Chương 10. Nghệ thuật sống (nghệ thuật sống)


Chương 10. Nghệ thuật sống 

 Trong tất cả những định kiến của chúng ta về  chính mình, định kiến căn bản nhất là “có một  cái ngã”. Với sự thừa nhận mặc nhiên này, mỗi chúng ta  đều cho bản ngã là quan trọng nhất, xem nó là trung tâm  của toàn vũ trụ. Chúng ta cho là như vậy, mặc dầu ta có  thể dễ dàng thấy rằng trong vô số thế giới, thế giới này chỉ  là một, và trong vô số chúng sanh, ta cũng chỉ là một. Dù  ta có thổi phồng cái ngã lên đến đâu đi chăng nữa thì nó  cũng không đáng kể nếu đem so với cái bao la của không  gian và thời gian. Quan niệm của ta về cái ngã rõ ràng là  sai lầm. Tuy vậy chúng ta vẫn tận tụy cả đời để tìm cách  thỏa mãn nó, coi đó là con đường đưa tới hạnh phúc. Ý  tưởng sống theo một cách khác hơn có vẻ như không bình  thường hoặc thậm chí là đáng sợ.


  Nhưng bất cứ ai đã từng trải qua sự dằn vặt của tự  ngã đều biết nó là nỗi đau khổ lớn lao đến mức nào. Chừng  nào chúng ta còn đắm chìm trong những ham muốn và sợ  hãi, những cá tính, chúng ta còn bị giam cầm trong ngục  tù chật hẹp của ngã, tách biệt với thế giới, với cuộc sống.  Thoát khỏi sự bám chấp bản ngã này thật sự là thoát khỏi  ngục tù nô lệ, để ta có thể bước vào thế giới, cởi mở với cuộc  sống, với tha nhân, và tìm thấy sự hài lòng thực sự. Điều  cần thiết không phải là chối bỏ bản ngã hay đè nén bản  ngã, mà là thoát khỏi cái quan điểm sai lầm của ta về bản  ngã. Và phương thức dẫn đến sự giải thoát này là nhận  thức được rằng cái mà chúng ta gọi là bản ngã đó thực sự  rất phù du, là một hiện tượng liên tục thay đổi. 
 Thiền Vipassana là một phương thức giúp ta đạt được  tuệ giác này. Chừng nào bản thân ta còn chưa chứng nghiệm được bản chất giả tạm của tâm và thân, chừng đó  ta còn bị giam hãm trong sự vị kỷ và vì vậy tất yếu phải  chịu khổ đau. Nhưng một khi ảo tưởng về sự trường tồn bị  phá vỡ thì ảo tưởng về “cái tôi” cũng tan biến, và sự đau  khổ cũng mất đi. Đối với người hành thiền Vipassana, chìa  khóa mở cửa giải thoát là anicca, sự chứng ngộ bản chất vô  thường của bản ngã và thế giới. 
 Tầm quan trọng của sự hiểu biết về vô thường là một  đề tài luôn luôn được nói đến trong giáo lý của Đức Phật,  Ngài nói: 
   Thà một ngày trong đời 
   thấy thực tế của sinh diệt 
   còn hơn sống trăm năm 
   mà không hề biết. 
 Ngài so sánh sự ý thức về vô thường với lưỡi cày cắt  xuyên gốc rạ khi người nông phu cày ruộng; với xà chính  của nóc nhà cao hơn tất cả những xà ngang chống đỡ nó;  với một nhà cai trị hùng mạnh nắm quyền ảnh hưởng các  vua chư hầu; với mặt trăng có ánh sáng làm lu mờ các vì  sao, với mặt trời đang mọc làm bóng tối tan đi.  Những lời  cuối cùng Ngài nói vào lúc cuối đời là: “Mọi saṅkhāra - các  pháp được tạo tác - đều sẽ hủy hoại. Hãy chuyên cần thực  hành để hiểu được sự thật này.” 
 Sự thật về vô thường không nên chỉ chấp nhận bằng  tri thức, hoặc chỉ bằng cảm xúc hay sùng tín. Mỗi người  trong chúng ta phải thể nghiệm thực tại vô thường ngay  trong bản thân. Sự thấu hiểu trực tiếp về vô thường cùng  với bản chất không thực của bản ngã và của khổ đau giúp ta có được tuệ giác thật sự, dẫn đến sự giải thoát. Đó là sự  hiểu biết chân chánh. 
 Hành giả kinh nghiệm được trí tuệ giải thoát này nhờ  kết hợp tu tập giới (sila), định (samadhi) và tuệ (pannã).  Trừ phi ta thực hiện cả ba sự tu tập này và bước từng bước  trên con đường, ta không thể nào có được tuệ giác thật sự  và thoát khỏi khổ đau. Nhưng ngay cả trước khi bắt đầu  tu tập, ta cũng phải có một vài hiểu biết, có thể chỉ là một  sự nhận biết qua tri thức về sự thật khổ đau. Không có sự  hiểu biết đó, dù rất nông cạn, thì cái ý nghĩ tu tập để giải  thoát chính mình khỏi khổ đau cũng không bao giờ khởi  sinh trong tâm. Đức Phật nói: “Trước tiên phải có sự hiểu  biết chân chánh.” 
