đã trở thành mơ hồ khi sự hành  thiền đi vào lãng quên. Gần đây bhāvanā được dùng để chỉ  bất cứ sự phát triển tinh thần hay sự thăng hoa tâm linh  nào, và còn để chỉ ngay cả những hoạt động như đọc, nói, nghe, nghĩ về Dhamma. “Meditation” (thiền) là từ thông  dụng nhất trong Anh ngữ dùng để dịch chữ bhāvanā, thậm  chí còn được dùng một cách cởi mở hơn để chỉ nhiều hoạt  động, từ sự thư giãn tinh thần, quán tưởng và sự tự do kết  hợp, cho đến sự tự kỷ ám thị. Tất cả đều khác xa ý nghĩa  mà Đức Phật muốn nói qua từ ngữ này. Ngài dùng bhāvanā  để những cách tu tập tâm ý cụ thể, những kỹ thuật chính  xác để chú tâm và thanh lọc tâm
 Bhāvanā gồm có hai phần tập luyện: định (samādhi), và  tuệ (paññā). Tập định tâm còn được gọi là “phát triển an  tĩnh” (samatha-bhāvanā), tu tuệ được gọi là “phát triển tuệ  giác” (vipassana-bhāvanā). Sự thực hành bhāvanā bắt đầu với  định, là phần thứ hai trong Bát Thánh Đạo. Đây là một  cách tu tập thiện lành để kiểm soát các tiến trình của tâm,  để làm chủ tâm ý của chính mình. Ba phần của Bát Thánh  Đạo trong sự tu tập này là: chánh tinh tấn (nỗ lực chân  chánh), chánh niệm (ý thức chân chánh) và chánh định  (định chân chánh).


 Nỗ lực chân chánh (Chánh tinh tấn) 

 Nỗ lực chân chánh là bước đầu của sự thực tập bhāvanā.  Tâm dễ bị sự vô minh chế ngự, cũng như dễ bị thèm muốn  hay chán ghét chi phối. Bằng cách nào đó, chúng ta phải  luyện tâm cho mạnh mẽ để nó trở nên vững vàng, ổn định,  thành một công cụ hữu ích để xem xét bản chất của chúng  ta ở mức độ tinh tế nhất nhằm phát hiện và loại trừ nghiệp  của mình.
 Một bác sĩ muốn chẩn đoán bệnh của một bệnh nhân  sẽ phải lấy mẫu máu và quan sát dưới kính hiển vi. Trước  khi quan sát, ông phải chỉnh kính hiển vi hướng vào tiêu  điểm thích hợp, rồi cố định vị trí tập trung này. Sáu đó ông mới có thể khảo sát mẫu máu và tìm ra nguyên nhân gây  bệnh, rồi xác định phương cách trị liệu thích hợp để chữa  khỏi bệnh. Cũng vậy, chúng ta phải học cách chú tâm, giữ  tâm chuyên chú vào một đối tượng mà thôi. Bằng cách này  chúng ta biến tâm thành một công cụ để khảo sát thực tại  tinh tế nhất của chính ta.
 Đức Phật đã chỉ nhiều kỹ thuật để định tâm, mỗi cách  thích hợp cho một hạng người tới gặp ngài để tập luyện.  Nhưng phương pháp thích hợp nhất để tìm hiểu thực tại  nội tâm mà chính Ngài đã từng áp dụng là ānāpāna-sati, “ý  thức về hơi thở.”
 Hơi thở là một đối tượng chú tâm lúc nào cũng sẵn có  cho mọi người, vì chúng ta ai cũng phải thở, từ khi chào đời  cho đến khi chết. Nó là đối tượng thiền phổ quát được mọi  người chấp nhận và dễ tiếp cận. Để tập bhāvanā, thiền giả  ngồi trong một tư thế thoải mái, lưng thẳng, mắt nhắm.  Thiền giả phải ở trong một căn phòng yên lặng, ít bị phân  tâm. Khi rời bỏ thế giới bên ngoài để quay vào với thế giới  nội tâm, thiền giả thấy rằng hoạt động nổi bật nhất là hơi  thở; bởi vậy mà thiền giả chú tâm vào đối tượng này: hơi  thở vào, ra qua lỗ mũi.
 Đây không phải là một lối tập thở, mà là tập về ý thức.  Ta không điều khiển hơi thở, nhưng là ý thức nó ở trạng  thái tự nhiên: hơi thở ngắn hay dài, nặng nề hay nhẹ  nhàng. Ta chú tâm tâm vào hơi thở càng lâu càng tốt, đừng  để bị xao lãng làm gián đoạn dòng ý thức.
