Chương 1: tìm kiếm (nghệ thuật sống)


Chương 1: tìm kiếm (nghệ thuật sống)


Tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự bình an và hòa   hợp, vì đó là những thứ ta thiếu thốn trong   đời. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc và xem   đó là quyền của chúng ta. Tuy hạnh phúc là mục tiêu mà   chúng ta đều cố gắng tiến tới, nhưng ít khi đạt được. Trong   đời, nhiều lúc chúng ta trải qua những sự không hài lòng   - bấn loạn, bực tức, bất hòa, đau khổ. Ngay cả nếu như   trong lúc này ta không có gì để bất mãn, tất cả chúng ta   đều có thể nhớ lại những lúc chúng đã làm ta đau khổ, và   thấy trước được rằng một lúc nào đó chúng có thể xảy ra.   Cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải đối diện với sự đau khổ   của cái chết.  Những bất mãn của cá nhân ta không chỉ giới hạn với   riêng mình. Thay vì vậy, chúng ta tiếp tục lan tỏa sự đau   khổ của mình sang những người khác. Không khí chung   quanh một người đau khổ trở nên kích động hơn, khiến cho   tất cả những ai bước vào môi trường đó cũng đều cảm thấy   bấn loạn và không hạnh phúc. Bằng cách này, những căng   thẳng cá nhân cộng hưởng tạo nên căng thẳng xã hội.  Đây là bất ổn căn bản của cuộc đời: bản chất không   mãn nguyện. Có những việc ta không muốn lại xảy ra; có   những việc ta muốn lại không xảy ra. Chúng ta không biết   tiến trình này do đâu và xảy ra như thế nào, cũng như mỗi   chúng ta đều không biết gì về sự sinh ra và chết đi của   chính mình.  Hai mươi lăm thế kỷ trước ở miền bắc Ấn Độ, một   người quyết định khảo sát bất ổn này, bất ổn về khổ đau   của nhân loại. Sau nhiều năm tìm kiếm và thử nghiệm



nhiều phương pháp, ông đã khám phá ra một cách để đạt   được tuệ giác vào bản tánh chân thật của chính mình và   chứng nghiệm sự giải thoát thực sự khỏi khổ đau. Sau khi   đạt được mục đích tối thượng của sự giải thoát, của sự dứt   trừ khổ đau và xung đột, ngài dành hết quãng đời còn lại   để giúp người khác thực hiện được những gìn ngài đã thực   hiện, chỉ cho họ con đường giải thoát cho chính họ.  Người này là Siddhattha Gotama, là Đức Phật, “bậc   giác ngộ”, chỉ nhận mình là một người bình thường. Giống   như tất cả các bậc thầy vĩ đại, Ngài trở thành đề tài của   những huyền thoại; nhưng dù là những câu chuyện kỳ   diệu kể về tiền thân của ngài hoặc về những quyền lực   siêu nhiên của Ngài, tất cả đều cho thấy Ngài không bao   giờ tuyên bố mình là thần thánh hay được thần thánh hội   nhập. Bất cứ phẩm tính đặc biệt nào Ngài có đều là những   tính tốt của con người đã được Ngài làm cho toàn mỹ. Vì   vậy, những gì Ngài đạt được đều nằm trong tầm tay của   bất cứ ai làm theo như Ngài đã làm.  Đức Phật không dạy bất kỳ tôn giáo, triết lý, hay hệ   thống tín điều nào. Ngài gọi những gì Ngài dạy là Dhamma,   nghĩa là luật, luật của tự nhiên. Ngài không thích giáo   điều hay suy diễn vô ích. Thay vì vậy, Ngài cống hiến một   giải pháp thực tiễn và phổ quát cho một vấn đề phổ quát.   Ngài nói: “Bây giờ cũng như trước kia, ta dạy về khổ đau   và sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau.”1   Ngài từ chối mọi   tranh luận không dẫn đến sự giải thoát khổ đau.  Ngài nhấn mạnh những điều Ngài giảng không phải   do Ngài phát minh ra hay được tiết lộ cho ngài một cách   huyền bí. Đó chỉ là sự thật, là thực tại mà với sự cố gắng   của chính mình Ngài đã khám phá ra, giống như nhiều