 Bởi vậy, bước đầu của Bát Thánh Đạo là sự hiểu biết  chân chánh (chánh kiến) và suy nghĩ chân chánh (chánh  tư duy). Chúng ta phải thấy được vấn đề và quyết định  đối phó với nó. Chỉ lúc đó ta mới có thể thực sự thực hành  Pháp. Chúng ta bắt đầu thực hiện con đường bằng sự giữ  giới, tuân theo những giới luật để điều chỉnh những hành  động của chúng ta. Nhờ vào sự tập luyện định, chúng ta  bắt đầu đối phó với tâm, phát triển samadhi (định) bằng  sự ý thức về hơi thở. Nhờ vào sự quan sát cảm giác trên  toàn cơ thể, chúng ta phát triển tuệ chứng nghiệm giúp  tâm thoát khỏi định kiến. 
 Và bây giờ khi sự hiểu biết thật sự phát xuất từ kinh  nghiệm của chính mình thì sự hiểu biết chân chánh (chánh  kiến) lại trở thành bước đầu tiên trên con đường. Nhờ vào  sự chứng ngộ bản chất luôn thay đổi của mình do hành  thiền, hành giả giải phóng cho tâm khỏi thèm muốn, chán  ghét, vô minh. Với một tâm thanh tịnh như vậy, không thể nào còn có ý nghĩ làm hại người khác. Thay vào đó,  tư tưởng ta tràn đầy thiện chí và lòng bi mẫn với tất cả.  Trong lời nói, hành động, cách sinh nhai, ta sống một cuộc  sống trong sạch, thanh thản và an bình. Với sự an tĩnh do  kết quả của giữ giới, phát triển định trở nên dễ dàng. Định  càng sâu, trí tuệ càng phát triển. Do vậy, con đường là một  đường xoắn ốc đi lên tới giải thoát. Giới, định, tuệ phải trợ  giúp lẫn nhau như ba chân của một cái đỉnh. Cái đỉnh phải  có đủ ba chân, và các chân phải cao bằng nhau, nếu không  đỉnh không thể đứng vững. Cũng vậy, thiền giả phải thực  hành cả giới, định, tuệ để phát triển đồng đều mọi mặt  trên con đường. Đức Phật nói, 
 Từ hiểu biết chân chánh dẫn đến suy nghĩ chân chánh; từ suy nghĩ chân chánh dẫn đến lời nói chân chánh; từ lời nói chân chánh dẫn tới hành động chân chánh; từ hành động chân chánh dẫn đến nghề nghiệp chân  chánh; 
 từ nghề nghiệp chân chánh dẫn đến nỗ lực chân chánh; từ nỗ lực chân chánh dẫn đến ý thức chân chánh; từ ý thức chân chánh dẫn đến định chân chánh; từ định chân chánh dẫn đến sự hiểu biết chân chánh; từ sự hiểu biết chân chánh dẫn đến giải thoát chân  chánh. 
 Thiền Vipassana cũng có giá trị thực tế sâu xa ngay  tại đây và ngay bây giờ. Trong đời sống hằng ngày, có biết  bao nhiêu trường hợp xảy ra đe dọa sự quân bình của tâm.  Những sự khó khăn bất ngờ xảy đến, rồi những người  khác bất ngờ chống đối ta. Nói cho cùng, chỉ riêng việc học  thiền Vipassana không bảo đảm rằng chúng ta sẽ không  gặp thêm bất ổn nào nữa, cũng giống như việc học lái tàu  không có nghĩa là ta sẽ luôn có được những chuyến đi suôn sẻ. Bão tố tất yếu là sẽ có; những bất ổn tất yếu là sẽ xảy  ra. Cố né tránh vấn đề là vô ích và tự đánh bại mình. Thay  vì vậy, tiến trình đúng đắn là hãy vận dụng những gì ta đã  được huấn luyện để lái thuyền vượt qua bão tố. 
 Để có thể làm được như vậy, trước hết chúng ta phải  hiểu được bản chất thực sự của vấn đề. Vô minh khiến ta đổ  lỗi cho sự kiện bên ngoài hay người khác, coi đó là nguyên  nhân của khó khăn. Rồi ta dồn hết năng lực để thay đổi  tình trạng bên ngoài. Nhưng thực hành Vipassana khiến  ta hiểu được rằng chính ta chứ không ai khác chịu trách  nhiệm về hạnh phúc hay bất hạnh của ta. Vấn đề nằm  trong thói quen phản ứng mù quáng. Bởi vậy ta phải để  ý tới trận bão nội tâm của những phản ứng bị điều kiện  hóa trong tâm. Chỉ đơn giản giải quyết vấn đề bằng cách  không phản ứng sẽ không hiệu nghiệm. Chừng nào mà sự  điều kiện hóa [các phản ứng] vẫn còn trong vô thức, thì  sớm muộn gì nó cũng sẽ trồi lên và chế ngự tâm, bất chấp  những nỗ lực đảo ngược lại. Giải pháp thực sự duy nhất là  học cách quan sát và tự thay đổi bản thân. 