 Khi thực hành thiền, chúng ta sẽ thấy ngay việc làm  được như trên thật khó biết bao. Ngay khi ta vừa cố gắng  chú tâm vào hơi thở, thì ta đã bắt đầu lo lắng vì chân đau.  Khi ta vừa cố gắng đè nén được những ý nghĩ mông lung,  thì tâm ta lại đầy ắp cả ngàn chuyện: nào là những kỷ  niệm, những dự tính, những hy vọng hay sợ hãi. Tâm ta chú ý đến một trong những sự kiện này, và một lúc sau  ta mới nhận biết ta đã quên bẵng đi hơi thở. Chúng ta lại  cương quyết bắt đầu lại, và một lúc sau ta lại thấy tâm  vuột đi mà ta không hay biết
 Ai là người làm chủ ở đây? Ngay khi ta mới thực tập thì  ta đã thấy rõ rằng tâm ở ngoài vòng kiểm soát của ta. Tâm  giống như một đứa bé được nuông chiều, vớ lấy một món  đồ chơi, chơi chán rồi lại đổi hết món này đến món khác.  Tâm không ngừng nhảy từ một ý nghĩ, một đối tượng của  sự chú tâm sang cái khác, trốn chạy khỏi thực tại.
 Đây là một thói quen đã ăn sâu vào tâm khảm, và tâm  ta đã hoạt động như vậy suốt cuộc đời. Nhưng khi ta bắt  đầu nghiên cứu về bản tánh thực của mình, sự trốn chạy  này phải được chấm dứt. Ta phải thay đổi thói quen của  tâm và học cách sống với thực tại. Chúng ta bắt đầu bằng  sự định tâm vào hơi thở. Khi thấy tâm lang thang thì ta  kiên nhẫn và bình tĩnh kéo nó về với hơi thở. Nếu thất  bại, ta lại cố gắng làm lại. Chúng ta tiếp tục lặp đi lặp  lại sự luyện tập này một cách vui vẻ, không căng thẳng,  không nản lòng. Dầu sao thì thói quen của cả đời không  thể thay đổi trong một vài phút. Công việc đòi hỏi sự thực  hành liên tục, nhiều lần, và sự nhẫn nại, bình tĩnh. Đây  là phương cách phát triển ý thức về thực tại. Đây là nỗ lực  chân chánh
 Đức Phật nêu ra bốn loại nỗ lực chân chánh:
 Ngăn không để cho điều xấu ác, bất thiện khởi sinh;
 Từ bỏ những điều xấu ác nếu đã khởi sinh;
 Phát khởi những điều hiền thiện chưa có;
 Duy trì những điều hiền thiện không xao lãng, làm chúng phát triển và đạt đến sự hoàn thiện.
 Do thực hành ý thức về hơi thở, chúng ta đã thực hành  cả bốn nỗ lực chân chánh như trên. Chúng ta ngồi xuống  và chú tâm vào hơi thở, không để cho các ý nghĩ xen vào.  Làm như vậy chúng ta khởi xướng và duy trì được trạng  thái hiền thiện của sự tự ý thức. Chúng ta giữ cho chính  mình không bị rơi vào sự xao lãng, đãng trí hay mất dấu  thực tại. Nếu một ý nghĩ xuất hiện, ta không đuổi theo nó  mà đưa sự chú ý quay về với hơi thở. Bằng cách này, chúng  ta phát triển khả năng chú tâm vào một đối tượng và chống  lại sự phân tâm: hai phẩm tính thiết yếu của định.


 Ý thức chân chánh (Chánh niệm) 

 Quan sát hơi thở cũng là một cách thực hành ý thức  chân chánh. Chúng ta khổ là do vô minh. Chúng ta phản  ứng vì không biết mình đang làm gì và vì không biết rõ  thực tại của mình. Tâm ta mất nhiều thì giờ vào những  mơ mộng, ảo tưởng, làm sống lại những kinh nghiệm thích  thú hay khó chịu và dự tính tương lai một cách sợ hãi hay  hăng say. Trong khi đắm chìm trong thèm muốn hay chán  ghét, chúng ta không ý thức được những gì hiện đang xảy  ra, cũng như không biết mình đang làm gì. Thực ra thì  giây phút này, hiện tại mới thực sự là quan trọng nhất đối  với chúng ta. Chúng ta không thể sống trong quá khứ, vì  nó đã qua. Chúng ta không thể sống trong tương lai, vì nó  ở ngoài tầm tay. Chúng ta chỉ có thể sống trong hiện tại.