người trước Ngài đã làm được và nhiều người sau Ngài   cũng sẽ làm được. Ngài không giữ độc quyền về sự thật.  Ngài cũng không áp đặt bất cứ thẩm quyền đặc biệt   nào về những điều Ngài dạy - không phải vì mọi người tin   nơi Ngài, cxx không phải vì tính cách hợp lý hiển nhiên của   những điều Ngài dạy. Trái lại, Ngài tuyên bố rằng sự nghi   ngờ và kiểm nghiệm lại những gì ngoài tầm kinh nghiệm   của mình là điều thích đáng:  “Đừng vội tin những gì nghe được, những gì được   truyền lại từ những thế hệ trước, những ý kiến của   đại chúng, hay những gì trong kinh điển. Đừng chấp   nhận điều gì là đúng nếu chỉ do suy luận, do sự xét   đoán bề ngoài, hay vì thiên vị về một quan điểm nào   đó, hay vì nó có vẻ đáng tin, hay vì thầy mình đã   bảo như vậy. Nhưng khi chính quý vị tự mình biết:   ‘Những nguyên tắc này không tốt, đáng chê trách, bị   các nhà hiền triết lên án, và nếu chấp nhận và làm   theo thì chúng chỉ dẫn đến sự tai hại và đau khổ,’   lúc đó quý vị phải buông bỏ chúng. Và khi quý vị tự   biết, ‘Những nguyên tắc này tốt, không có gì đáng   chê trách, được các nhà hiền triết khen ngợi; và khi   chấp nhận và đem áp dụng, chúng mang lại an lạc   và hạnh phúc’, thì quý vị phải chấp nhận và đem ra   thực hành.”1  Thẩm quyền cao nhất là tự mình thể nghiệm lấy sự   thật. Không nên chấp nhận điều gì chỉ do lòng tin mà thôi;   chúng ta phải xem xét xem nó có hợp lý, thực tế và có ích   lợi hay không. Khảo sát một giáo huấn bằng lý luận cũng   không đủ để chấp nhận nó là đúng về mặt tri thức. Nếu   chúng ta muốn được hưởng lợi ích từ sự thật, chúng ta

phải trực tiếp thể nghiệm nó. Chỉ khi đó ta mới có thể biết   được nó có thật đúng hay không. Đức Phật luôn luôn nhấn   mạnh rằng những điều Ngài dạy chỉ là những gì Ngài đã   thể nghiệm bằng sự hiểu biết trực tiếp, và Ngài khuyến   khích người khác tự họ phát triển những hiểu biết như vậy   để trở thành thẩm quyền của chính mình: “Mỗi người hãy   tự biến mình thành một hòn đảo, một nơi nương tựa cho   chính mình; không có nơi nương tựa nào khác. Hãy lấy sự   thật làm hòn đảo của mình, lấy sự thật làm nơi nương tựa;   không có nơi nương tựa nào khác.”1  Nơi nương tựa chân thật duy nhất trong cuộc đời, mảnh   đất vững chãi duy nhất cho ta đứng trên đó, thẩm quyền   duy nhất có thể dẫn dắt và bảo vệ ta thích đáng chính là sự   thật, là Dhamma, luật của tự nhiên, được thể nghiệm và   kiểm chứng bởi chính ta. Vì vậy trong Giáo pháp của Ngài,   Đức Phật luôn cho rằng việc trực tiếp chứng nghiệm sự   thật là điều tối quan trọng. Những gì Ngài đã thể nghiệm,   Ngài cố gắng giảng thật rõ để người khác có thể dùng đó   làm kim chỉ nam và tự mình thể nghiệm sự thật. Ngài   nói: “Giáo huấn ta trình bày không có hai mặt trong ngoài   khác nhau. Ta không che giấu một điều gì cả.”2   Ngài không   có những bí truyền dành riêng cho số ít người được chọn.   Ngược lại, Ngài mong muốn định luật tự nhiên được biết   đến càng đơn giản và càng rộng rãi càng tốt, để càng nhiều   người được hưởng lợi ích càng tốt  Ngài cũng không quan tâm đến việc thiết lập tôn giáo   hay sùng bái cá nhân với Ngài là trung tâm điểm. Ngài   chủ trương nhân cách của người giảng dạy không quan   trọng bằng giáo pháp người đó dạy. Mục đích của Ngài là

