Viết quảng cáo bán hàng – ngay cả khi bạn không biết viết gì!

10 bí mật về cách sử dụng ngôn từ khiến khách hàng mua hàng mà không cần bạn phải là chuyên gia viết quảng cáo

Nội dung chính



Viết quảng cáo bán hàng – ngay cả khi bạn không biết viết gì!

CHƯƠNG I: KIẾN THỨC CĂN BẢN

“Tôi không sợ những kẻ tập một lần 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ những kẻ tập 10.000 lần một cú đá”
― Bruce Lee


KIẾN THỨC CĂN BẢN: XÂY DỰNG NỀN MÓNG

Trước khi chúng ta đi sâu vào từng công thức quảng cáo hiệu quả và tôi đưa cho bạn những biểu mẫu bạn cần, có một số “mẹo” viết lách bạn nên biết. Những “mẹo” này nếu được sử dụng kết hợp với quy trình viết quảng cáo của tôi, sẽ dễ dàng giúp bạn NHÂN ĐÔI tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng.
Mặc dù tôi đã hoàn thành mọi thứ có thể để khiến cho quy trình viết trang bán hàng nhẹ nhàng hết mức bằng việc sẽ đưa cho bạn những biểu mẫu, những công thức, nhưng những mẹo này là cần thiết cho bạn. Luôn nhớ điều này: tỷ lệ chuyển đổi (sự thành công của bạn) sẽ phụ thuộc vào nội dung / từ ngữ bạn sử dụng để biến những công thức bạn học được ở đây thành một điều gì đó thúc đẩy khách hàng tiềm năng hành động. Nếu những gì bạn viết ra tồi tệ giống như những kẻ nói chuyện buồn tẻ khác, bạn sẽ khiến khách hàng tiềm năng của mình buồn ngủ… cho dù công thức tôi đưa cho bạn có hiệu quả đến mức nào đi nữa. Hiểu chứ? Tốt.
Tiếp tục nào…
Tin tốt là không cần phải tốn quá nhiều công sức để chuyển hóa một bài viết “buồn tẻ” thành một bài viết khiến người đọc tràn đầy cảm xúc, không muốn rời mắt và khiến họ bấm ngay vào nút mua hàng khi chạm đến điểm bùng phát. Nhân tiện đây, khi nói đến kỹ năng viết, ý tôi không phải là ngữ pháp và chính tả. Mà ý tôi là kỹ năng viết khiến khách hàng mua hàng.
Thực tế thì sau khi bạn hoàn thành một thông điệp bán hàng thuyết phục, bạn cần kiểm tra lỗi chính tả, kiểm tra ngữ pháp, dấu chấm, dấu phẩy xem đã đúng chưa. Cố gắng làm cho bài viết càng dễ đọc bao nhiêu, thì tỷ lệ mua hàng càng được đảm bảo bấy nhiêu. Nếu không, bạn sẽ chỉ nhận được cực kỳ ít đơn hàng.
Nhân tiện đây, có thể bạn sẽ hỏi: “Này Hiệp, những thứ bạn dạy tôi ở đây có dùng được cho kịch bản video bán hàng không?”. Câu trả lời là: TẤT NHIÊN LÀ CÓ RỒI. Trong thực tế, những kỹ năng này thậm chí còn rất quan trọng khi bạn tạo ra những video bán hàng. Những kỹ năng này đảm bảo rằng người xem không thể nào tua nhanh video được, bởi vì họ sẽ muốn nghe từng từ bạn nói, như thể bị thôi miên vậy.
Bạn hiểu chứ? Tốt. Hãy bắt đầu với nguyên tắc #1…

KIẾN THỨC CĂN BẢN RULE#1: VIẾT MÀ KHÔNG CẦN PHẢI DỪNG LẠI NGHĨ

Cảm ơn nhà trường, giáo viên và hệ thống giáo dục. Cảm ơn vì đã có những bài kiểm tra văn, ở đó chúng ta được yêu cầu phải thực hiện 2 nhiệm vụ cùng một lúc… trong khi thực tế thì 2 nhiệm vụ đó không thể nào làm đồng thời được. Bạn có biết 2 nhiệm vụ đó là gì không? Nếu bạn biết thì bạn đã giỏi hơn tôi rất nhiều rồi. Đùa vậy thôi. Hãy để tôi nói cho bạn biết rõ hơn 2 nhiệm vụ quan trọng của việc viết lách. Trước khi xuất bản bất cứ một thông điệp bán hàng hoặc một bài  viết nào, bạn phải thực hiện 2 nhiệm vụ này một cách riêng biệt, vào thời gian khác nhau để đảm bảo rằng chúng hiệu quả. Và 2 nhiệm vụ quan trọng đó là:
  1. Viết
  2. Sửa
Đó là 2 nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, và cần phải ở 2 trạng thái hoàn toàn khác nhau để thực hiện chúng hiệu quả. Ấy vậy mà ở trường học, chúng ta cần phải làm 2 nhiệm vụ đó cùng một lúc trong bài tập làm văn. Thật tuyệt.
Viết là một công việc sáng tạo, nó đòi hỏi tâm trí của bạn trong trạng thái “tuôn chảy” và để cho từ ngữ đi ra một cách tự nhiên từ tiềm thức. Sửa, đòi hỏi một tâm trí hoàn toàn ngược lại với sáng tạo, bạn cần phải tuân theo luật và phải cố gắng loại bỏ những từ “không” cần thiết. Không thể nào có được trạng thái “tuôn chảy” để viết, nếu như bạn liên tục bị ngắt quãng và nghĩ về việc chỉnh sửa từng từ, từng câu được.
Đó là lý do tại sao trước đây, mỗi khi bạn phải viết một thông điệp quảng cáo nào đó… bạn viết những câu đầu tiên… sau đó bạn đọc lại những gì bạn vừa viết, nhưng bạn không thích nó. Thế rồi bạn chỉnh sửa, sau đó nghĩ ra từ ngữ tốt hơn… Rồi đọc, đọc, suy nghĩ. Không, từ này không phù hợp. Xóa. Xóa. Xóa. Xóa…. Và cuối cùng, kết quả bạn nhận được lại chính là nơi bạn bắt đầu. Không có bất cứ một câu nào được viết ra. Hơn nữa, bạn lại mất đi sự tự tin vào khả năng viết của mình.
Làm 2 việc viết, sửa cùng một lúc sẽ giết chết khả năng sáng tạo của bạn, khiến bài viết của bạn trở nên ngu ngốc, buồn chán và không có sức sống. Vì vậy, để có được trạng thái “tuôn chảy”, hãy thực hiện 2 điều đơn giản sau:
  1. Mặc kệ lỗi sai
Thậm chí nếu bạn nhận ra bạn vừa đánh máy hoặc viết sai chính tả, hoặc bạn vừa đặt sai dấu phẩy… bạn cần phải huấn luyện bản thân mình để có thể bỏ qua những lỗi đó. Điều này là khá khó khăn trong những lần đầu tiên, nhưng nó sẽ chuyển hóa cách viết của bạn và đưa tâm trí của bạn vào trạng thái “tuôn chảy” để viết hay hơn.
  1. Viết NHANH
Hãy để tay bạn di chuyển thật nhanh, đánh máy nhanh, gần như bằng cách sử dụng tiềm thức vậy… và đừng sợ phải viết ra quá nhiều chữ không hợp với những gì bạn muốn nói, những thứ đó bạn sẽ chỉnh sửa sau. Như vậy sẽ làm bạn viết thông điệp bán hàng một cách dễ dàng hơn.
Chỉ thế thôi…
Chỉ với những kỹ năng này cũng sẽ khiến cho bạn viết thông điệp bán hàng hay hơn, đầy năng lượng, đam mê và nhiệt huyết hơn. Và tất nhiên, người đọc sẽ cảm nhận được những điều đó. Đây chính là chìa khóa để khiến cho khả năng viết quảng cáo của bạn được nâng cao… thậm chí ngay cả khi trước đó bạn không hề có một chút tài năng viết lách nào.