 Điều này quá dễ hiểu, nhưng việc thực hành khó hơn  nhiều. Vấn đề luôn tồn tại là, làm thế nào ta quan sát được  chính mình? Một phản ứng tiêu cực khởi sinh trong tâm  - giận dữ, sợ hãi hay chán ghét. Trước khi ta kịp nhớ đến  việc quan sát nó thì ta đã bị nó khống chế, và như vậy ta  nói và hành động một cách tiêu cực [thay vì quan sát]. Sau  đó, khi sự tổn hại đã xảy ra, ta nhận lỗi và hối hận, nhưng  rồi lần sau ta cũng vẫn hành xử y hệt như vậy. 
 Hãy giả sử rằng - nhận biết được một phản ứng giận dữ  bắt đầu - ta thực sự cố gắng quan sát nó. Ngay khi ta vừa  cố gắng thì người hay tình huống làm ta giận xuất hiện  trong tâm. Những suy nghĩ này khiến sự tức giận càng gia  tăng. Như vậy, việc quan sát cảm xúc tách rời khỏi nguyên nhân hay tình huống [gây ra cảm xúc] thường vượt quá  khả năng của nhiều người. 
 Nhưng nhờ sự nghiên cứu thực tế tối hậu của tâm và  thân, Đức Phật đã khám phá ra rằng, khi nào một phản  ứng xuất hiện trong tâm thì có hai sự thay đổi xảy ra trên  bình diện cơ thể. Thay đổi thứ nhất rất rõ ràng: hơi thở trở  thành nặng nề hơn. Thay đổi thứ hai vi tế hơn: một phản  ứng sinh hóa, một cảm giác, xảy ra trong thân. Với sự tu  tập thích hợp, một người với trí thông minh trung bình có  thể dễ dàng phát triển khả năng quan sát hơi thở và cảm  giác. Phương pháp này cho phép ta dùng sự thay đổi của  hơi thở và cảm giác như những dấu hiệu báo động cho ta  biết có một phản ứng bất tịnh trước khi nó có thể phát  triển thành một sức mạnh nguy hiểm. Và nếu ta tiếp tục  quan sát hơi thở và cảm giác, ta dễ dàng thoát khỏi những  bất tịnh. 
 Dĩ nhiên thói quen phản ứng đã ăn sâu không thể loại  bỏ hết ngay lập tức. Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày,  trong khi ta kiện toàn việc hành thiền Vipassana, ta nhận  thấy ít nhất trong một vài trường hợp thay vì phản ứng  vô ý thức, ta chỉ quay lại quan sát chính mình. Dần dần  thời gian quan sát tăng lên, và thời gian phản ứng càng  giảm dần. Ngay cả khi ta phản ứng tiêu cực, thì thời gian  và cường độ của phản ứng cũng giảm đi. Cuối cùng, ngay  trong những trường hợp bị khiêu khích nhất, ta vẫn có thể  quan sát hơi thở và cảm giác, và giữ được tâm quân bình  và bình tĩnh. 
 Với sự quân bình này ở mức độ thâm sâu nhất của tâm,  lần đầu tiên ta có thể hành động thực sự - và hành động  thực sự thì luôn luôn tích cực và sáng tạo. Thay vì tự động  phản ứng lại sự tiêu cực của người khác, ta có thể chọn  lựa cách hành xử nào có ích lợi nhất. Khi đối diện với một người đang nóng giận đùng đùng, một người vô minh sẽ  trở thành giận dữ, và kết quả là cãi nhau, gây buồn khổ  cho cả hai. Nhưng nếu ta giữ được bình tĩnh và quân bình,  ta có thể giúp người đó thoát khỏi nóng giận, và giải quyết  vấn đề một cách xây dựng. 
 Quan sát cảm giác dạy ta biết khi nào ta bị [những cảm  xúc] tiêu cực khống chế thì ta đau khổ. Bởi vậy, khi nào ta  thấy người khác phản ứng tiêu cực, ta hiểu họ đang đau  khổ. Với sự hiểu biết này, ta có thể cảm thấy thương cho  họ, và có thể hành động để giúp họ thoát khỏi tình trạng  khổ sở, không làm họ khổ thêm nữa. Ta được bình an và  hạnh phúc và giúp người khác cũng được như vậy. 
 Phát triển ý thức và sự bình tâm không biến ta thành  vô tình, bất động như cây cỏ, để cho ngoại cảnh muốn làm  gì ta thì làm. Ta cũng không trở nên thờ ơ, lãnh đạm với sự  đau khổ của người khác khi mải mê theo đuổi sự bình an  nội tâm. Pháp dạy ta có bổn phận đối với hạnh phúc của  mình và của người. Ta làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp  đỡ người khác, nhưng luôn giữ được sự bình tâm. Nhìn  thấy một đứa trẻ đang chìm dần xuống cát lún, một kẻ khờ  dại trở nên luống cuống, vội nhảy theo đứa trẻ, và chính  hắn cũng bị lún sâu. Một người khôn ngoan giữ được bình  tĩnh và quân bình, tìm một cành cây cho đứa trẻ nắm, và  kéo nó ra chỗ an toàn. Nhảy theo người khác vào bãi cát  lún thèm muốn và chán ghét sẽ chẳng giúp được ai. Ta  phải kéo người khác trở về vùng đất vững chắc của tâm  quân bình. 