 chỉ cách cho người khác tự giải thoát chứ không phải biến   họ thành những tín đồ mù quáng. Đối với người bày tỏ sự   cung kính quá đáng, Ngài nói: “Các người được lợi ích gì   khi chiêm ngưỡng cái thân xác sẽ bị hủy hoại này? Người   nào thấy Dhamma là thấy ta; người nào thấy ta là thấy   Dhamma.”1  Lòng sùng kính một người khác, dù người đó có thánh   thiện đến đâu đi nữa cũng không đủ để giải thoát được ai.   Không thể có sự giải thoát hay cứu rỗi mà không có kinh   nghiệm trực tiếp về thực tại. Vì vậy, sự thật là chính yếu   chứ không phải người nói ra sự thật. Chúng ta nên kính   trọng bất kỳ ai giảng dạy sự thật, nhưng cách tốt nhất để   bày tỏ lòng tôn kính đó là nỗ lực tự mình chứng nghiệm sự   thật. Khi những vinh dự rất lớn được dành cho Ngài lúc   cuối đời, Đức Phật đã nhận xét: “Đây không phải là sự tôn   kính, hay lòng thành tín đúng cách đối với một đấng giác   ngộ. Tốt hơn là các vị tăng ni hay nam nữ cư sĩ hãy bước đi   một cách vững vàng trên con đường Dhamma từ bước đầu   đến bước cuối, là những người thực hành Dhamma đúng   cách, đó mới là vinh danh, kính ngưỡng bậc giác ngộ một   cách tôn trọng nhất.”2  Đức Phật dạy con đường mà mọi người đều có thể đi   theo. Ngài gọi con đường đó là Bát Thánh Đạo, có nghĩa là   thực tập tám phần tương quan mật thiết. Gọi là thánh vì   những ai đi trên con đường đó sẽ trở thành người có tâm   thánh thiện, thành thánh nhân, không còn đau khổ.  Đó là con đường của tuệ giác về bản chất của thực tại,   con đường chứng nghiệm sự thật. Để giải quyết những bất   ổn của mình, chúng ta phải nhận biết tình huống một cách

 đúng thật. Chúng ta nhất thiết phải học cách nhận biết   vẻ ngoài hiển nhiên của thực tại, và cũng phải thâm nhập   qua vẻ ngoài để nhận thức được những sự thật tinh tế hơn,   rồi đến sự thật tối hậu, và cuối cùng là để chứng nghiệm   sự thật giải thoát khỏi đau khổ. Bất cứ danh từ nào chúng   ta chọn để gọi sự thật giải thoát này, hoặc là Niết Bàn,   nibbana, “thiên đàng”, hay là gì đi nữa, đều không quan   trọng. Điều quan trọng là chứng nghiệm nó.  Con đường duy nhất để chứng nghiệm sự thật một cách   trực tiếp là nhìn vào bên trong, là quan sát chính mình.   Cả đời ta chỉ quen nhìn ra ngoài. Chúng ta luôn luôn chú   ý đến những gì xảy ra ở bên ngoài, những gì người khác   đang làm. Chúng ta ít khi hay chẳng bao giờ thử tìm hiểu   cấu trúc tinh thần và thể chất, những hành động và thực   tế của chúng ta. Vì vậy chúng ta không biết gì về chính   mình. Chúng ta không nhận biết được sự vô minh về chính   mình nó tai hại như thế nào, những lực lượng bên trong   bắt ta làm nô lệ cho chúng như thế nào mà chúng ta không   hề hay biết  Cái bóng tối bên trong này phải bị xóa tan đi để chúng   ta có thể hiểu được sự thật. Chúng ta phải có tuệ giác vào   bản chất của chính ta để hiểu được bản chất của sự hiện   hữu. Do đó, con đường Đức Phật chỉ ra là con đường tự xét,   tự quan sát. Ngài nói: “Trong thân xác chưa được hai mét   chiều cao này có tâm và những cảm nhận của tâm, [qua   đó] ta biết được về vũ trụ, nguồn gốc và sự kết thúc của   vũ trụ cũng như con đường dẫn đến sự kết thúc ấy.”1   Toàn   thể vũ trụ và những luật tự nhiên do vũ trụ vận hành đều   được thể nghiệm trong chính bản thân ta. Chúng chỉ có   thể được thể nghiệm trong chính ta mà thôi.  Con đường này cũng là một con đường thanh lọc. Chúng