KIẾN THỨC CĂN BẢN RULE#2: VIẾT ĐƠN GIẢN VÀ DỄ HIỂU

Khi khách hàng đọc bài viết bán hàng của bạn, bạn phải nhớ rằng có đến 1001 lý do và tác động ở xung quanh anh ta khiến anh ta không tập trung. Sự quan tâm của khách hàng không đặt hoàn toàn 100% ở website hay thư bán hàng của bạn, vì vậy bài viết của bạn PHẢI dễ đọc, dễ hiểu, và rõ ràng hết mức có thể… thậm chí có thể hiểu được ngay cả khi họ không chú ý 100%.
Nếu bạn làm cho khách hàng tiềm năng bối rối, chỉ một lần thôi, bạn sẽ mất anh ta. Hãy giữ điều đó trong tâm trí, bài viết của bạn cần phải rõ ràng và nói đúng điều muốn nói. Nói theo một cách khác, đến người ngốc nhất cũng có thể hiểu được. Để làm được điều đó, chỉ cần thực hiện 3 bước đơn giản sau đây:
  1. Sử dụng từ ngắn, đơn giản, từ ngữ dễ hiểu.
Điều này thực sự tạo ra sự khác biệt rất lớn. Nó thậm chí còn quan trọng hơn cả việc bạn dành một khoảng thời gian dài để thuyết minh về sản phẩm của mình.
  1. Dùng câu ngắn
Mỗi một câu nên thể hiện duy nhất một ý. Nếu bạn cố gắng viết một câu quá dài, điều đó sẽ khiến khách hàng mệt mỏi, cảm thấy khó hiểu… và làm giảm tỷ lệ mua hàng của bạn. Như một nguyên tắc, không bao giờ viết một câu dài quá 3 dòng. Nếu bạn thấy một câu nào đó quá 3 dòng, đừng lo lắng… chỉ cần cứ tiếp tục viết. Đến khi chỉnh sửa, hãy nghĩ ra những câu ngắn hơn nhưng cũng mang ý nghĩa tương tự, hoặc chia nhỏ câu dài thành nhiều câu ngắn.
  1. Đoạn ngắn
Đoạn dài sẽ làm cho 99% người đọc chán nản.
Đặc biệt trong môi trường online, nơi mà có rất nhiều phương tiện như video, audio… người đọc đã chán với việc đọc một đoạn văn dài như trong sách giáo trình đại học rồi. Giữ cho đoạn văn của bạn ngắn.
Ghi nhớ điều này, mỗi đoạn văn của bạn không nên vượt quá 3 – 4 câu. Đồng thời, hãy trình bày đoạn văn sao cho thật dễ nhìn, dùng viết nghiêng, gạch chân, bôi đậm để thực hiện việc đó. Hoặc viết một đoạn văn thật dễ hiểu. Giống như thế này.
Bạn hiểu hết chưa?
Thật không?
Bạn ghi nhớ rồi chứ?
  1. Bây giờ, hãy tiếp tục với nguyên tắc thứ #3…

KIẾN THỨC CĂN BẢN RULE #3: BIẾT KHÁCH HÀNG CỦA BẠN LÀ AI

Khách hàng tiềm năng của bạn thực sự muốn gì? Họ sợ điều gì?
Điều gì khiến họ chán nản hoặc gặp vấn đề mỗi ngày?
Họ đổ lỗi cho vấn đề nào của họ? Thông tin nhân khẩu học căn bản (tuổi, giới tính, thu nhập…)của họ?
Cuộc sống của họ sẽ thay đổi như thế nào sau khi dùng sản phẩm mà bạn cung cấp?
NOTE: Một khi bạn có những thông tin đó, hãy lấy một tờ giấy trắng và trả lời những câu hỏi bên trên.
Lấy câu trả lời, ví dụ “Trải nghiệm tồi tệ mà khách hàng của tôi gặp phải mỗi ngày”, sau đó viết một đoạn đơn giản cho mỗi câu trả lời và giải thích sản phẩm của bạn sẽ giúp họ vượt qua vấn đề đó như thế nào.
Làm tương tự với các phần sau:
Sản phẩm của bạn sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho họ?
Tại sao sản phẩm của bạn lại hiệu quả với những nhóm người thuộc nhân khẩu học mà bạn nhắm tới?
Tại sao sản phẩm của bạn sẽ giúp được họ vượt qua vấn đề mà họ đang gặp phải?
Ví dụ, tôi sẽ viết thế này nếu tôi bán sản phẩm giảm cân: “Bằng việc sử dụng công thức khỏe mạnh tự nhiên này, bạn sẽ có khả năng gạt bỏ ngay lập tức những loại thuốc đắt tiền nhưng không hiệu quả mà bạn đang sử dụng.
Đoán xem, điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền, thậm chí, bạn không phải đối mặt với nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc.” Nếu bạn không có
những thông tin đó TRƯỚC KHI bạn bắt đầu viết, và nếu câu tiêu đề cùng với đoạn mở đầu thông điệp bán hàng của bạn không dựa trên những nghiên cứu đó, sẽ KHÔNG CÓ cách nào để bạn thu hút được sự chú ý của họ… hoặc không thể bán được hàng.
Những thông tin đó cũng là nền tảng về nội dung cho trang bán hàng của bạn, thậm chí nó còn là một mẫu thông điệp được viết sẵn cho bạn trước khi bạn bắt đầu. Bạn cần phải viết tất cả những thông tin đó ra theo dạng danh sách và đọc chúng ít nhất hai đến ba lần trước khi bạn làm bất cứ điều gì trong quy trình viết.
Đồng thời, hãy luôn giữ và bám theo những thông tin đó trong toàn bộ bài viết của bạn. Thậm chí nếu bạn có khả năng viết một thông điệp bán hàng tuyệt vời, và dùng tất cả những công thức, biểu mẫu hiệu quả mà tôi sẽ dạy bạn… thì thông điệp đó cũng sẽ KHÔNG HIỆU QUẢ nếu bạn không làm theo quy trình trên để hiểu rõ khách hàng.
Tôi biết việc dành thời gian để nghiên cứu sẽ rất tẻ nhạt, nhưng một khi bạn đã nghiên cứu rõ ràng đối tượng cần nhắm tới, công việc viết lách sẽ chỉ còn lại 40%. Và hơn nữa, bạn sẽ sở hữu một thông điệp bán hàng thực sự… BÁN ĐƯỢC HÀNG. Tôi đã từng viết quảng cáo cho một trang web để thu thập thông tin khách hàng tiềm năng.
Sau khi test khoảng 500 lượt truy cập, tôi bắt tay vào viết lại, và thông điệp chỉ nhắm đến đối tượng để lại thông tin nhiều nhất trong 500 lượt truy cập đó.
Bạn biết không, tỷ lệ để lại thông tin cho tôi tăng lên gấp hai lần (chắc chắn rồi, điều đó khiến cho thu nhập của tôi tăng lên…)
Hãy đảm bảo rằng bạn hoàn thành bước này trước khi bắt đầu viết thông điệp bán hàng của bạn. Như bạn có thể thấy, trong công việc của mình, tôi thường dùng công thức có sẵn cho gần như tất cả mọi thứ. Tôi có công thức cho việc viết trang bán hàng, viết email, viết kịch bản video… Bất kể là gì.
Ngay bây giờ, tôi muốn bạn nắm được ý tưởng của việc sử dụng công thức có sẵn… để đến khi tôi đưa cho bạn công thức, bạn sẽ biết ứng dụng chúng một cách hiệu quả nhất cho tất cả những thông điệp bán hàng mà bạn viết.
Trước khi đi vào từng công thức, hãy cùng nhau bàn về sự bế tắc khi viết. Sự bế tắc xảy ra khi bạn bắt đầu một dự án mới hoặc bạn bế tắc ở một điểm nào đó, và không biết tiếp theo sẽ phải viết gì. Tôi sẽ giải quyết cả hai vấn đề đó.
Đầu tiên, vấn đề chính là việc bạn bắt đầu viết từ đầu với một trang giấy trắng mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Đáng lẽ ra, bạn không nên bắt đầu từ tay trắng… Bạn lẽ ra phải luôn có sẵn bảng nghiên cứu đã chuẩn bị ở bước trước. Nó sẽ cho bạn rất nhiều ý tưởng và thông tin để bắt đầu.
Đồng thời, khi viết trang bán hàng, bạn phải luôn luôn thống nhất thông điệp với những gì bạn đang quảng cáo.