 Nhiều lúc trong đời ta phải hành động cứng rắn khi  cần thiết. Chẳng hạn như ta dùng lời lẽ nhẹ nhàng, khiêm  tốn để giải thích cho một người đang làm điều sai lầm,  nhưng hắn vẫn tỉnh bơ trước lời khuyên bảo. Hắn không  thể hiểu được gì ngoại trừ những lời nói nặng, và hành động quyết liệt. Bởi vậy, khi cần thì ta phải hành động  cứng rắn. Tuy nhiên trước khi hành động, ta phải tự vấn  xem tâm ta có quân bình hay không, ta có lòng từ bi với  người lầm lỗi không. Nếu có thì hành động sẽ giúp ích.  Nếu không, nó thật sự chẳng giúp ích cho ai cả. Nếu ta  hành động với lòng từ bi thì ta không thể sai lầm. Nếu  thấy một kẻ mạnh hiếp đáp người yếu, ta có bổn phận phải  chấm dứt hành động xấu xa này. Bất cứ một người hiểu  biết nào cũng sẽ làm như vậy. Tuy nhiên, họ cũng có thể  làm vì thương hại nạn nhân, hay tức giận đối với kẻ hung  bạo. Hành giả Vipassana có lòng từ bi với cả hai, hiểu rằng  nạn nhân phải được bảo vệ và kẻ hung bạo [cần bị ngăn  cản để] không làm hại chính mình vì hành động bất thiện. 
 Xem xét tâm mình trước khi có một hành động cứng  rắn là cực kỳ quan trọng. Chỉ sau khi xảy ra rồi mới xem  xét, đánh giá lại hành động là không được. Nếu chính ta  không trải nghiệm được sự bình an và hòa hợp, ta không  thể phát triển bình an và hòa hợp nơi bất kỳ người nào  khác. Là người hành thiền Vipassana, ta học cách hành  động không dính mắc, vừa có lòng từ bi vừa thản nhiên. Ta  nỗ lực cho sự tốt lành của mọi người bằng cách tu tập để  phát triển sự tỉnh giác và bình tâm. Nếu chúng ta không  làm gì ngoài việc tránh không làm gia tăng sự căng thẳng  của thế giới, thì đó là ta cũng đã làm được một việc tốt lành  rồi. Nhưng sự thật chính cái yên lặng của hành động quân  bình đã gây tiếng động lớn, vang dội ra xa, có ảnh hưởng  tích cực đến nhiều người. 
 Nói cho cùng, tâm bất tịnh - của ta và người khác - là  nguồn gốc của khổ đau trên thế gian. Khi tâm đã trở nên  thanh tịnh, cuộc đời mở rộng vô hạn trước chúng ta, ta có  thể vui hưởng và chia sẻ hạnh phúc đích thực với người  khác 


   VẤN ĐÁP 

 Câu hỏi: Chúng tôi có thể nói cho người khác biết về  phương pháp thiền này không? 
 Thiền sư S. N. Goenka: Dĩ nhiên là được. Pháp không  có gì là bí mật cả. Bạn có thể nói với mọi người về những  gì bạn học được ở đây. Nhưng hướng dẫn người khác thực  hành lại là chuyện hoàn toàn khác, bạn không nên làm ở  giai đoạn này. Hãy đợi tới khi bạn đã thực sự thấu hiểu kỹ  thuật và được huấn luyện để hướng dẫn người khác. Nếu  bạn nói với ai về pháp thiền này, và họ tỏ ý muốn thực  hành, hãy khuyên họ đến tham dự một khóa thiền. Ít nhất  kinh nghiệm đầu tiên về Vipassana phải được thực hiện  trong một khóa thiền mười ngày, dưới sự hướng dẫn của  một người thầy có đủ khả năng. Sau đó họ có thể tự tu tập. 
 Tôi tập yoga. Làm sao tôi có thể phối hợp nó với  Vipassana? 
 Trong khóa học không được tập yoga vì như vậy sẽ làm  phiền người khác, khiến họ bị phân tâm. Nhưng khi về nhà,  bạn có thể tập cả yoga lẫn Vipassana - nghĩa là, những bài  tập thể dục của yoga về các thế ngồi và kiểm soát hơi thở.  Yoga rất có ích cho sức khỏe. Bạn có thể phối hợp nó với  Vipassana. Chẳng hạn như bạn tập một thế ngồi rồi quan  sát những cảm giác ở toàn thân. Như vậy sẽ ích lợi hơn là  chỉ tập yoga đơn thuần. Nhưng kỹ thuật thiền yoga dùng  những câu chú và quán tưởng thì hoàn toàn trái ngược với  Vipassana. Đừng trộn lẫn chúng với kỹ thuật này 
 Còn những cách thở khác nhau của yoga thì sao? 