 ta khảo sát sự thật về bản thân mình không phải vì sự tò   mò nhàn rỗi của trí óc mà là có mục đích xác định. Bằng   vào sự quan sát chính bản thân mình, chúng ta lần đầu   tiên ý thức được những phản ứng bị điều kiện hóa, những   định kiến che mờ tâm trí khiến ta không thấy được thực   tại và tạo ra đau khổ. Chúng ta nhận ra những căng thẳng   tích lũy bên trong tâm làm ta dao động, đau khổ, và ta   nhận ra rằng có thể loại bỏ chúng. Dần dần, ta học được   cách làm sao để chúng tự mất đi, và tâm ta trở nên thanh   tịnh, an bình và hạnh phúc.  Phương pháp này là một tiến trình đòi hỏi sự thực   hành liên tục. Có thể có những bước tiến vượt bực bất ngờ,   nhưng đó chỉ là kết quả của những nỗ lực lâu dài. Cần phải   tiến hành qua từng bước một; tuy nhiên, lợi ích đến ngay   trong từng bước. Chúng ta không thực hành với niềm hy   vọng chỉ có được lợi ích hay sự vui thích trong tương lai,   hoặc sau khi chết được lên một cõi trời mà hiện ở đây ta chỉ   biết đến qua sự ước đoán. Lợi ích [của sự thực hành] phải   cụ thể, sống động, dành cho chính ta, được thể nghiệm tại   đây ngay vào lúc này.  Quan trọng hơn hết, đây là một giáo huấn để thực   hành. Việc đơn thuần đặt niềm tin vào Đức Phật hay giáo   huấn của Ngài không giúp ta thoát khỏi đau khổ, và việc   nhận hiểu giáo pháp hoàn toàn qua tri thức cũng không   giúp được gì. Cả hai điều này chỉ có giá trị nếu chúng gợi   cảm hứng cho ta thực hành giáo pháp. Chỉ có thực hành   những lời Phật dạy mới mang lại kết quả cụ thể, và làm   thay đổi cuộc đời ta để tốt đẹp hơn. Đức Phật nói:  “Nếu có người tụng kinh rất nhiều mà không thực hành   lời kinh, thì cũng giống như một người chăn bò chỉ đếm bò   của người khác; người đó không được hưởng phần thưởng   cuộc sống cho người đi tìm sự thật