KIẾN THỨC CĂN BẢN: SỬ DỤNG CÔNG THỨC – CÁCH DỄ DÀNG ĐỂ VIẾT THẬM CHÍ NGAY CẢ KHI BẠN KHÔNG BIẾT VIẾT GÌ


Kết hợp những gì đã nghiên cứu về khách hàng với những công thức viết tiêu đề hiệu quả mà tôi sắp hướng dẫn bạn sẽ giúp bạn có được tiêu đề tuyệt vời cho thông điệp bán hàng. Khi bạn đã có bước đi đầu tiên đó, trạng thái “tuôn chảy” bắt đầu được kích hoạt.
Trong câu đầu tiên sau tiêu đề, bạn đơn giản chỉ cần giải thích rõ ý nghĩa của tiêu đề và lợi ích họ nhận được một khi họ sử dụng sản phẩm (tôi sẽ đưa cho bạn công thức), và rồi… lại tiếp tục sử dụng công thức tôi đưa cho bạn để khiến cho quy trình viết thông điệp bán hàng gần như tự động.
Nhưng, nếu tôi bị bế tắc thì sao?
Khi viết lách bình thường (không sử dụng công thức), não của bạn sẽ có đôi lúc thoát ra khỏi trạng thái “tuôn chảy” trong một khoảng thời gian.
Điều đó có nghĩa là bạn có thể nằm ngoài trạng thái “tuôn chảy” trong một giờ, một ngày, một tuần, hoặc cũng có thể là một tháng. Nó dẫn bạn đến  trạng thái không biết bước tiếp theo phải làm gì hoặc viết tiếp điều gì. Tình huống đó sẽ không thể nào xảy ra nếu bạn sử dụng công thức có sẵn.
Tại sao?
Bởi vì bạn luôn luôn biết tiếp theo phải nói gì, bạn cứ thế tự nhiên viết các bước tiếp theo theo cấu trúc mà tôi đã vẽ ra cho bạn. Thậm chí nếu bạn “gặp bế tắc” trong bất kỳ giai đoạn nào… tất cả những điều bạn cần làm là bỏ qua giai đoạn đó (tạm thời), và chuyển đến phần tiếp theo.
Thường thì, bằng việc bỏ qua giai đoạn đó và  tiếp tục viết, một ý tưởng tuyệt vời sẽ xuất hiện và bạn sẽ hoàn thành được giai đoạn vừa bỏ qua.
Tại Sao Hầu Hết Mọi Người HOÀN TOÀN Phát Điên Khi Sử Dụng Công Thức Có Sẵn?
Công thức không phải là một nguyên tắc hay luật lệ nào cả, hãy ghi nhớ điều đó. Tôi thích nghĩ về những công thức giống như là “bộ khung linh hoạt” , điều đó có nghĩa là chúng có thể thay đổi đôi chút, và nếu phần nào không phù hợp với những gì bạn đang bán… HÃY BỎ NÓ ĐI.
Tôi đã thấy rất nhiều người ngượng nghịu sử dụng công thức một cách máy móc để rồi làm hỏng cả một thông điệp bán hàng. Vì thế, đừng làm giống họ. Nếu bất cứ phần nào trong công thức mà tôi hướng dẫn bạn không phù hợp, hãy mạnh dạn bỏ qua.
Bây giờ khi bạn đã có nền tảng để viết quảng cáo hiệu quả, hãy sẵn sàng để bắt đầu với những công thức có sẵn tôi chuẩn bị đưa cho bạn ở Chương #2.

CHƯƠNG II – Một quy trình bán hàng hiệu quả


Ứng dụng mô hình AIDA: Hướng dẫn chi tiết công thức viết thư chào hàng

Sau nhiều năm luyện tập viết thư bán hàng cho rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, tôi tin rằng tôi đã khám phá ra được công thức viết quảng cáo và thư bán hàng đem lại doanh số khổng lồ, áp dụng được với hầu hết các nhóm đối tượng.
Thay vì ngồi phỏng đoán, tôi đã tự thử nghiệm để tìm ra công thức này.
Đây là cách nhanh nhất giúp bạn viết được những bức thư đắt giá mà KHÔNG cần phải trở thành một “copywriter” chuyên nghiệp.
Dưới đây là sườn nội dung trong bức thư của tôi:
  • Tiêu đề
  • Tiêu đề phụ
  • Kể câu chuyện
  • Giới thiệu Giải pháp/ Sản phẩm với những “Tuyên bố về Giá trị của sản phẩm”
  • Nêu lợi ích: đưa ra hàng loạt lợi ích của sản phẩm
  • Xây dựng giá trị
  • Quà tặng thêm
  • Cam kết
  • Kết luận
  • PS
  • (TÙY CHỌN) A.Q.
Bạn ấn tượng? Háo hức?
Sao cũng được. Điều đó không quan trọng.
Điều THỰC SỰ quan trọng ở đây là công thức này sẽ giúp bạn giàu có, và có thể giúp bạn gửi cả “tấn”  nội dung cho khách hàng của mình.
Bây giờ bạn đã biết công thức, tôi sẽ hướng dẫn bạn từng bước để “tự động hóa” được quy trình này như cách tôi đã làm!
CÙNG BẮT ĐẦU NÀO!