 Chúng hữu ích nếu được coi như những bài tập thể  dục. Nhưng đừng pha trộn những kỹ thuật đó với ānāpāna.  Trong ānāpāna, bạn phải quan sát hơi thở tự nhiên, nhưng không điều khiển nó. Hãy tập kiểm soát hơi thở như tập  thể dục, và tập ānāpāna để thiền. 
 Có phải tôi - tôi không muốn nói khối bọt bóng này -  đang bám chấp vào sự giác ngộ không? 
 Nếu vậy thì bạn đang chạy ngược chiều với giác ngộ.  Khi bạn còn bám chấp vào giác ngộ thì bạn chẳng bao giờ  chứng nghiệm được nó. Chỉ đơn giản nhận hiểu giác ngộ là  gì, rồi tiếp tục quan sát thực tại ở ngay lúc này và để giác  ngộ tự đến. Nếu nó không đến, đừng bực bội. Nếu làm như  vậy thì bạn không bám chấp vào giác ngộ, và giác ngộ chắc  chắn sẽ đến. 
 Như vậy tôi hành thiền chỉ là làm công việc phải làm? 
 Đúng vậy. Bổn phận của bạn là thanh lọc tâm. Nhận  lấy trách nhiệm như thế, nhưng làm mà không bám chấp. 
 Không phải để đạt được một điều gì sao? 
 Không. Cái gì đến tự nó sẽ đến. Hãy để nó đến tự nhiên. Thiền sư cảm thấy thế nào về việc dạy Pháp cho trẻ  em? 
 Thời gian tốt nhất là trước khi đứa bé ra đời. Trong thời  kỳ thai nghén, người mẹ nên tập Vipassana, như vậy đứa  bé cũng được hưởng, và khi sinh ra nó là một đứa trẻ của  Pháp. Nhưng nếu bạn đã có con rồi, bạn vẫn có thể chia  sẻ Pháp với chúng. Chẳng hạn, ở phần kết thúc của khóa  thiền, bạn học kỹ thuật mettā-bhāvanā (thiền tâm từ), chia  sẻ sự bình an và hòa hợp của bạn với người khác. Nếu con  bạn còn quá nhỏ, bạn hãy hướng mettā (tâm từ) về chúng  sau mỗi lần hành thiền, vào giờ đi ngủ của chúng. Làm  như vậy, con bạn cũng được hưởng ích lợi của việc bạn  thực hành Pháp. Và khi chúng lớn hơn, bạn hãy giảng cho  chúng một chút về Pháp, theo cách chúng có thể hiểu và chấp nhận được. Nếu chúng có thể hiểu thêm, hãy dạy  chúng tập ānāpāna (theo dõi hơi thở) trong vài phút. Đừng  ép buộc chúng, dù là bằng cách nào. Hãy để chúng ngồi  thiền cùng bạn, quan sát hơi thở trong vài phút rồi cho  chúng đi chơi. Thiền sẽ như trò chơi đối với chúng; chúng  sẽ thích ngồi thiền. Và điều quan trọng nhất là chính bạn  phải sống một cuộc sống lành mạnh đúng Pháp. Bạn phải  làm gương cho chúng. Trong gia đình, bạn phải tạo được  một không khí an bình và hòa hợp, như vậy sẽ giúp chúng  lớn lên thành người khỏe mạnh và hạnh phúc. Đây là điều  tốt nhất mà bạn có thể làm cho con bạn. 
 Cám ơn thiền sư rất nhiều về Pháp kỳ diệu này. 
 Hãy cám ơn Pháp! Pháp thật vĩ đại! Tôi chỉ là một chiếc  xe. Và bạn cũng nên cám ơn chính bạn. Bạn chịu khó học  tập khó nhọc mới nắm vững được kỹ thuật. Một người thầy  cứ nói đi nói lại mãi, nhưng nếu bạn không học thì bạn  cũng chẳng gặt hái được gì. Hãy sống hạnh phúc và luyện  tập nghiêm chỉnh, luyện tập cần mẫn! 


  GIỜ ĐÃ ĐIỂM 
 Tôi cảm thấy rất may mắn được sinh ra ở Miến Điện,  miền đất của Pháp, nơi kỹ thuật kỳ diệu này đã được  bảo tồn nguyên vẹn qua bao nhiêu thế kỷ. Vào khoảng  một trăm năm truớc, ông nội tôi đã từ Ấn Độ đến đây lập  nghiệp, và do đó tôi được sinh ra trên đất nước này. Tôi  cảm thấy rất may mắn được sinh ra trong một gia đình  buôn bán, và từ nhỏ tôi đã bắt đầu làm việc để kiếm tiền.  Hồi đó, tích lũy tiền bạc là mục tiêu chính của đời tôi.  Tôi có may mắn là từ lúc còn trẻ tôi đã thành công trong  việc kiếm được nhiều tiền. Nếu chính tôi không được sống  cuộc sống của một người giàu có, thì tôi đã không có kinh  nghiệm bản thân về sự trống rỗng của một đời sống như  vậy. Và nếu tôi không có kinh nghiệm đó, thì trong thâm  tâm, tôi vẫn còn ngộ nhận rằng chân hạnh phúc nằm trong  sự giàu có. Khi con người trở nên giàu có, họ được trao cho  những địa vị đặc biệt và cao cả trong xã hội. Họ thành  những thành viên của các hội đoàn. Ngoài hai mươi tuổi  tôi đã điên cuồng trong việc tạo dựng địa vị trong xã hội.  Và dĩ nhiên, những căng thẳng trong đời đã khiến tôi mắc  bệnh tâm thần, những cơn đau nửa đầu nghiêm trọng. Cứ  mỗi nửa tháng tôi lại bị cơn bệnh hành hạ một lần mà  không cách nào điều trị khỏi. [Về sau,] tôi cảm thấy rất  may mắn là đã bị bệnh này.  