 Một người khác có thể chỉ tụng đọc vài ba chữ trong   kinh điển, nhưng nếu người ấy sống cuộc sống Dhamma,   bước đi trên con đường từ bước đầu cho tới đích, thì người   đó được hưởng phần thưởng cuộc sống cho người đi tìm sự   thật.”1  Con đường phải đi theo, giáo lý phải thực hành; nếu   không, đó chỉ là một bài tập vô nghĩa.  Không cần phải tự gọi mình là Phật tử mới thực hành   được giáo huấn này. Tên gọi không liên quan gì đến sự   thực hành. Đau khổ không hề phân biệt mà là phổ biến   với mọi người; bởi vậy, phương thức điều trị muốn hữu ích   phải áp dụng được như nhau cho tất cả mọi người. Pháp   này không dành riêng cho các nhà tu ẩn sĩ đã xa lìa đời   sống thế tục. Dĩ nhiên phải cần một khoảng thời gian để   học cách thực hành, nhưng sau khi đã học xong, ta phải áp   dụng vào đời sống hằng ngày. Những ai đã từ bỏ gia đình   và trách nhiệm thế tục để theo con đường này có cơ hội   luyện tập nhiều hơn, thâm nhập giáo lý sâu xa hơn, và do   đó tiến bộ nhanh hơn. Mặt khác, những người sống trong   đời với nhiều trách nhiệm khác nhau, chỉ có thời gian giới   hạn để thực tập. Nhưng dù là chủ gia đình hay sống không   gia đình, ta vẫn phải thực hành Dhamma.  Chỉ có vận dụng Dhamma mới mang lại kết quả. Nếu   đây thật sự là con đường đưa ta từ đau khổ đến bình an,   thì trong khi thực hành ta phải có hạnh phúc hơn, hòa   hợp hơn, và bình an hơn với chính mình. Đồng thời, mọi   quan hệ của ta với người khác cũng phải trở nên bình an   và hòa hợp hơn. Thay vì tăng thêm sự căng thẳng cho xã   hội, chúng ta có thể đóng góp tích cực làm tăng thêm hạnh   phúc và an bình cho mọi người. Muốn theo con đường,    chúng ta phải sống cuộc sống của Dhamma, của sự thật,   của sự thanh tịnh. Đây là phương cách đúng đắn để thực   hành giáo huấn. Thực hành Dhamma đúng đắn là nghệ   thuật sống vậy.




Vấn đáp





Câu hỏi: Thầy hay viện dẫn Đức Phật, vậy có phải thầy giảng đạo Phật không?

Thiền sư S. N. Goenka: Tôi không quan tâm đến việc   “thuộc về đạo nào”. Tôi giảng Dhamma như Đức Phật   đã giảng. Ngài chưa bao giờ dạy bất kỳ tôn giáo hay học   thuyết nào. Ngài dạy những điều mang đến lợi lạc cho con   người thuộc mọi giai cấp: một nghệ thuật sống. Bất kỳ ai   sống trong vô minh cũng đều có hại và bất kỳ ai phát triển   trí tuệ cũng đều được tốt đẹp. Bởi vậy, ai cũng có thể thực   hành pháp này và đều được lợi ích. Một tín đồ Cơ Đốc giáo   sẽ trở thành một con chiên tốt, một người Do Thái giáo,   Hồi giáo, Ấn giáo hay một Phật tử đều trở thành tín đồ   tốt của tôn giáo họ. Ta phải trở thành một người tốt, nếu   không, ta chẳng bao giờ có thể là một tín đồ tốt. Điều quan   trọng nhất là làm sao để trở thành người tốt.  Thầy nói đến điều kiện hóa. Có phải tập pháp môn này   cũng là một kiểu điều kiện hóa tâm hồn, cho dù là điều   kiện hóa tích cực?  Không đúng. Trái lại, đây là một tiến trình hóa giải   điều kiện. Thay vì áp đặt bất cứ điều gì vào tâm, phương   pháp này tự động loại bỏ những bất thiện để chỉ còn lại   những phẩm tính thiện lành, tích cực trong tâm. Khi loại   bỏ những tính xấu thì sẽ hiển lộ những phẩm tính tốt đẹp,   vốn là bản chất nền tảng của một tâm thanh tịnh.