CHƯƠNG III – Tiêu đề

Viết tiêu đề

Cách viết tiêu đề hấp dẫn không thể cưỡng lại chỉ trong vòng 30 phút
Nói thật với bạn.
Tôi là một con mọt sách.
Một con mọt sách về bán hàng và tâm lý học, thực sự là như vậy!
Đơn giản là tôi thích đọc và nghiên cứu về tâm lý con người… đặc biệt là tất cả những thứ làm cho người ta mua hàng.
Chắc bạn đã từng nghe câu nói này, “bạn không bao giờ có được cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên”, mà cả hai chúng ta đều biết là hoàn toàn đúng.
Hãy tự lấy bạn làm ví dụ…
Trong vòng 3 giây gặp gỡ một ai đó… bạn sẽ biết chắc chắn rằng bạn có thích họ hay không.
Bạn sẽ biết được tính cách của bạn có hợp với họ không, và họ có phải là kiểu người mà bạn có thể hòa hợp được hay không. Đó được gọi là “ấn tượng ban đầu”.
“Ấn tượng ban đầu” không chỉ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày… sau cả tá lần kiểm tra và thống kê từ website của tôi… tôi xin giới thiệu với các bạn một thuật ngữ mang tên…
Khoảnh khắc mua hàng
Cứ bình tĩnh. Việc hiểu được khái niệm này sẽ giúp việc viết nội dung của bạn trở nên ít áp lực hơn rất nhiều… và… hiệu quả hơn RẤT NHIỀU.
Ngoài ra, nếu bạn đã sở hữu một mẫu thư bán hàng trực tuyến khá tốt… nhưng nó không mang lại nhiều doanh thu như bạn kỳ vọng… thì bằng cách sử dụng bí mật “khoảnh khắc bán hàng” của tôi… bạn sẽ có thể biến đổi nội dung đó trong một vài giờ và cả những nội dung bán hàng khác bạn viết từ bây giờ trở đi, để mang lại tỉ lệ chuyển đổi cao hơn RẤT NHIỀU…
Bí mật này thực ra rất đơn giản.
Tất cả đều tập trung ở điểm này. Khi bạn truy cập một trang web, hoặc bấm vào link trong một email và truy cập vào một trang web… trong vòng khoảng 3 giây đầu tiên trên trang web đó… bạn ĐÃ biết được bạn có muốn mua sản phẩm đó hay không, trước khi bạn biết nội dung được chào bán.
Tôi nhận thấy điều này do chính những trải nghiệm của bản thân mình, đặc biệt khi tôi mua hàng ONLINE (với off-line thì tôi vẫn cân nhắc lâu hơn [ít nhất một vài phút] về việc chi tiêu khoảng 1 triệu đồng trở lên… nhưng khi mua hàng online, với các sản phẩm dưới 1 triệu đồng… Chỉ trong 1 vài giây là tôi đã biết được mình có mua nó hay không… và… trừ khi giá sản phẩm thực sự quá rẻ hoặc nội dung quảng cáo khơi gợi được hứng thú của tôi về những gì tôi sắp mua, thì tôi mới có khả năng mua sản phẩm đó).
Điều này càng thể hiện rõ hơn khi tôi cài đặt các phần mềm theo dõi phản hồi từ khách hàng trên trang web. Sau khi bắt đầu để ý thấy “hiện tượng” này, tôi quyết định mình cần phải tìm ra một cách để “kỹ thuật hóa” hiệu ứng này trên tất cả các trang web của tôi khiến nó mang lại nhiều doanh thu nhất.
Điều đầu tiên bạn cần hiểu là, nếu người ta mất 3 giây để quyết định có mua sản phẩm của bạn hay không, thì họ chỉ có đủ thời gian để đọc tiêu đề và câu mở đầu của bạn. Đây là cơ hội duy nhất của bạn. Bạn cần phải cho họ thấy được rằng sản phẩm mà bạn cung cấp mang lại cho họ những lợi ích mà họ muốn/ hoặc giải quyết rắc rối mà họ đang gặp phải trước khi họ đưa ra quyết định rời đi hay ở lại trang của bạn.
Điều này có nghĩa là tiêu đề của bạn và câu mở đầu KHÔNG đủ thời gian để tỏ ra thông minh, dễ thương hay quá dài dòng.
Bạn cần phải đi vào vấn đề NGAY LẬP TỨC.
Quyết định để “ở lại” là một cam kết cực lớn khi bán hàng online, và nếu bạn có thể làm được điều đó… tỉ lệ chuyển đổi của bạn sẽ tăng theo cấp số nhân.
Bạn thấy những gì tôi nói có hợp lý không? Hợp lý.
Tốt.
Vậy, làm thế nào để chúng ta áp dụng điều này nhằm đạt được tỉ lệ chuyển đổi tuyệt vời… ngay cả khi nội dung phần còn lại không đạt “chất lượng cao”!
Rất đơn giản. Hãy dành 50% thời gian của bạn khi viết quảng cáo bán hàng cho dòng tiêu đề và đoạn mở đầu.
Nếu bạn định dùng 4 tiếng để viết một bức thư bán hàng… hãy dành ít nhất 2 giờ cho tiêu đề và phần mở đầu, số giờ tương tự cho phần còn lại của bài quảng cáo.
Đây là phần duy nhất trong toàn bộ quy trình mà việc “cân nhắc câu chữ” THỰC SỰ quan trọng. Bạn nên nghĩ khoảng 10-20 cách (tối thiểu) để mở đầu thư của bạn trước khi quyết định dùng cái nào.
Tôi biết điều đó nghe có vẻ không ổn và việc dành phần lớn thời gian của bạn cho phần nội dung chỉ chiếm một số lượng từ rất nhỏ là vô lý, nhưng hãy tin và thử áp dụng phương pháp này khi viết lá thư bán hàng tiếp theo của bạn.
Sau khi bạn chắc chắn mình đã viết được tiêu đề và đoạn mở đầu hấp dẫn, việc viết phần còn lại của thông điệp bán hàng sẽ cứ xuôi theo dòng chảy đó một cách dễ dàng.
Nó sẽ đưa bạn vào “nhịp điệu”, nơi từ ngữ cứ thế tuôn chảy mà không cần phải suy nghĩ nhiều.
Dưới đây là một lưu ý rất quan trọng về cách viết tiêu đề:
ĐỪNG cố gắng thu hút “Sự chú ý Chung Chung”
Những tiêu đề hấp dẫn nhất là những dòng tiêu đề khiến 95% người xem không thể không quan tâm đến… nhưng vẫn thực sự hướng tới các thị trường ngách nhỏ bạn đang nhắm mục tiêu.
Có 4 phần để tạo nên một tiêu đề có sức mạnh phi thường.
  • Mối quan tâm cá nhân
  • Tin tức
  • Tò mò
  • Nhanh chóng, tiện lợi
Tiêu đề của bạn càng nhiều chi tiết, hiệu quả của nó càng cao. Bạn sẽ mất thời gian để tìm được tiêu đề ưng ý. Phải mất một vài phút hoặc mất 10-20 tiêu đề thì tâm trí của bạn mới có thể nới lỏng, và sau đó bạn sẽ bắt đầu viết tốt.
Đối với bán hàng Online, có 2 thứ thu hút nhất là Lợi ích cá nhân (những gì tôi nhận được/những gì tôi có thể tránh) và, một “cách dễ dàng, nhanh chóng để”(chỉ trong 7 ngày hoặc ít hơn/ ngay cả khi không có kinh nghiệm trước đó, vv)… thủ thuật ở đây là phải tìm được những cách thức mới để nói về những điều tương tự nhau, biến lời hứa của bạn thành một thứ độc nhất.
Đừng khiến nó quá lộ liễu. Bạn không thể chỉ nói: “Thông báo! Làm thế nào để… nhanh chóng và dễ dàng với bí mật này”
Người ta đã nói cả tỉ lần như vậy, và nó giống như kiểu một marketer đang cố quảng cáo sản phẩm của mình.
Nếu bạn đang thực sự gặp khó khăn, hãy dùng luôn tên sản phẩm của bạn làm tiêu đề… đặc biệt nếu đó là tên một thương hiệu. Sau đó sử dụng câu đầu tiên làm tiêu đề.
BÍ KÍP TRIỆU ĐÔ: Sử dụng các từ và ngôn ngữ mà khách hàng của bạn đang sử dụng.
Đừng chỉ sử dụng “ngôn ngữ tiếp thị” hoặc “ngôn ngữ kỹ thuật” đối với khách hàng mục tiêu của bạn. Hãy sử dụng các từ mà khách hàng tiềm năng của bạn sẽ sử dụng để mô tả sự vật. Luôn luôn có một cách nói khác hoặc “bắt chước” cách nói của họ giúp họ dễ hiểu hơn.
Những nghiên cứu trước đây của bạn sẽ rất hữu ích vào thời điểm này.
Đánh vào đúng nỗi sợ hãi lớn nhất, nỗi thất vọng lớn nhất và những thứ họ muốn nghe nhất để đưa vào mẫu “Tôi sắp cung cấp cho bạn”. Tôi sẽ cho bạn xem các ví dụ để bạn có thể hiểu cách làm thế nào để thực sự áp dụng nguyên tắc này vào sản phẩm/ dịch vụ của bạn.
Nếu bạn có USP – điểm bán hàng đặc biệt… hãy luôn đề cập nó trong tiêu đề của bạn.
Các tiêu đề chung chung có thể tạo cảm giác giống như một marketer mới vào nghề hoặc không hiểu về sản phẩm, và không còn thu hút được sự chú ý của khách hàng tiềm năng nữa.
Bạn CẦN phải đề xuất một thứ gì đó khác biệt để thu hút được sự chú ý.
Cách tốt nhất để làm điều này là nhìn vào top 10 trang web đang cạnh tranh với bạn, và tìm ra điều mình có thể chọn làm USP của bản thân.
Tôi biết các chỉ dẫn này không cụ thể, nhưng đó là cách duy nhất nó có thể được thực hiện! (Tôi sẽ xoáy sâu hơn vào điểm khác biệt USP của tôi trong email của tôi với bạn trong vài tuần tới).

Mẫu tiêu đề: Công thức #1 – Đây rồi!

Công thức này hiệu quả khi bạn đang nhắm tới một ngành mà không có sẵn một giải pháp nào “phổ biến”. Ví dụ, nếu bạn có phương thuốc chữa trị cho một vấn đề sức khỏe được cho là không thể chữa được, thì sẽ là lý tưởng nhất.
Một trường hợp khác có thể áp dụng tiêu đề này là khi sản phẩm của bạn là duy nhất, hoặc khác biệt với HẦU HẾT các sản phẩm còn lại (không nhất thiết phải tất cả) trên thị trường. Nếu không có một Điểm bán hàng độc nhất (USP), thì ít nhất cũng phải có một điểm nào đó khác biệt. Tốt nhất, nó nên là một thứ khách hàng đang tìm kiếm.
Một ví dụ áp dụng cho tiêu đề này là khi một phần mềm cập nhật tính năng mới, và người ta chưa thực sự biết làm thế nào để sử dụng nó. Bạn có một thông tin cho thấy tính năng này giúp giải quyết “nhanh chóng, dễ dàng” để có được kết quả nào đó. Bạn có thể sử dụng kiểu tiêu đề này “Đây rồi! Thật dễ dàng để…”.
Ngoài ra, nếu bạn đang hướng dẫn cách làm một điều gì đó bằng một phương pháp khác với thông thường, hoặc hệ thống hay phương pháp mà bạn đang áp dụng có một yếu tố khiến mọi người hài lòng… thì đó là trường hợp rất thích hợp để sử dụng tiêu đề này. Dưới đây là một ví dụ vô cùng đơn giản: “Đây rồi! Làm thế nào để giảm 12kg mà không cần ăn kiêng… Đảm bảo 100%!”
  • Đây rồi! Cách trị hói vô cùng hiệu quả… Đã được kiểm chứng
  • Đây rồi! Cách khiến phụ nữ bị thu hút bởi BẠN!
  • Đây rồi! Phương pháp viết nội dung quảng cáo thu hút – cho dù bạn không phải là một Copywriter chuyên nghiệp!
  • Đây rồi! Hệ thống Marketing đảm bảo cho bạn có thu nhập cả ngàn đô mỗi tháng.
Mẫu tiêu đề: Công thức #2 – Làm cách nào mà/ Làm thế nào để
Đây có lẽ là mẫu tiêu đề KINH ĐIỂN NHẤT. Nó cũng tạo ra các quảng cáo thành công nhiều hơn bất kỳ công thức nào khác. Các sản phẩm chúng tôi đang tạo ra cũng thường là những sản phẩm giải quyết câu hỏi “Làm thế nào để”. Cách phù hợp nhất để bán chúng là đi thẳng vào câu hỏi mà nó đang giải quyết.
“Làm thế nào” là một cụm từ rất thu hút người đọc?
Dưới đây là một số mẫu tiêu đề sử dụng công thức “Làm thế nào”.
  • Làm thế nào một giáo viên lớp 2, vốn vật lộn để kiếm $117 một tháng, TĂNG GẤP BA doanh thu chỉ trong 4 ngày… Và loại bỏ nỗi lo sợ bị “khủng hoảng” thu nhập hàng tháng
  • Tôi đã tạo ra 14.000 lead trong hai tuần như thế nào?
  • Làm cách nào mà một “mẹo” nhỏ cũng giúp bạn giảm cân KHÔNG HỀ TỐN CÔNG SỨC!
Dưới đây là một số ví dụ điển hình áp dụng tiêu đề “Làm thế nào để”. Đây là công thức hoàn hảo nếu bạn đang gặp khó khăn vì các hình thức rất dễ bị rập khuôn hoặc “bắt chước”.
Dưới đây là một số ví dụ đắt giá bạn có thể học hỏi thêm…
  • Làm thế nào để có thể kết bạn và tạo sức ảnh hưởng đến nhiều người
  • Làm cách nào để sống đến 110 tuổi… Mà trí nhớ vẫn tốt
  • Làm cách nào để tiêu đi lượng mỡ thừa mỗi giờ!
  • Làm cách nào để kiếm được nhiều tiền nhất có thể trong thời gian ngắn nhất có thể!
  • Cách xây dựng sản phẩm kiếm triệu đô từ con số 0!