 Ngay cả những bác sĩ giỏi nhất ở Miến Điện cũng không  chữa trị được căn bệnh của tôi. Cách chữa trị duy nhất mà  họ có thể đưa ra là chích thuốc phiện để làm giảm cơn  đau. Cứ mỗi nửa tháng tôi phải chích thuốc phiện một lần,  và sau đó phải chịu các tác dụng phụ của thuốc như nôn,  mửa, thật khổ sở. 
 Sau vài năm khổ sở như vậy, các bác sĩ bắt đầu cảnh  báo tôi: “Bây giờ ông đang dùng thuốc phiện để giảm đau, nhưng nếu cứ tiếp tục như thế, không bao lâu nữa ông sẽ  bị nghiện thuốc phiện và phải dùng thuốc mỗi ngày.” Tôi  cảm thấy kinh hoàng trước cái viễn tượng đó. Đời sống như  vậy sẽ khủng khiếp. Các bác sĩ khuyên: “Ông thường có  những chuyến đi ngoại quốc vì chuyện làm ăn, hãy dành  một chuyến để lo cho sức khỏe của mình. Chúng tôi không  có cách gì trị được bệnh của ông, và chúng tôi biết là các bác  sĩ ở những nước khác cũng vậy thôi. Nhưng có thể họ có một  loại thuốc giảm đau nào đó khác hơn, như vậy ông thoát  được nguy cơ phụ thuộc vào thuốc phiện.”  
 Nghe theo lời khuyên của họ, tôi đã sang Thụy Sĩ, Đức,  Anh, Mỹ và Nhật. Tôi được những vị bác sĩ giỏi nhất của các  nước này chữa trị. Và rất may mắn là tất cả những vị ấy đều  thất bại. Tôi trở về, bệnh tình nặng hơn trước khi đi. 
 Sau chuyến đi chữa bệnh thất bại trở về, một người  bạn tốt đề nghị với tôi: “Tại sao không đến học thử một  khóa thiền Vipassana mười ngày. Thiền sư U Ba Khin  hướng dẫn những khóa thiền này. Ông là một bậc thánh,  một quan chức chánh phủ, và là một người có gia đình  như bạn. Theo tôi, căn bệnh của bạn thực sự thuộc về tinh  thần, và theo như người ta nói thì kỹ thuật này giúp tinh  thần hết căng thẳng. Có lẽ khi hành thiền bạn có thể tự  chữa khỏi bệnh.” Đã thất bại ở mọi nơi khác, tôi quyết định  ít nhất cũng phải đến gặp vị thiền sư này xem sao. Dầu sao  thì tôi cũng không có gì để mất. 
 Tôi đến trung tâm thiền và nói chuyện với con người  phi thường này. Không khí yên tĩnh và bình an của thiền  viện cùng sự hiện diện đầy an lạc từ Ngài gây cho tôi một  sự xúc động sâu xa, tôi nói: “Thưa Ngài, tôi muốn được theo  một khóa học của Ngài. Ngài có vui lòng nhận tôi không?” 
 “Dĩ nhiên, kỹ thuật này dành cho tất cả mọi người. Ông  cứ tự nhiên theo học một khóa.” 
 Tôi nói tiếp: “Trong nhiều năm, tôi đã khổ sở vì một  chứng bệnh không có cách chữa, chứng đau nửa đầu  nghiêm trọng. Tôi hy vọng với kỹ thuật này, tôi có thể hết  bệnh.” 
 Ngài bỗng nói: “Không, đừng đến với tôi. Có lẽ ông  không tham dự khóa học được.” Tôi không thể hiểu được  tôi đã làm gì phật ý Ngài, nhưng rồi Ngài đã từ bi giải  thích: “Mục đích của Pháp không phải để chữa bệnh. Nếu  đó là điều ông tìm kiếm thì tốt hơn ông nên đến bệnh viện.  Mục đích của Pháp là chữa trị tất cả khổ đau trong cuộc  đời. Chứng bệnh của ông thật ra chỉ là một phần nhỏ trong  sự đau khổ của ông. Bệnh của ông sẽ hết, nhưng đó chỉ là  tác dụng phụ trong tiến trình thanh lọc tâm. Nếu lấy tác  dụng phụ làm mục tiêu chính thì ông đã làm giảm giá trị  của Pháp. Ông hãy đến học không phải để chữa bệnh cho  thân mà là để giải phóng tâm.” 