 Nếu chúng ta không ý thức về những hành động của  mình trong hiện tại, chúng ta không tránh khỏi tái phạm  những lỗi lầm trong quá khứ và không bao giờ có thể đạt  được những ước muốn cho tương lai. Nhưng nếu có thể  phát triển khả năng ý thức được hiện tại, chúng ta có thể  dùng quá khứ như một hướng dẫn cho những hành động của mình trong tương lai, như vậy chúng ta có thể đạt được  mục đích.
 Dhamma là con đường của bây giờ và ngay tại đây. Bởi  vậy chúng ta phải phát triển khả năng ý thức được giây  phút hiện tại. Chúng ta cần một phương pháp để chú tâm  vào thực tại ngay lúc này. Kỹ thuật anapana-sati (ý thức  về hơi thở) chính là phương pháp này. Thực hành phương  pháp này sẽ phát triển sự ý thức về chính mình ngay tại  đây và ngay bây giờ: Ngay tại lúc này thở vào, ngay tại lúc  này thở ra. Do thực hành ý thức về hơi thở, chúng ta nhận  biết được thực tại.
 Một lý do nữa để phát triển ý thức về hơi thở là vì  chúng ta muốn thể nghiệm sự thật tối hậu. Chú tâm vào  hơi thở có thể giúp ta khám phá được những gì mà chúng  ta không biết về bản thân, để mang những gì ở vô thức lên  ý thức. Nó như một nhịp cầu nối liền vô thức và ý thức, vì  hơi thở hoạt động cả ở vô thức lẫn ý thức. Chúng ta có thể  thở theo một lối đặc biệt, có thể điều khiển hơi thở. Chúng  ta cũng có thể ngưng hơi thở một lúc. Tuy nhiên khi chúng  ta ngưng điều khiển thì hơi thở vẫn tiếp tục hoạt động như  thường.
 Ví dụ, chúng ta có thể cố ý thở hơi mạnh một chút để  ta có thể chú tâm được một cách dễ dàng. Ngay khi ý thức  về hơi thở đã rõ ràng và vững rồi, thì ta để cho hơi thở tự  nhiên, dù là mạnh hay nhẹ, sâu hay nông, ngắn hay dài,  nhanh hay chậm. Chúng ta không làm một cố gắng nào  để điều khiển hơi thở, ta chỉ cố gắng ý thức về nó mà thôi.  Bằng cách duy trì được ý thức về hơi thở tự nhiên, chúng  ta bắt đầu quan sát hoạt động tự động của cơ thể, một  hoạt động thường là không cố ý. Từ sự quan sát thực tế  thô thiển của hơi thở cố ý, chúng ta tiến đến sự quan sát  sự thật tinh tế hơn của hơi thở tự nhiên. Chúng ta đã bắt đầu vượt ra ngoài thực tế bề ngoài đến sự ý thức về thực  tế tinh tế hơn.
 Một lý do nữa để phát triển sự ý thức về hơi thở là để  thoát khỏi tham, sân, si (thèm muốn, chán ghét, vô minh),  trước hết ta phải ý thức về chúng. Trong công việc này, hơi  thở sẽ giúp chúng ta, vì hơi thở là phản ánh tâm trạng của  ta. Khi tâm ta bình an và yên tĩnh thì hơi thở ta điều hòa  và nhẹ nhàng. Nhưng khi bất tịnh nảy sinh trong tâm như  giận dữ, hận thù, sợ hãi hay đam mê thì hơi thở trở nên thô  thiển, nặng nề và gấp rút. Nhờ vậy, hơi thở đã báo động  cho chúng ta biết về trạng thái của tâm và cho phép chúng  ta bắt đầu đối phó với nó.
 Còn một lý do nữa để chúng ta thực hành sự ý thức về  hơi thở. Vì mục đích của chúng ta là làm sao để tâm thoát  khỏi những bất tịnh, nên chúng ta phải cẩn thận để mỗi  bước tiến đến đích phải thanh tịnh và thiện lành. Ngay  trong giai đoạn đầu để phát triển samadhi (định), chúng  ta phải dùng một đối tượng quan sát thiện lành. Hơi thở  là đối tượng này. Chúng ta không thể có thèm muốn và  chán ghét đối với hơi thở, và vì hơi thở là một thực tế, hoàn  toàn thoát khỏi ảo tưởng, ảo giác. Vì vậy hơi thở là một đối  tượng thích hợp cho sự chú tâm.