Mẫu tiêu đề: Công thức #3 – Bí quyết cực sốc

Thế hệ marketer của tôi và bạn, phải dành rất nhiều lời cảm ơn đến những bậc thầy Marketing ở thế hệ trước. Có quá nhiều thứ
chúng ta có thể áp dụng từ những chia sẻ của họ… Thậm chí ngay cả những điều mà chúng ta đều nghĩ là đã biết hết và coi là đã quá “cũ kỹ” VẪN có thể kiếm được ra tiền.
Một trong những copywriter nổi tiếng nhất thế giới là Gary Halbert.
Tôi đã dành rất nhiều giờ lật đi lật lại và nghiên cứu rất nhiều thư quảng cáo thành công nhất của ông.
Với Nghệ thuật viết quảng cáo… Tôi muốn bạn có thể tạo ra một bức thư bán hàng chỉ trong một vài giờ tập trung. Dù sao, trở lại với vấn đề đang bàn luận… một trong những mẫu tiêu đề thành công nhất của Gary là:
(Những) Bí kíp tuyệt vời cho… (tên thị trường ngách) của một…(kiểu người) từ… (khu vực)
Phương pháp này có thể được áp dụng cho hầu như bất kỳ ngành nào một cách RẤT dễ dàng. Trong vòng 20 phút, bạn sẽ có thể tạo ra ít nhất một vài tiêu đề tiềm năng trước khi quyết định cái nào là tốt nhất cho khách hàng mục tiêu của bạn.
Ngoài ra, khi tóm tắt về hình mẫu phân khúc của bạn trong những dòng tiêu đề, những thứ đó phải liên quan đến sản phẩm bạn đang bán, vì bạn sẽ phải đề cập đến những gì bạn đang đề cập ở đây trong phần sau của bức thư.
Điều đó nói rằng, bạn phải làm cho dòng tiêu đề thật thú vị/ gây sốc, ví dụ: Nếu bạn đang bán một sản phẩm “giúp bạn kiếm rất nhiều tiền”, bạn có thể đề cập đến cách bạn “bỏ học giữa chừng” hoặc một giáo viên đã từng gọi bạn là ngu dốt… điểm mấu chốt ở đây là hai ý tưởng có vẻ rất khác nhau và “không thể tin được”, nó sẽ tự động thu hút sự chú ý của mọi người vào nội dung của bạn, theo chính xác những gì bạn muốn!
Dưới đây là một vài ví dụ từ các guru hàng đầu:
  • Bí kíp viết email cực hiệu quả từ một kẻ mọt sách
  • Bí mật: chỉ cần 10 phút để giúp những người làm việc quá sức ngủ ngon và tràn đầy năng lượng
  • Bí mật ăn kiêng tuyệt vời từ một bà nội trợ

Mẫu tiêu đề: Công thức #4 – Tại sao?

Câu hỏi đặt ra thì phải có câu trả lời.
Đặt ra một câu hỏi trong tiêu đề của bạn là một cách tuyệt vời để gây chú ý… nhưng 99% số người không biết làm đúng cách.
Bí mật ở đây là hãy đảm bảo rằng câu hỏi của bạn có thể không thể trả lời chỉ bằng không hoặc có.
Nếu chỉ có Có hoặc Không, người ta sẽ không tiếp tục đọc. Các câu hỏi trong tiêu đề của bạn nên bao gồm các mối quan tâm cá nhân của khách hàng và khơi gợi sự tò mò, để lại một câu hỏi chưa có lời giải đáp trong tâm trí khách hàng tiềm năng của bạn.
Cách hỏi “Bạn có muốn” hay “Bạn có biết” hoặc “Bạn có phải”… thường là cách mở đầu tệ hại cho các tiêu đề khiến độc giả bỏ đi ngay lập tức.
Thay vào đó “Tại sao” là một từ tuyệt vời vì nó thu hút sự chú ý.
Câu hỏi bắt đầu bằng “Tại sao” gần như không bao giờ có thể được trả lời có/ không… và nếu bạn thêm vào một số lợi ích khách hàng có thể nhận được vào dòng tiêu đề, đây có thể là một kiểu mẫu tuyệt vời để sử dụng cho quảng cáo của bạn.
Dưới đây là một số ví dụ:
  • Tại sao vị chuyên gia “nhí” này sẵn sàng chia sẻ bí quyết thành thạo 37 thứ tiếng cực đơn giản và hiệu quả với bạn?
  • Tại sao phần lớn tất cả mọi người đều hiểu hoàn toàn sai về cách thức họ luyện tập để tăng cân, nâng cao sức khỏe và cơ bắp! Tôi có thể đảm bảo bạn sẽ đạt được thân hình hoàn hảo nhất có thể… mà chỉ cần vài tháng luyện tập!
  • Tại sao phụ nữ Trung Quốc lại có tỉ lệ ung thư vú thấp đến đáng kinh ngạc như vậy?

Mẫu tiêu đề: Công thức #5 – CẢNH BÁO!

Công thức này đã được tôi áp dụng hiệu quả đối với thị trường ngách nhỏ có cạnh tranh. Đừng cố áp dụng vào những nhóm thị trường ngách đã có NHIỀU phương thức Marketing, ví dụ như Hẹn hò, Chiêu thức hấp dẫn, Kiếm tiền, Internet Marketing, Giảm cân, Luyện tập cơ bắp, vv…
Trong thị trường ngách thiên về sở thích hoặc trong hình thức marketing online, tôi đã gặt hái được nhiều kết quả ngoạn mục với mẫu tiêu đề này.
Dưới đây là một vài ví dụ đơn giản. Công thức này cũng rất dễ dàng để áp dụng cho thị trường ngách của bạn.
  • CẢNH BÁO: Đừng Đọc Thư Này Nếu Bạn Đã Rất Giàu Rồi!
  • CẢNH BÁO: Đây có thể là một trong những thông tin quan trọng nhất bạn từng được đọc về cách kiếm tiền và mang lại cho bạn khối tài sản khổng lồ chỉ sau một đêm