Nhưng việc ngồi yên với tư thế nào đó trong một thời   gian và hướng sự chú tâm theo một cách nào đó chính là   một hình thức điều kiện hóa.  Nếu quý vị thực hành nó như một trò chơi, hay một   cách máy móc thì đúng là điều kiện hóa tâm. Đó là vận   dụng sai Vipassana. Khi được thực hành đúng, pháp này   sẽ giúp bạn tự mình trải nghiệm trực tiếp sự thật. Và từ   kinh nghiệm này, sự hiểu biết được phát triển một cách tự   nhiên, qua đó phá hủy mọi điều kiện trước đây.  Chỉ ngồi thiền cả ngày và quên hết chuyện đời có phải   là ích kỷ hay không?  Nếu chỉ có vậy thôi thì đúng là ích kỷ. Nhưng đây chỉ là   một phương tiện để đưa đến một kết quả hoàn toàn không   ích kỷ: Một tâm hồn lành mạnh. Khi quý vị có bệnh, quý   vị vào nhà thương để phục hồi sức khỏe. Quý vị không ở đó   cả đời mà chỉ đến đó khôi phục sức khỏe để tiếp tục sống.   Cũng vậy quý vị tham dự khóa thiền để cho tâm được lành   mạnh, nhờ vậy quý vị hành xử tốt cho chính mình và cho   người khác trong đời sống hằng ngày.  Nhìn thấy sự đau khổ của người khác mà mình sống   bình an, hạnh phúc thì có phải là vô tình hay không?  Nhạy cảm đối với đau khổ của người khác không có   nghĩa là bản thân quý vị cũng phải buồn. Thay vì vậy, quý   vị phải giữ sự bình tĩnh và quân bình để có thể hành động   xoa dịu sự đau khổ của họ. Nếu quý vị cũng buồn, quý vị   gia tăng sự đau khổ quanh mình, chẳng giúp được ai mà   cũng chẳng giúp gì cho chính mình.  Tại sao chúng ta không sống bình an?  Vì thiếu trí tuệ. Một cuộc sống thiếu trí tuệ là một cuộc   sống ảo tưởng, nó là một trạng thái dao động, đau khổ.

Trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là sống một cuộc sống   lành mạnh, hòa hợp, tốt cho chúng ta và cho tất cả mọi   người. Muốn vậy, chúng ta phải học sử dụng khả năng tự   quan sát, quan sát đúng thật.  Tại sao cần phải theo khóa thiền 10 ngày để học kỹ   thuật này?  Nếu quý vị có thể ở lâu hơn thì càng tốt. Tuy nhiên 10   ngày là thời gian tối thiểu để có thể nắm vững được những   điểm căn bản của phương pháp này.  Tại sao phải ở trong khuôn viên của khóa thiền trong   10 ngày?  Bởi vì quý vị ở đây để thực hiện một cuộc giải phẫu tâm   mình. Mỗi cuộc phẫu thuật đều phải được thực hiện ở bệnh   viện, trong phòng mổ được bảo vệ vô trùng. Ở đây, trong   khuôn viên khóa thiền quý vị có thể thực hiện cuộc phẫu   thuật mà không bị quấy nhiễu bởi những ảnh hưởng bên   ngoài. Khi khóa học chấm dứt, cuộc phẫu thuật hoàn tất, và   quý vị sẵn sàng để ra đối diện với đời.  Phương pháp này có chữa lành bệnh cho thân không?  Có, đó là kết quả phụ. Nhiều chứng bệnh tâm thần   tự nhiên mất đi khi những căng thẳng trong tâm được   giải tỏa. Nếu tâm bị dao động, thân bệnh chắc chắn phát   triển. Khi tâm trở nên thanh tịnh thì bệnh tự khắc khỏi.   Nhưng nếu mục đích của quý vị chỉ để chữa bệnh thay vì   để thanh lọc tâm thì quý vị chẳng đạt được gì cả. Tôi đã   nhận ra rằng những người theo khóa thiền để chữa bệnh   chỉ chú tâm vào bệnh của họ trong suốt khóa thiền: “Hôm   nay bệnh có bớt không? Không, không khá hơn... Hôm nay   bệnh có giảm đi không? Không, không giảm đi !” Họ phí cả   10 ngày như vậy. Nhưng nếu ý định chỉ là thanh lọc tâm,   thì nhiều căn bệnh sẽ tự động khỏi do kết quả của thiền.

Theo thầy thì mục đích của cuộc đời là gì?  Là thoát khỏi khổ đau. Con người có khả năng tuyệt   diệu để vào sâu bên trong, quan sát thực tại và thoát khỏi   khổ đau. Không dùng khả năng này là phí phạm cuộc đời.   Hãy dùng nó để sống một đời sống thực sự khỏe mạnh và   hạnh phúc!  Thiền sư nói đến trường hợp bị chế ngự bởi tiêu cực, thế   còn khi bị chế ngự bởi sự tích cực thì sao, chẳng hạn như   tình yêu?  Cái mà bạn gọi là “tích cực” là bản chất thật sự của   tâm. Khi tâm không còn bị điều kiện hóa thì nó luôn luôn   tràn đầy tình thương - tình thương thanh tịnh - và bạn   cảm thấy bình an và hạnh phúc. Nếu bạn loại bỏ tiêu cực   thì còn lại tích cực, còn lại sự thanh tịnh. Hãy để cho cả thế   giới tràn ngập sự tích cực này.