 Giây phút khi hoàn toàn chú tâm vào hơi thở thì tâm  thoát khỏi thèm muốn, chán ghét, vô minh. Dù thời gian  thanh tịnh này có ngắn ngủi đến đâu thì nó cũng có một  năng lực rất mạnh vì nó thách thức tất cả những dữ kiện  quá khứ của ta. Tất cả những nghiệp tích lũy này bị khuấy  động và bắt đầu xuất hiện như những khó khăn về thân  cũng như về tâm. Những khó khăn này làm cản trở nỗ lực  phát triển ý thức. Chúng ta có thể thấy nóng lòng muốn  tiến bộ, hay tức giận, chán nản vì sự tiến bộ có vẻ chậm  chạp, đấy là một hình thức của thèm muốn và chán ghét.
 Đôi khi vừa ngồi xuống thiền ta đã bị trạng thái hôn mê  áp đảo và ta ngủ thiếp đi. Có lúc ta thấy bồn chồn đến nỗi  đứng ngồi không yên hay tìm cớ để khỏi thiền. Nhiều lúc  nghi ngờ gặm nhắm ý chí hành thiền - sự nghi ngờ quá  độ, vô lý về người thầy, về giáo huấn, hay về khả năng  hành thiền của chính mình. Khi đột nhiên phải đối diện  với những khó khăn đó, chúng ta có thể nghĩ đến bỏ thiền  cho xong chuyện.
 Vào những lúc như vậy chúng ta phải hiểu rằng, những  trở ngại này khởi lên chỉ là phản ứng đối với sự thành công  của chúng ta trong việc thực tập ý thức về hơi thở. Nếu  chúng ta kiên trì thì chúng sẽ dần dần biến mất. Lúc đó  sự hành thiền của chúng ta trở nên dễ dàng hơn, vì ngay  trong giai đoạn khởi đầu này, một vài tầng lớp của nghiệp  cũ đã bị xóa bỏ khỏi bề mặt của tâm. Và như vậy, ngay khi  ta mới chỉ tập ý thức về hơi thở, chúng ta đã bắt đầu thanh  lọc tâm và tiến gần hơn đến sự giải thoát.


 Định chân chánh (Chánh định) 

 Chú tâm vào hơi thở phát triển sự ý thức về giây phút  hiện tại. Duy trì sự ý thức này từng giây từng phút, càng  lâu càng tốt, là định chân chánh.
 Trong đời sống bình thường, những hoạt động hằng  ngày cũng đòi hỏi sự chú ý, nhưng không nhất thiết là  định chân chánh. Một người có thể chú hết tâm vào việc  thỏa mãn những khoái cảm hay trì hoãn những mối lo sợ.  Một con mèo chăm chú rình lỗ chuột, sẵn sàng để vồ khi  chuột xuất hiện. Một tên móc túi chăm chú rình bóp của  nạn nhân, chỉ chờ cơ hội tốt để lấy. Một đứa bé trong đêm  tối nằm trên giường nhìn trân trân kinh hãi vào một góc  buồng, tưởng tượng ra những con quái vật đang ẩn núp trong bóng tối. Tất cả những sự chú ý này không phải là  định chân chánh, loại định có thể đưa ta đến giải thoát.  Samadhi (định) phải có sự chú tâm vào một đối tượng hoàn  toàn thoát khỏi thèm muốn, chán ghét, vô minh.
 Khi thực hành sự ý thức về hơi thở, ta thấy việc duy trì  được sự ý thức không gián đoạn thực là một việc khó khăn.  Mặc dầu ta đã cương quyết chú tâm vào hơi thở, nhưng nó  vẫn vuột đi mà ta không hề hay biết. Chúng ta thấy mình  như một người say ruợu, cố gắng đi cho thẳng nhưng vẫn  bước xiên xẹo. Sự thật thì chúng ta đã say vì vô minh và  ảo giác, và vì vậy chúng ta cứ tiếp tục đi lạc vào quá khứ,  tương lai, hay thèm muốn, chán ghét. Chúng ta không thể  nào ở yên trên con đường thẳng để giữ vững sự ý thức.