CHƯƠNG IV – Lời giới thiệu/ Đoạn mở đầu

Nghệ thuật viết đoạn mở đầu thành công

Đừng đặt nhiều gánh nặng cho câu mở đầu
Ngoài dòng tiêu đề… thì đây là chỗ bạn đánh mất nhiều khách hàng tiềm năng nhất (và mất nhiều doanh thu nhất).
Điều đó thực sự không sao cả. Trên thực tế, đó có khi lại là những gì bạn muốn. Vì vậy, miễn là những khách hàng THỰC SỰ quan tâm ở lại sau khi đọc đoạn mở đầu và tiếp tục với nội dung phía sau… thì dù tất cả những người còn lại bỏ đi, tôi thấy vẫn   hoàn toàn ổn.
Suy nghĩ theo cách này cũng cho phép bạn có thể “phân loại” người dùng bằng nội dung của bạn, giống như bạn đang cố gắng đuổi tất cả mọi người đi TRỪ những khách hàng tiềm năng của bạn. Bạn có thể làm điều này thông qua “cách nói” hay “giọng điệu” của bạn.
Tuy nhiên, cách đơn giản nhất để làm điều đó là hãy đi vào vấn đề cụ thể. Hầu hết các bức thư bán hàng có một khởi đầu rất yếu ớt, hoặc vô cùng khó hiểu bởi “cố gắng” để tỏ ra thông minh hay dễ thương.
Hãy nhớ… thông điệp của bạn PHẢI rõ ràng.
Một vấn đề khác thường gặp với hầu hết các đoạn mở đầu là họ cung cấp lợi ích “mơ hồ” chung cho người đọc mà không thực sự có ý nghĩa gì với khách hàng tiềm năng.
Một số lợi ích “mơ hồ” khiến khách hàng bỏ đi (đặc biệt trong phần đầu của một bức thư bán hàng) là:
  • Hạnh phúc
  • Mãn nguyện
  • “Sẽ có kết quả” (Đừng nói rằng họ sẽ “thấy kết quả”… nói với họ họ sẽ thấy kết quả gì (và) mất bao lâu thì sẽ thấy được kết quả đó!)
Đi vào vấn đề cụ thể ngay từ đầu, hoặc bạn sẽ mất luôn khách hàng từ đây… trước cả khi bạn có cơ hội kể cho họ nghe câu chuyện của bạn hoặc giới thiệu về sản phẩm của bạn.
Vấn đề là hầu hết mọi người thấy việc viết câu đầu tiên hết sức quan trọng, là phần căng thẳng và khó khăn nhất khi viết các bức thư bán hàng. Đây là lý do tại sao bạn nên chọn viết tiêu đề của bạn đầu tiên.
Cách đơn giản nhất để viết phần mở đầu hiệu quả là chỉ đơn giản mở rộng hoặc bình luận về những gì tiêu đề của bạn nói. Mục đích của mỗi câu.
Joe Sugarman là một trong những copywriter thành công nhất mọi thời đại. Doanh nghiệp của ông bán được hàng trăm triệu đô la sản phẩm thông qua khả năng viết thư bán hàng đơn giản hiệu quả của ông. Điều thú vị là, khi nhìn thấy một sản phẩm bán chạy hơn hẳn tất cả các sản phẩm còn lại, ông đã tập trung vào SẢN PHẨM ĐÓ và bán được hơn một tỷ (vâng, một tỷ chứ không phải một triệu) đô la chỉ với một sản phẩm – bán KÍNH thời trang.
Nếu bạn bắt đầu tạo ra nhiều sản phẩm bán  cho nhiều thị trường ngách, và một sản phẩm trong số đó bán tốt hơn hẳn những sản phẩm khác, thì đây là cách mà tôi làm, tôi tập trung vào sản phẩm tốt  đó, nhưng cũng vẫn duy trì những sản phẩm khác nhằm phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.
Trở lại với câu chuyện! Joe Sugarman nói rằng mục đích của câu đầu tiên chỉ đơn giản là để người đọc đọc câu thứ hai. Sau đó, mục đích câu thứ hai là để người đọc đọc câu thứ ba. Và cứ như vậy.
Bạn đã hiểu chưa ạ? Hiểu được điều này, thì việc viết nội dung của bạn sẽ trở thành một quy trình cực kỳ đơn giản.
Điều này cũng làm cho bạn nhận ra rằng, nếu ngay cả 1 câu bạn đang viết bị “tắc” và không thể dẫn người đọc đến câu tiếp theo một cách tự nhiên (cùng trong một đoạn)… thì họ sẽ rời đi ngay lập tức.
Điều này thực sự cũng dễ giải quyết thôi… chỉ cần đảm bảo bạn chịu khó chỉnh sửa một cách cẩn thận.
Hãy tự hỏi mình “Vậy thì sao?” sau mỗi câu trong lá thư của bạn… và nếu một câu không mang ý nghĩa hoặc có vẻ nhàm chán hoặc một cái gì đó khách hàng sẽ không quan tâm… thì bạn hãy hoặc là tìm một cách diễn đạt mới hoặc bỏ luôn nó đi.
Điều quan trọng nhất phải làm trong câu mở đầu của bạn là cam kết/ nói với họ bạn có gì cho họ. Những gì bạn phải nói với họ, những trăn trở của họ mà bạn có thể giúp họ giải quyết, những gì họ mơ ước và bạn có thể biến nó trở thành hiện thực.
Điều này thường dẫn đến việc bạn phải nói với họ chính xác những gì họ muốn nghe, và chỉ cần làm được điều đó thôi bạn cũng có thể thu hút được sự chú ý từ khách hàng mục tiêu của bạn rồi.
Bây giờ bạn đã biết những điều cơ bản, hãy cùng tìm hiểu một số mẫu bạn có thể sử dụng, đảm bảo sẽ mang lại tỉ lệ đọc thư cao. Hãy đi thẳng vào lợi ích. Hãy để họ biết họ đang ở đúng chỗ họ cần. Trả lời các câu hỏi đã có trong tâm trí của họ.
NLP Copywriting: Mở đầu mối quan hệ…
LƯU Ý: Một vài năm trước đây, tôi đã từng có một vị cố vấn RẤT thông minh. Ông là chuyên gia NLP và chính ông đã dạy tôi rằng cách đơn giản nhất có thể để đạt được mối quan hệ với một người khác là cố gắng thử hình dung và tìm ra những gì tôi muốn nghe khi đặt mình vào vị trí của họ. Điều này có thể áp dụng hết sức dễ dàng vào việc viết thư bán hàng (hoặc bất kỳ hình thức liên lạc nào khác với khách hàng của bạn).
Trước khi đặt bút viết, hãy suy nghĩ về những người có nhiều khả năng mua sản phẩm của bạn, và tưởng tượng cuộc sống của họ sẽ như thế nào. Chỉ cần nghĩ rằng, nếu bạn đang đặt mình ở vị trí của họ… điều gì sẽ khiến bạn bị kích thích khỏi trạng thái thông thường và thực sự “buộc” bạn đọc toàn bộ bức thư?
Hãy quên đi các cấu trúc câu ưa thích, chỉ cần nghĩ ở mức độ rất cơ bản về những thứ họ thực sự muốn có được (không phải những gì họ nói với gia đình của họ) và những gì họ thực sự muốn tránh (thứ giữ họ mất ngủ vào ban đêm).
Bài tập đơn giản này hầu như có thể đảm bảo bạn viết được một đoạn mở đầu cuốn hút cho lá thư của bạn, không phải tốn hàng giờ “toát mồ hôi hột”. Đặc biệt là khi được kết hợp với các cấu trúc câu tôi sắp cung cấp cho bạn đây.

Mẫu viết đoạn mở đầu

Công thức #1 – Nếu/ thì

Dễ nhất là áp dụng công thức này.
Trong số tất cả các cách mở đầu tôi cung cấp cho bạn, đây là một trong những cách dễ sử dụng nhất.
Nếu bạn đã nghe nói về cách thức này trước đây, và thấy rằng cách này đã được sử dụng ở khắp mọi nơi, bạn có thể nghĩ nó không còn hiệu quả như trước nữa.
Rất may là, sau khi thử nghiệm rộng rãi trên các trang web của tôi, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng điều đó không đúng. Cách mở đầu này từ trước đến nay vẫn rất hiệu quả.
Một gợi ý cho bạn là: Nếu cách này vẫn được sử dụng bởi Gary Halbert, John Carlton, Scott Haines, và rất nhiều các copywriter hàng đầu thế giới khác, thì chắc chắn nó vẫn hoạt động tốt, đủ để sử dụng trên website của chúng ta.
Họ là những nhà nghiên cứu bậc thầy. Họ đã phải gửi thư cho những khách hàng thậm chí đang không tìm kiếm sản phẩm, và những người không biết tới công ty/ sản phẩm của họ hay bất cứ cái gì tương tự, mà vẫn bán được hàng. Chúng ta – những người làm marketing online có thể học hỏi từ họ, và kiếm tiền nhanh hơn, nhiều với số vốn đầu tư ít hơn rất nhiều so với công sức họ đã bỏ ra, mà không phải làm việc quá nhiều. Đây là một ví dụ minh họa hoàn hảo.
Lý do công thức này vẫn hoạt động rất tốt (nhất quán qua cả… thập kỷ thử nghiệm) là bởi vì nó buộc người viết (bạn) đề cập đến những lợi ích cá nhân trong câu. Thật khó để sử dụng mẫu:
“Nếu bạn muốn đạt được (kết quả mong muốn của khách hàng mục tiêu) trong vòng (khoảng thời gian), thì đây có thể là thông tin quan trọng nhất bạn phải đọc.” … mà không đạt được hiệu quả như mong đợi!
Ngoài ra, tôi chưa từng phát hiện ra bất cứ thị trường mục tiêu nào mà không thể áp dụng mẫu này. Bất kỳ thị trường ngách nào bạn cũng có thể bán sản phẩm kiểu thông tin cho họ (về những lợi ích họ có thể nhận được/ khó khăn có thể tránh được)…
Và đó là cách viết một câu mở đầu hiệu quả.
Cách tốt nhất để áp dụng kiểu này là nói “Nếu bạn muốn …” … là chỗ bạn nêu ra những kết quả cuối cùng dự tính họ đạt được, một khi họ sử dụng sản phẩm của bạn.
Thường là một giấc mơ của họ hiện lên trong tâm trí của bạn. Tôi sẽ nhắc lại một lần nữa đơn giản chỉ vì nó QUÁ quan trọng…
Câu Mở Đầu Của Bạn Phải Nêu Được Một Mong Muốn Mãnh Liệt Mà Họ Hằng Ao Ước Trong Tâm Trí…
Lưu ý: Cấu trúc câu này không nhằm đưa ra một lời hứa trực tiếp. Nó nói “Nếu bạn đã từng muốn” chứ không nói “Tôi đảm bảo bạn sẽ có thể”. Khơi gợi một cách lén lút, không lạm dụng nó.
Như với tất cả các câu mở đầu, viết càng ngắn càng tốt, mà vẫn đảm bảo không làm mất sự rõ ràng hay quyền lực của thông điệp. Người ta không muốn đọc cả đoạn mở đầu, họ muốn đọc một câu mở đầu.
Bạn vẫn nhớ bí mật về “khoảnh khắc” bán hàng đã để cập trước đó?
Bạn muốn mọi người (lý tưởng) có thể đọc tiêu đề của bạn và câu mở đầu trong 3 giây đầu tiên trên trang web của bạn. Để làm được điều đó, câu đầu tiên của bạn phải ngắn, mạnh mẽ và đánh trúng đích.
Rõ ràng, bạn vẫn nên tự kiểm tra tất cả mọi thứ… nhưng cách này đã giúp tăng tỉ lệ chuyển đổi rõ ràng trên tất cả các trang web của tôi, và… cho đến khi bạn kiếm được đủ doanh thu rồi, tôi khuyên bạn vẫn nên làm theo lời khuyên của tôi – áp dụng mẫu công thức này!
Dưới đây là một vài ví dụ tuyệt vời (từ John Carlton và Gary Halbert) để bạn hiểu các mẫu này nên được áp dụng trong trường hợp nào.
Một số ví dụ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn mới có thể sử dụng… nhưng các ví dụ này sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để áp dụng các công thức hiệu quả.
  • Nếu bạn đang cần một tài khoản tín dụng chính… trong khi… bạn vẫn chưa biết làm thế nào để có… thì đây có thể là thông tin quan trọng nhất bạn cần phải đọc
  • Nếu bạn muốn có một giấc ngủ ngon, ngày mới tràn đầy năng lượng, và trí óc hoạt động minh mẫn, thì đây chính là thông tin hữu ích nhất mà bạn có thể đọc được
  • Nếu bạn thực sự nghiêm túc muốn kiếm tiền trong ngành bất động sản (kể cả khi bạn không có tiền hay tiềm lực tài chính trong tay) thì đây chính là thông điệp quan trọng nhất bạn cần phải đọc
  • Nếu bạn muốn giảm cân, thì đây có thể là thông tin hữu ích nhất dành cho bạn
  • Nếu bạn quan tâm đến việc làm thế nào để chống lại và đánh bại… thì đây chính là cách thức quan trọng và thú vị nhất bạn cần đọc