Bước Đi Trên Con Đường


Đức Phật mỉm cười và nói: “Này anh thanh niên, anh sống ở đâu? Quê anh ở đâu?”

“Bạch Ngài, con sống ở đây, thành Savatthi, thủ phủ của Kosala.”
“Phải, nhưng vẻ mặt anh cho thấy anh không phải là người ở đây. Quê anh ở đâu?
“Bạch Ngài, ở Rajagaha, thủ phủ của Magadha. Con đến sinh sống ở đây từ mấy năm nay rồi.”
“Thế anh có cắt đứt mọi liên lạc với Rajagaha không?”
“Bạch Ngài không. Con còn họ hàng, bạn bè, cơ sở làm ăn ở đó.”
“Vậy chắc là anh phải đi về Rajagaha luôn chứ?”
“Bạch Ngài, phải. Hằng năm con trở về Rajagaha nhiều ần.”
“Cứ đi đi lại lại nhiều lần như thế, chắc anh biết rõ con đường chứ?”
“Ồ, bạch Ngài, phải. Con biết rõ lắm. Dù cho có bịt mắt ại con cũng tìm được tới Rajagaha, vì con đã đi lại đường này nhiều lần.”
“Và bạn anh, những người biết rõ anh chắn chắn họ phải biết anh từ Rajagaha tới lập nghiệp ở đây? Họ phải biết anh thường đi Rajagaha và trở lại, và anh biết rõ đường từ đây đến Rajagaha?
“Ồ, bạch Ngài, phải. Những người thân cận với con đều biết con hay đi Rajagaha và biết rõ đường đi.”
“Vậy chắc chắn phải có người đến hỏi anh đường đi đến Rajagaha. Anh có giấu họ không hay anh chỉ rõ cho họ đường đi?”
“Bạch Ngài, có gì mà phải giấu. Con hết lòng chỉ cho họ. Bắt đầu hãy đi về hướng Đông rồi hướng về phía Banaras, và tiếp tục đi tới Gaya, rồi Rajagaha. Con giải thích rất rõ cho họ.”

“Và tất cả những người anh chỉ đường có đều đến được Rajagaha không?”
“Làm sao có thể được thưa Ngài? Chỉ những người nào đi hết đường thì sẽ tới Rajagaha.”
“Này chàng thanh niên, đó là những gì ta muốn giảng cho anh. Mọi người tiếp tục đến với ta, biết rằng đây là một người đã đi từ đây đến Nibbana (Niết-bàn) và biết rõ đường này. Họ tới và hỏi: Đường nào tới Nibbana, tới giải thoát? Và có gì đâu để giấu giếm. Ta giảng cho họ rất rõ ràng: ‘Đây là con đường.’ Nếu có người gật đầu và nói: ‘Nói hay lắm, con đường tốt nhưng tôi không bước đi trên đó; một con đường kỳ diệu nhưng tôi không muốn nhọc mình bước đi’,
làm sao người đó đến đích được?
“Ta không vác ai trên vai để đưa họ tới đích. Không ai có thể vác người khác trên vai để mang người đó tới đích. Cùng lắm, với lòng từ ái người đó có thể nói: Này, đây là con đường, và tôi đã đi trên đó như thế nào. Quý vị cũng phải luyện tập, cũng phải tự mình bước đi và sẽ tới đích. Mỗi người phải tự mình đi, tự mình bước. Người bước một bước sẽ gần đích hơn một bước. Người bước một trăm bước sẽ gần đích hơn một trăm bước. Người đã đi hết mọi bước thì đến đích cuối cùng. Quý vị phải tự mình bước đi trên con đường.”