 Ngài đã thuyết phục được tôi. Tôi nói: “Thưa Ngài,  vâng, bây giờ tôi hiểu. Tôi sẽ đến chỉ để thanh lọc tâm. Dù  bệnh tôi có khỏi hay không, tôi muốn trải nghiệm được sự  bình an mà tôi thấy ở đây.” Sau khi hứa với Ngài, tôi trở  về nhà. 
 Nhưng tôi vẫn chần chừ không tham dự khóa thiền.  Được sinh trong một gia đình Ấn Độ giáo cực kỳ bảo thủ,  từ nhỏ tôi đã học thuộc để tụng câu thơ: “Tốt hơn là chết  trong đạo của mình, trong bản tánh1  của mình. Đừng bao  giờ đổi sang đạo khác.” Tôi tự nhủ: “Coi chừng, Phật giáo là một đạo khác, và những người đó vô thần. Họ không tin  vào Thượng Đế, vào sự hiện hữu của linh hồn!” (Làm như  thể chỉ cần tin vào Thượng Đế, vào linh hồn thì sẽ giải  quyết được tất cả mọi vấn đề!) “Nếu tôi trở thành một kẻ  vô thần thì tôi sẽ ra sao? Không, tốt hơn là tôi chết trong  đạo của tôi. Tôi sẽ không bao giờ đến gần họ.” 
 Tôi ngần ngại như vậy trong mấy tháng trời. Nhưng rất  may mắn, cuối cùng tôi quyết định thử kỹ thuật này xem  sao. Tôi tham dự khóa thiền tiếp đó và trải qua mười ngày.  Tôi cảm thấy may mắn là tôi đã cực kỳ lợi lạc. Bây giờ tôi  có thể hiểu được bản tánh riêng của mỗi người, con đường  riêng của mỗi người, và bản tánh của mọi người khác. Bản  tánh của nhân loại là bản tánh riêng của mỗi người. Duy  nhất chỉ có con người là có khả năng quan sát chính mình  để thoát khỏi khổ đau. Không một sinh vật hạ đẳng nào  có được khả năng này. Quan sát thực tại trong chính mình  là bản tánh của con người. Nếu chúng ta không vận dụng  được khả năng này, đó là ta sống cuộc sống của những sinh  vật hạ đẳng, ta phí phạm cuộc sống của mình. Điều này  chắc chắn là nguy hiểm. 
 Tôi vẫn luôn tự xem mình là người rất sùng đạo. Dầu  sao đi nữa, tôi cũng làm tất cả những bổn phận tôn giáo  cần thiết, giữ giới và hiến tặng rất nhiều. Và thật sự nếu tôi  không phải là một người sùng đạo, thì tại sao tôi lại được  bầu làm lãnh đạo của quá nhiều tổ chức tôn giáo? Tôi nghĩ,  chắc chắn tôi phải là một người sùng đạo. Nhưng cho dù tôi  đã hiến tặng và từng phục vụ nhiều đến đâu cũng như tôi  đã cẩn thận trong lời ăn tiếng nói và hành động đến mức  nào đi chăng nữa, thì khi tôi bắt đầu quan sát những ngõ  ngách tối tăm trong tâm tôi, tôi vẫn tìm thấy trong đó đầy  rắn rết, bò cạp độc địa... chính vì những điều này mà tôi đã  chịu đựng quá nhiều đau khổ. Bây giờ, khi những phần bất tịnh dần dần bị diệt trừ, tôi bắt đầu được vui hưởng sự an  bình thật sự. Tôi nhận thấy tôi quá sức may mắn khi nhận  được kỹ thuật kỳ diệu này, Pháp bảo này. 
 Trong mười bốn năm, tôi rất may mắn có thể thực hành  kỹ thuật này ở Miến Điện dưới sự dìu dắt kỹ lưỡng của thầy  tôi. Lẽ dĩ nhiên tôi vẫn làm đầy đủ bổn phận của một người  chủ gia đình, nhưng đồng thời, mỗi sáng và chiều tôi đều  hành thiền, và cuối tuần tôi đến trung tâm thiền của thầy  tôi, và mỗi năm tôi dự khóa thiền mười ngày hay dài hơn. 
 Đầu năm 1969 tôi sang Ấn Độ. Cha mẹ tôi đã về ở đó từ  mấy năm trước, và mẹ tôi mắc một căn bệnh thuộc về thần  kinh mà tôi biết có thể chữa được bằng cách thực hành  thiền Vipassana. Nhưng không có ai ở Ấn Độ để chỉ cho  bà. Kỹ thuật Vipassana đã mất đi từ lâu ở Ấn Độ, nơi phát  sinh ra nó. Ngay cả cái tên cũng không còn được nhớ đến.  Tôi biết ơn chính phủ Miến Điện đã cho phép tôi qua Ấn  Độ. Thời đó, dân chúng thường không được xuất ngoại. Tôi  biết ơn chính phủ Ấn Độ đã cho phép tôi nhập cảnh. Tháng  7, 1969 khóa học đầu tiên được tổ chức tại Bombay, trong  đó có cha mẹ tôi và 12 người khác tham dự. May mắn là tôi  có thể phục vụ cha mẹ tôi. Dạy Pháp cho họ, tôi đã trả được  cái ơn sâu xa của họ đối với tôi. 