Mẫu viết đoạn mở đầu

Công thức #2 – Câu hỏi

Trong số tất cả các mẫu tôi giới thiệu cho bạn, công thức này có lẽ là rủi ro nhất, nhưng nếu làm đúng cách… nó có thể mang lại tỉ lệ chuyển đổi cực cao cho bạn.
Đó là bởi vì công thức này sẽ tác động đến khách hàng tiềm năng của bạn và thực sự khiến họ phải suy nghĩ về vấn đề của họ… về việc họ cần một giải pháp đến mức nào. Công thức này, hơn hẳn những công thức khác, đòi hỏi bạn phải hiểu rất sâu tâm lý khách hàng tiềm năng của mình.
Hầu hết mọi người thường làm sai, mọi người thường đặt câu hỏi rất chung chung mà khách hàng rõ ràng sẽ trả lời có. Một ví dụ cho những gì tôi đang nói trong ngành dịch vụ hẹn hò có thể là:
  • Bạn cảm thấy thất vọng về tỉ lệ thành công khi làm quen với phụ nữ?
  • Bạn cảm thấy bối rối khi phải tiếp cận với một cô gái gặp trên đường?
Đó là những câu hỏi nhàm chán, nhạt nhẽo có thể áp dụng cho hầu như bất kỳ người đàn ông nào trên thế giới. Khi khách hàng tiềm năng của bạn không cảm thấy được bạn thực sự đang nói chuyện với họ, họ sẽ mất hứng thú. Điều đó tạo ra sự cách biệt lớn và họ nhìn thấy một khoảng cách giữa những gì họ đang trải qua, và những gì bạn đang cung cấp.
Để có một câu hỏi mở đầu hiệu quả, bạn cần phải tìm ra nỗi trăn trở cụ thể và những tình huống cụ thể xảy ra trong thế giới thực thúc đẩy họ tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề của họ.
Bạn cần phải biết những từ họ sử dụng, và những điều họ nghĩ rằng chỉ họ gặp phải, nhưng trên thực tế hầu hết toàn bộ những người giống họ cũng gặp vướng mắc tương tự.
Bạn cần phải tìm ra những câu chuyện phù hợp với thị trường mục tiêu của BẠN, và chọn ra những điểm nhấn cho thấy bạn thực sự “thấu hiểu” được những gì khách hàng của bạn đang phải trải qua.
Dưới đây là một vài mẫu câu hỏi cho người mới bắt đầu (bổ sung những điều bạn nghĩ ra vào danh sách này nhé):
  • Bạn có đang lo lắng về việc
  • Bạn đã từng cảm thấy
  • Bạn đã từng cảm thấy (cảm xúc tiêu cực) khi cố gắng…
  • Bạn có thường bị mọi người gọi là
  • Bạn bè và gia đình thường nói với bạn
  • Bạn đã từng muốn bỏ cuộc khi
  • Bạn có sợ
Bạn đã nắm được vấn đề chưa? Tốt. Chỉ cần chắc chắn (tối thiểu), bạn đã trả lời tất cả các câu hỏi thuộc quy tắc #3 trong phần cơ bản.
Tốt nhất, bạn nên trò chuyện với từng khách hàng của bạn, hoặc tưởng tượng bạn là một khách hàng tiềm năng trong chính thị trường mục tiêu của mình. Nếu không, bạn có thể sử dụng một mẫu khác.

Mẫu viết đoạn mở đầu

Công thức #3 – Thách thức quan niệm thông thường

Bất cứ khi nào ai đó nói rằng cái gì đó thách thức “quan điểm thông thường” (những gì hầu hết mọi người nghĩ)… thì mọi người đều bị tò mò.
Đặc biệt khi nó có thể mang lại một lợi ích tiềm năng nào đó cho họ… hay một cách để “vượt mặt” bạn bè họ.
Đây là một ví dụ: Phần lớn mọi người đều cho rằng bạn cần phải có traffic để kiếm được nhiều tiền. Thực ra bạn không cần.
Đối với những người đang vật lộn để kéo lưu lượng truy cập/ đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh trực tuyến… câu mở đầu này nghe thật thú vị và hấp dẫn. Nó thu hút sự chú ý của họ. TUY NHIÊN, nếu bạn đang bán một sản phẩm hỗ trợ SEO và bắt đầu bức thư bán hàng của bạn bằng cách:
Phần lớn mọi người nghĩ rằng tạo ra 1000 visitor từ nguồn SEO tự nhiên rất dễ dàng. Thực ra thì không.
Bạn có thể thấy rằng một câu mở đầu mang tin xấu cho khách hàng của bạn là một ý tưởng TỒI. Họ không cần biết điều làm cho vấn đề của họ tồi tệ hơn… họ muốn có một giải pháp, và kiểu mở đầu này chỉ giúp bạn dập tắt mối quan tâm họ đã có ở bạn hoặc sản phẩm của bạn.
Một số câu mở đầu:
  • Liệu … (chủ đề) có nhất thiết phải (phức tạp, đắt, mất thì giờ)?
  • Tại sao … (cách thức thông thường để đạt được kết quả) có thể là cách KÉM HIỆU QUẢ nhất để đạt được (kết quả/ hiệu quả mong muốn)
  • Phần lớn mọi người đều muốn/ Phần lớn mọi người cho rằng không thể/ Phần lớn mọi người đều sai lầm khi cho rằng… (như trên)
Đã có một số ý tưởng cho đối tượng mục tiêu của bạn? Tốt. Viết ra ít nhất 3 cách mở đầu trước. Chọn một trong những mở đầu tốt nhất trong số tất cả   cách mở đầu của bạn… cách mở đầu thực sự ăn nhập với tiêu đề mà bạn đã chọn, và là cách mở đầu thực sự “cuốn” người đọc vào, khiến họ dành hết tâm huyết của mình để đọc nội dung của bạn.