 Là người hành thiền, điều tốt cho chúng ta là không  nên chán nản hay thối chí khi phải đối diện với những khó  khăn này. Ngược lại, ta phải hiểu rằng cần có thời gian  để thay đổi những thói quen đã ăn sâu trong tâm khảm  tự bao nhiêu năm nay. Muốn có kết quả, chúng ta chỉ có  cách tập đi, tập lại nhiều lần, liên tục, kiên nhẫn và kiên  trì. Công việc chính của chúng ta là khi tâm đi lang thang  thì ta lại kéo nó về lại với hơi thở. Nếu làm được như vậy,  thì chúng ta đã tiến được một bước quan trọng trong việc  sửa đổi cái tâm hay đi lang thang. Và bằng cách tập đi tập  lại, ta có thể kéo sự chú tâm trở lại ngày một nhanh chóng  hơn. Dần dần khoảng thời gian xao lãng càng lúc càng  ngắn đi và khoảng thời gian có ý thức càng lâu hơn.
 Khi sự chú tâm đã vững mạnh, chúng ta cảm thấy  thoải mái, sung sướng, tràn đầy nhựa sống. Dần dần hơi  thở thay đổi, nó trở nên êm, đều, nhẹ và nông. Có lúc hình  như hơi thở đã ngưng hẳn. Thật ra, tâm ta đã trở nên an  tĩnh, cơ thể cũng trở nên yên tĩnh và sự biến dưỡng giảm  đi, vì vậy chỉ cần ít dưỡng khí.
 Trong giai đoạn này, nhiều người có thể có những kinh  nghiệm bất thường như thấy ánh sáng hay ảo ảnh trong  khi ngồi nhắm mắt, hay nghe thấy những âm thanh khác  thường. Tất cả những kinh nghiệm siêu nhiên ấy là dấu  hiệu cho biết tâm đã định ở một mức độ cao. Những hiện  tượng này tự chúng không có một tầm quan trọng nào và  chúng ta không nên để tâm đến chúng. Đối tượng của sự  ý thức vẫn là hơi thở. Ngoài nó ra còn có những điều khác  đều làm ta phân tâm. Chúng ta cũng không nên mong  muốn có những kinh nghiệm này; chúng xuất hiện với  người này, và có thể không xuất hiện với người khác. Tất  cả những kinh nghiệm khác thường này chỉ là những cột  mốc ghi dấu sự tiến triển trên con đường. Đôi khi những  cột mốc này bị che lấp làm ta không thấy được, hay có thể  ta mải mê trên con đường đến nỗi ta vượt qua mà không  nhận thấy chúng. Nếu chúng ta lấy những cột mốc đó làm  đích mà bám vào thì chúng ta không còn tiến bộ nữa. Thật  ra có vô số những cảm giác bất thường để trải nghiệm.  Những ai thực hành Dhamma không nên tìm kiếm những  kinh nghiệm đó mà phải có tuệ giác về bản tánh của chính  mình để có thể giải thoát khỏi khổ đau.
 Vì vậy chúng ta tiếp tục chỉ chú tâm vào hơi thở. Khi  tâm càng định thì hơi thở càng nhẹ nhàng hơn, và sự theo  dõi càng trở nên khó khăn hơn nên ta cần phải cố gắng  nhiều hơn để duy trì sự ý thức. Bằng cách này, chúng ta  tiếp tục luyện tâm, làm cho sự định tâm được bén nhạy và  biến nó thành một dụng cụ để thâm nhập thực tế bề ngoài  để quan sát thực tế vi tế nhất ở bên trong.
 Có nhiều kỹ thuật khác để phát triển sự định tâm.  Hành giả có thể được dạy chú tâm vào một tiếng bằng  cách tụng niệm tiếng đó, hay vào một hình ảnh, hay làm  đi làm lại một động tác. Làm như vậy hành giả hòa nhập  vào đối tượng của sự chú tâm, và đạt được trạng thái xuất thần. Hành giả cảm thấy lâng lâng dễ chịu, nhưng khi  trạng thái đó không còn nữa, người đó lại trở về với đời  sống bình thường với những khó khăn như trước. Những  kỹ thuật này tạo nên một lớp bình an và an lạc ở bề mặt  của tâm, nhưng không tới được những bất tịnh ở tầng lớp  sâu bên dưới. Những đối tượng chú tâm được dùng trong  những kỹ thuật này không liên quan gì với thực tại của  hành giả. Trạng thái ngây ngất, sảng khoái mà hành giả  có được là giả tạo, chứ không nảy sinh một cách tự nhiên  từ đáy sâu của tâm đã thanh tịnh. Samadhi chân chánh  không thể là cơn say tâm linh. Nó phải thoát khỏi mọi sự  giả tạo và ảo tưởng.