 Sau khi hoàn thành mục đích của chuyến đi Ấn Độ  này, tôi sẵn sàng trở về Miến Điện. Nhưng tôi thấy những  người dự khóa học nài nỉ tôi mở một khóa nữa, rồi một  khóa nữa. Họ muốn cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè họ  được dự các khóa thiền. Vì vậy, khóa thứ hai được tổ chức,  rồi đến khóa thứ ba, thứ tư... và cứ như vậy sự giảng dạy  Pháp được lan rộng. 
 Năm 1971, trong khi dạy một khóa học ở Bồ Đề Đạo  Tràng (Bodh Gaya), tôi nhận được điện tín từ Rangoon báo tin thầy tôi qua đời. Dĩ nhiên, tin này thực sửng sốt, hoàn  toàn bất ngờ và chắc chắn rất đau buồn. Nhưng nhờ sự giúp  đỡ của Pháp mà thầy đã dạy, tôi giữ được sự bình tâm. Bây giờ tôi phải quyết định làm sao để trả ơn bậc thánh  nhân này, Ngài Sayagyi U Ba Khin. Cha mẹ sinh ra tôi  làm người, nhưng tôi vẫn còn chìm đắm trong cái vỏ vô  minh. Chỉ với sự giúp đỡ của con người kỳ diệu này mà tôi  đã có thể phá vỡ được cái vỏ, khám phá sự thật bằng cách  quan sát nội tâm. Không những thế, trong suốt mười bốn  năm, Ngài đã làm tôi vững mạnh, và giáo dục tôi trong  Pháp. Làm sao tôi có thể trả ơn cho người cha tinh thần  này? Con đường duy nhất mà tôi thấy là thực hành những  gì Ngài đã dạy, sống cuộc sống của Pháp. Đây là con đường  đúng đắn để vinh danh ngài. Và với tất cả sự tinh khiết  của tâm, với tất cả lòng từ bi mà khả năng tôi có thể phát  triển được, tôi quyết định cống hiến cuộc đời còn lại của tôi  để phụng sự tha nhân, vì đó là điều mà Ngài muốn tôi làm. 
 Ngài thường nhắc đến niềm tin truyền thống ở Miến  Điện là hai mươi lăm thế kỷ sau Đức Phật, Pháp sẽ trở về  xứ sở đã sinh ra nó và từ đó lan truyền ra khắp thế giới.  Ước vọng của Ngài là thực hiện lời tiên tri đó bằng cách  sang Ấn Độ và dạy thiền Vipassana ở đó. Ngài thường nói:  “Hai mươi lăm thế kỷ đã qua, giờ của Vipassana đã điểm!”  Chẳng may, tình trạng chính trị vào những năm cuối  đời Ngài không cho phép Ngài xuất ngoại. Khi tôi được  phép đi Ấn Độ vào năm 1969, Ngài rất vui lòng và bảo tôi:  “Goenka, không phải con đi, mà là ta đi!” 
 Lúc đầu tôi nghĩ rằng lời tiên tri này chỉ là một niềm  tin trong giáo phái. Xét cho cùng, tại sao một chuyện đặc  biệt lại xảy ra sau hai mươi lăm thế kỷ nếu như nó đã  không thể xảy ra sớm hơn? Nhưng khi tới Ấn Độ, tôi ngạc  nhiên thấy rằng, mặc dầu tôi không biết quá một trăm người ở cái quốc gia rộng lớn này, mà có hàng ngàn người  đến dự các khóa học, từ mọi tầng lớp trong xã hội, mọi tôn  giáo, mọi cộng đồng. Không chỉ riêng ở Ấn Độ mà còn cả  nhiều ngàn người bắt đầu tìm đến từ nhiều quốc gia khác. 
 Tôi càng thấy rõ là không có gì xảy ra mà không có  nguyên nhân. Không ai ngẫu nhiên đến tham dự khóa  thiền - có lẽ có người trong quá khứ đã làm một điều lành,  và kết quả là bây giờ họ có cơ hội nhận lãnh hạt giống  Pháp. Có những người khác đã nhận được hạt giống, và  bây giờ họ tới để giúp nó tăng trưởng. Dù bạn đến để nhận  hạt giống, hay để làm cho hạt giống bạn đã có nảy nở, bạn  hãy tiếp tục tinh tấn trong Pháp, vì sự tốt lành, lợi ích và  giải thoát của chính bạn, và bạn sẽ thấy rằng nó cũng bắt  đầu giúp ích cho người khác nữa. Pháp lợi lạc cho tất cả  mọi người. 
 Nguyện cho những người đau khổ khắp mọi nơi tìm  được con đường bình an này. Nguyện cho tất cả mọi người  thoát khỏi khổ đau, gông cùm, ngục tù nô lệ. Nguyện cho  tất cả mọi người đều gột sạch tâm ý khỏi mọi ô nhiễm, mọi  bất tịnh. 

 Nguyện cho mọi chúng sinh khắp vũ trụ được hạnh  phúc. 
   Nguyện cho mọi chúng sinh được bình an. 
   Nguyện cho mọi chúng sinh được giải thoát.