 Ngay trong giáo huấn của Đức Phật cũng có nhiều  trạng thái xuất thần, nhập định - jhana - có thể đạt được.  Chính Ngài đã được dạy tám tầng thiền định trước khi giác  ngộ, và Ngài tiếp tục thực tập chúng suốt đời. Tuy nhiên  những trạng thái nhập định này không thể giải thoát Ngài  được. Bởi vậy, khi Ngài dạy về những trạng thái này, Ngài  đã nhấn mạnh công dụng của chúng chỉ như những viên  đá lót đường đưa tới sự phát triển tuệ giác. Hành giả phát  triển khả năng định không phải để kinh nghiệm trạng  thái cực lạc hay ngất ngây, mà là để rèn luyện tâm thành  một dụng cụ để quan sát thực tế của chính mình và loại  bỏ những điều kiện (nghiệp) đã gây nên khổ. Đó chính là  định chân chánh.


  Vấn Đáp 

 Câu hỏi: Tại sao thiền sư dạy thiền sinh chú tâm vào  hơi thở (ānāpāna) ở lỗ mũi thay vì ở bụng?
 Thiền sư S. N. Goenka: Vì đối với chúng ta thực hành  ānāpāna chỉ là để sửa soạn cho sự thực hành Vipassana, và  trong loại Vipassana này chúng ta cần một sự chú ý đặc  biệt mạnh. Vùng chú ý càng nhỏ thì sự tập trung càng  mạnh. Bụng quá rộng để có thể phát triển tới độ tập trung  mạnh như vậy. Mũi là nơi tập trung thích hợp nhất. Vì vậy  mà Đức Phật đã hướng dẫn chúng ta tập trung ở đấy.
 Khi thực hành ý thức về hơi thở, chúng ta có thể đếm,  hay nói “vào” khi chúng ta hít vào, và “ra” khi chúng thở  ra không?
 Không. Không được nói liên tục. Vì nếu bạn thêm một  tiếng vào sự ý thức về hơi thở, thì dần dần tiếng đó sẽ  chiếm ưu thế, và bạn sẽ quên bẵng hơi thở. Rồi bạn có hít  vào hay thở ra bạn cũng nói “vào”. Và bạn thở ra hay hít  vào, bạn cũng nói “ra”. Tiếng này trở thành câu thần chú.  Chỉ nên chú ý vào hơi thở, hơi thở đơn thuần, không gì  ngoài hơi thở.
 Tại sao tập samadhi lại không đủ để giải thoát?
 Vì sự thanh tịnh của tâm phát triển được bằng samadhi  là do sự dồn nén chứ không phải do sự diệt trừ hết nghiệp.  Cũng giống như một người làm cho nước bùn thành nước  trong bằng phèn chua. Chất phèn đã làm bùn kết tủa,  lắng xuống, để lại nước ở phía trên trong suốt. Cũng thế,  samadhi đã làm những lớp trên của tâm trở nên trong sáng,  nhưng những bất tịnh vẫn còn tích tụ ở vô thức. Những  bất tịnh tiềm ẩn này phải bị loại bỏ để được giải thoát. Và  muốn làm như vậy, ta phải thực hành Vipassana.
 Quên hẳn quá khứ và tương lai, và chỉ chú ý đến hiện  tại thì có hại hay không? Nói cho cùng, đó không phải là  cách sống của loài vật sao? Người nào quên đi quá khứ,  chắc chắn sẽ lặp lại những điều trước đây.
 Kỹ thuật này không dạy bạn quên hẳn quá khứ, hay  không quan tâm đến tương lai. Nhưng vì tâm có thói quen  ngụp lặn triền miên trong ký ức từ quá khứ, hay trong  thèm muốn, hay có những dự tính, sợ hãi về tương lai và vô minh về hiện tại. Thói quen không lành mạnh này làm  cho đời sống thành khổ sở. Nhờ có thiền, bạn học cách đứng  vững trong thực tại. Với căn bản vững chắc này bạn có thể  vận dụng những chỉ dẫn cần thiết từ quá khứ và chuẩn bị  những dự tính thích hợp cho tương lai.
 Tôi nhận thấy khi tôi hành thiền mà tâm tôi đi lung  tung, một thèm muốn bắt đầu, và tôi nghĩ là tôi không được  thèm muốn, thế là tôi bồn chồn vì tôi đang thèm muốn. Tôi  phải đối phó với tình trạng đó như thế nào?
 Tại sao lại phải bồn chồn vì thèm muốn? Hãy chấp  nhận sự kiện đó: “Hãy xem, đang có thèm muốn” - thế  thôi. Và bạn sẽ thoát khỏi tình trạng đó. Khi bạn thấy tâm  mình đi lang thang, bạn chấp nhận, “Kìa, tâm tôi đang đi  lang thang”, và tự động tâm bạn trở lại với hơi thở. Đừng  tạo nên sự căng thẳng vì lòng thèm muốn hay vì tâm đi  lang thang. Nếu làm như vậy, bạn lại gây ra sự chán ghét  mới. Hãy chấp nhận nó. Thế là đủ
 Tất cả những kỹ thuật thiền Phật giáo đều đã được biết  đến trong yoga. Vậy điều gì là thực sự mới lạ trong cách  thiền do Đức Phật chỉ dạy?
 Phái yoga là sự phát triển về sau. Patanjali sống vào  khoảng 500 năm sau thời Đức Phật, và lẽ dĩ nhiên kinh  điển yoga chịu ảnh hưởng của giáo huấn của Đức Phật. Dĩ  nhiên tập yoga có từ trước thời Đức Phật, và chính Ngài  cũng đã thực hành trước khi Ngài giác ngộ. Tuy nhiên,  tất cả những kỹ thuật này chỉ hạn hẹp trong giới và định.  Định chỉ đạt tới tầng thiền (jhana) thứ tám, vẫn còn trong  phạm vi kinh nghiệm cảm giác. Đức Phật tìm thấy tầng  thiền jhana thứ chín, đó là Vipassana, tầng thiền phát  triển tuệ giác, đưa thiền giả đến mục đích tối hậu, siêu  việt mọi kinh nghiệm cảm giác.
 Tôi thấy mình hay khinh rẻ người khác. Xin thầy cho  biết có cách nào tốt để sửa đổi tật xấu này không?
 Bằng cách hành thiền. Nếu tự ngã quá lớn, bạn coi rẻ  người khác, làm giảm sự quan trọng của người khác và  tăng tầm quan trọng của mình lên. Nhưng thiền sẽ làm  tiêu tan bản ngã, và bạn sẽ không còn làm gì để làm tổn  thương người khác nữa. Hãy hành thiền, và vấn đề sẽ tự  động được giải quyết.
 Nhiều khi tôi cảm thấy tội lỗi về những việc tôi đã làm.
 Cảm thấy có tội không giúp gì được cho bạn; nó chỉ  gây hại mà thôi. Tội lỗi không có chỗ đứng trên con đường  của Dhamma. Khi bạn thấy mình hành động sai quấy, hãy  chấp nhận mà không cần phải biện minh hay giấu giếm gì  cả. Bạn có thể gặp một người bạn kính trọng và nói, “Tôi  đã phạm lỗi này. Trong tương lai tôi sẽ cẩn thận không tái  phạm nữa.” Sau đó bạn hành thiền, và bạn sẽ thấy bạn có  thể thoát khỏi sự khó khăn đó.
 Tại sao tôi cứ nâng cao bản ngã? Tại sao tôi cứ cố gắng  là “tôi”?
 Vì vô minh nên tâm đã bị điều kiện hóa để làm như  vậy. Nhưng Vipassana có thể giải thoát cho bạn khỏi điều  kiện có hại ấy. Thay vì chỉ nghĩ đến mình, hãy học cách  nghĩ đến người khác.
 Làm sao có thể làm được như vậy?
 Trước hết phải nhận biết mình là người ích kỷ và chỉ  nghĩ đến mình như thế nào. Nếu bạn không nhận thức  được sự thật này, thì bạn không thể thoát khỏi sự điên  cuồng, chỉ yêu bản thân. Hành thiền lâu rồi bạn sẽ nhận  thức được rằng, ngay cả tình yêu của bạn đối với người  khác thật ra cũng chỉ là yêu bạn mà thôi. Bạn sẽ hiểu, “Tôi yêu ai? Tôi yêu người đó vì tôi mong mỏi cái gì từ người  đó. Tôi mong mỏi người đó hành xử theo cách tôi muốn.  Nhưng khi người đó hành động khác đi thì tôi không còn  yêu người đó nữa. Vậy thì thật sự tôi yêu người đó hay yêu  tôi?” Câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng, không phải bằng tri  thức, mà bằng sự thực hành Vipassana. Và một khi đã có  sự nhận thức trực tiếp này, thì bạn bắt đầu thoát khỏi tính  ích kỷ của mình. Và rồi bạn học cách phát triển tình yêu  thật sự đối với người khác, tình yêu vị tha, một chiều, cho  mà không mong được đền đáp
 Tôi làm việc ở một nơi có rất nhiều người vô gia cư chìa  tay để xin tiền lẻ.
 Ở phương Tây cũng vậy sao? Tôi tưởng ăn xin chỉ có ở  những nước nghèo!
 Tôi thấy phần đông những người đó đều nghiện ngập.  Tôi không biết cho họ tiền có phải là khuyến khích họ dùng  ma túy hay không?
 Bởi vậy phải biết chắc chắn món tiền bạn cho phải được  sử dụng đúng đắn. Nếu không thì chả có ích gì cho ai cả.  Thay vì bạn cho tiền những người đó, bạn giúp họ khỏi  nghiện ngập, thì bạn thật sự đã giúp họ. Bất cứ hành động  nào của bạn cũng phải làm với trí tuệ.
 Khi thiền sư nói “Hãy hạnh phúc”, thì đối với tôi, mặt  trái của nó là “Hãy buồn”.
 Tại sao phải buồn? Hãy thoát khỏi buồn rầu
 Đúng thế, nhưng tôi tưởng chúng ta đang tập để được  quân bình.
 Quân bình làm bạn hạnh phúc. Nếu bạn mất quân  bình, bạn buồn khổ. Hãy bình tâm. Hãy hạnh phúc!
 Tôi tưởng là “Hãy bình tâm, không là gì cả.”
 Không, không. Quân bình làm bạn hạnh phúc chứ  không phải không là gì cả. Bạn trở nên tích cực khi bạn có  một tâm quân bình.


  Chè sữa 

   Hai đứa nhỏ nghèo nàn sống bằng cách ăn xin từ thành  thị đến thôn quê. Một đứa bị mù từ khi lọt lòng mẹ, và đứa  kia giúp đỡ nó; chúng cùng nhau ăn xin độ nhật. Một ngày  kia, đứa bé mù bị ốm. Bạn nó bảo: “Mày ở đây nghỉ. Tao sẽ  đi xin cho cả hai, và sẽ mang thức ăn về cho mày.” Rồi nó  đi ăn xin.
   Ngày hôm đó, nó xin được một món rất ngon, một loại  chè bằng sữa theo kiểu Ấn Độ. Thằng bé chưa bao giờ được  ăn nên nó rất thích. Nhưng chẳng may nó không có đồ  đựng để mang về cho bạn, nên nó đã ăn hết.
 Khi trở về nó bảo bạn: “Tao xin lỗi, hôm nay tao xin  được món chè sữa ngon tuyệt nhưng không mang về cho  mày được.”

 Đứa bé mù hỏi bạn: “Chè sữa là gì?”
 “À, nó màu trắng. Sữa màu trắng.”
 Bị mù từ khi mới sinh nên thằng bé mù không hiểu:  “Trắng là gì?”
 “Mày không biết trắng là gì sao?”
 “Không, tao không biết.”
 “Nó trái với đen.”
 “Vậy đen là gì?”
 Nó cũng không hiểu đen là gì.
 “Ồ, mày cố mà hiểu, trắng!”
 Nhưng thằng bạn mù không thể nào hiểu được. Bạn nó  nhìn quanh và thấy con hạc trắng. Nó bắt con hạc đến cho  bạn nó và nói: “Trắng giống như con chim này.”
 Không có mắt, đứa bé giơ tay sờ con chim, “À, bây giờ  tao hiểu trắng là gì rồi! Nó mềm.”
 “Không, không, trắng không liên quan gì đến mềm cả!  Trắng là trắng! Mày hãy cố mà hiểu.”
 “Nhưng mày bảo tao trắng trông giống như con hạc  này, và tao sờ thấy nó mềm. Vậy chè sữa mềm. Trắng  nghĩa là mềm.”
 “Không phải, mày chưa hiểu, hãy thử lần nữa đi.”
 Một lần nữa thằng bé mù lại sờ con hạc từ mỏ, cổ, thân,  đến đuôi, “À, bây giờ tao hiểu rồi. Nó cong quẹo. Chè sữa  là cong quẹo.”
 Thằng bé mù không thể hiểu được, vì nó không có khả  năng để thể nghiệm trắng là gì. 
 Cũng vậy, nếu bạn không có khả năng thể nghiệm sự  thật đúng như thật, thì thực tế luôn luôn sẽ là cong quẹo  đối với bạn