CHƯƠNG V – Bán Hàng Bằng Cách Kể Chuyện

Kể chuyện: Làm Thế Nào Để Kể Được Câu Chuyện Giúp Bạn Bán Hàng

Có thể bạn đã từng nghe nhiều nhà tiếp thị (như Seth Godin) nói về sức mạnh của câu chuyện trong tiếp thị. Họ nói rằng:
  • Những câu chuyện có thể là cách tốt nhất để kết nối với khách hàng của bạn
  • Những câu chuyện là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công trong Marketing
Và… tôi có thể nói với bạn rằng họ hoàn toàn đúng.
Lý do khiến cho những câu chuyện trở nên hiệu quả đến vậy là do chúng xây dựng mối quan hệ và tạo ra sự kết nối với khách hàng tiềm năng cực kỳ nhanh chóng. Nếu bạn làm đúng cách, khách hàng tiềm năng sẽ không chỉ cảm thấy bạn như một chuyên gia, mà còn cảm thấy dường như đã quen biết bạn trong nhiều năm.
Một công dụng nữa là khách hàng có thể cảm thấy bạn là phiên bản lý tưởng của mình. Bạn muốn được trở thành họ… sự khác biệt duy nhất là, bạn biết chính xác làm thế nào để giải quyết vấn đề này/  nhận được kết quả mà họ muốn. Mối liên kết này tự động mang lại cho bạn quyền lực, sự tin tưởng… và luôn luôn dẫn đến việc khách hàng tiềm năng của bạn sẵn sàng chi NHIỀU tiền hơn cho bạn.
Câu chuyện là công cụ bán hàng số 1 của bạn.
Nội dung chính mà bạn muốn truyền đạt qua câu chuyện chỉ vỏn vẹn là: “Này, bạn giống hệt tôi vậy”. Đây là nơi những nghiên cứu trước đây của bạn sẽ trở nên cực kỳ hữu ích. Tìm hiểu về những gì khách hàng của bạn phải trải qua, và nhìn lại cuộc sống của bạn xem liệu bạn (hoặc ai đó bạn biết) đã từng có kinh nghiệm tương tự chưa, và sử dụng nó làm cơ sở cho câu chuyện của bạn.
Có 2 lý do yêu cầu tất cả những câu chuyện của bạn phải dựa trên nền tảng thực tế:
  1. Nếu chỉ để kiếm tiền mà phải nói dối thì chẳng tốt chút nào.
  2. Nếu bạn tự bịa ra câu chuyện thì mọi thứ sẽ hiển hiện rất rõ ràng và lộ liễu. Bạn có thể nghĩ rằng bạn đang rất thông minh, bạn khắc phục được điều này… nhưng hãy nhớ, đây là những người đã sống với nỗi trăn trở/ vấn đề nhiều NĂM (trong một số trường hợp) và như vậy họ sẽ có thể dễ dàng phát hiện nếu có bất cứ điều gì “giả tạo” trong những lời bạn nói gần như ngay lập tức. Và một khi đã phát hiện ra bạn đang nói dối thì họ sẽ không mua sản phẩm của bạn nữa (và thậm chí có thể làm xấu danh tiếng của bạn). Tốt nhất là đừng bịa chuyện.
Một chút chỉnh sửa thì có thể chấp nhận được. Chúng ta phải làm cho câu chuyện cực kì thú vị, quyến rũ mà vẫn dễ hiểu, vì vậy tôi cảm thấy cần phải cấp cho bạn “giấy phép sáng tạo” trong câu chuyện của mình… nhưng nó vẫn cần phải dựa trên cơ sở thực tế, nếu không bạn sẽ thực sự gặp rắc rối.
Lý do thứ hai hầu hết mọi người mắc phải với những câu chuyện là họ chỉ kể bất kỳ một câu chuyện ngẫu nhiên liên quan đến sản phẩm mà họ đang cố gắng để bán. Đó là sai lầm.
Dù bạn làm gì trong bức thư bán hàng của bạn    thì vẫn phải nhằm 1 mục đích … “Để Đưa Khách Hàng Tới Gần Hơn Việc mua Các sản phẩm Bạn đang Cung cấp”.
Đó là tất cả những gì bạn phải làm.
Đừng bỏ phí một từ nào cả vì bạn có thể sẽ MẤT khách hàng như chơi.
Hãy nhớ lấy điều đó, không phải câu chuyện nào cũng mang lại hiệu quả… phải là câu chuyện giúp dẫn dắt khách hàng tới gần hơn với việc mua hàng.
Một công thức khá phổ biến để làm việc này là: Một tình huống khó khăn -> Lâm vào trạng thái tệ hơn -> Thay đổi nhờ “Bí mật” -> Muốn chia sẻ câu chuyện với tất cả mọi người.
(VD. Tôi nhìn vào gương và nhận ra tôi đang thừa 10 kg cân nặng -> Tôi đã thử tất cả các chế độ ăn cho 6 tháng tiếp theo và kết quả là tôi vẫn thừa tới 20 kg -> Tôi rất xấu hổ khi đi làm, tôi đã ly dị và nhiều lúc tôi muốn tự tử -> Tình cờ tôi phát hiện một cuốn sách cổ của Nhật Bản, tôi phát hiện ra cách tuyệt vời để ăn nhiều hơn và giảm cân mà không cần tập thể dục -> Tôi đã giảm cân và có thân hình như mong muốn… cuộc sống tuyệt vời hơn bao giờ hết.
Bạn có thể thấy cách câu chuyện này dẫn dắt một cách tự nhiên đến sản phẩm mà bạn đang muốn bán?
Cách này có thể áp dụng với hầu hết tất cả các ngành.
Một công thức kể chuyện khác:
Bạn vẫn đang làm tốt một cái gì đó -> Nhưng có một cái gì đó luôn khiến bạn lo lắng/ hạn chế bạn lại, không phát huy được hết tiềm năng -> Bạn tập trung hết sức lực thực hiện cách duy nhất để có được kết quả này -> Kết quả của bạn bây giờ ngoài mong đợi
-> Sau khi mọi người hỏi xin “bí quyết” quá nhiều…
Cuối cùng bạn quyết định tiết lộ và cho phép một vài người biết bí mật này.
Trong thị trường Chứng khoán, có thể là:
Bạn kiếm được $ 7.000 lợi nhuận mỗi tháng -> thu nhập của bạn khá ổn, nhưng không lớn, bạn phát hiện ra một lỗ hổng trong nền tảng kinh doanh, nhưng không có cách nào để tận dụng lợi thế của nó -> bạn thuê các nhà nghiên cứu và những tay siêu đỉnh để tạo nên một giải pháp cho phép bạn tận dụng lợi thế của các kẽ hở, trị giá hơn $ 250.000 (bằng toàn bộ lợi nhuận từ kinh doanh Chứng khoán trong hơn 6 năm kinh doanh) -> ngay khi bạn áp dụng nó, bạn thu hồi vốn trở lại chỉ trong 4 tháng -> bây giờ bạn đang tiết lộ bí mật kinh doanh cho một số lượng rất hạn chế người đăng ký với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ của những gì bạn đã phải trả. Đó là một ví dụ khá kịch tính (cho mục đích trình diễn), nhưng nó minh họa làm thế nào để áp dụng công thức này, và sáng tạo để tạo ra một câu chuyện cho thị trường của bạn.
Đừng bị giới hạn bởi những ví dụ tôi đã đưa ra. Bạn có thể tạo ra những công thức của riêng bạn… Miễn là nó giúp bạn xây dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng và tự nhiên dẫn dắt họ vào phần giới thiệu sản phẩm của bạn… thì đó là một câu chuyện hay. Ngoài ra, trước khi bạn bắt đầu viết… hãy luôn nhớ công thức này (được phát triển bởi Gary Halbert) trong tâm trí để đảm bảo câu chuyện của bạn luôn đi đúng hướng và thực sự giúp bán sản phẩm của bạn, thay vì khiến nó trở thành một bức thư nhàm chán, cẩu thả. 3 phần đó là:
  • Star (Ngôi sao)
  • Story (Câu chuyện)
  • Solution (Cách giải quyết)
Một cách đơn giản để nhớ những gì tôi trình bày với bạn.
Star (Ngôi sao) – Là nhân vật xuất hiện trong câu chuyện của bạn. Nếu có thể thì đó nên là chính BẠN, bởi vì họ mua hàng từ chính bạn.
Story (Câu chuyện) – Một câu chuyện lôi cuốn dẫn dắt người đọc đến…
SOLUTION (Cách giải quyết) – Một cách tự nhiên, sản phẩm của bạn sẽ xuất hiện ở cuối câu chuyện, cho họ thấy đó là giải pháp cho mọi vấn đề mà bạn (và họ) đang gặp phải.
Ngoài ra có 3 dạng câu chuyện tôi thấy thường mang lại hiệu quả cao nhất.
Đó là:
  1. Quá trình bạn lột xác đã diễn ra như thế nào?
  2. Sản phẩm của bạn được tạo ra như thế nào?
  3. Bạn đã tìm ra điểm khác biệt USP (chỉ áp dụng khi bạn THỰC SỰ khác biệt trong việc mang lại lợi ích cho khách hàng!)
Bạn KHÔNG viết Tiểu Thuyết!
Trừ khi bạn là một người kể chuyện bậc thầy có thể giữ sự chú ý như một người chuyên nghiệp, nếu không thì lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể cung cấp cho bạn về phần này của lá thư là hãy làm nó THẬT NGẮN GỌN. Câu chuyện cuộc đời bạn có thể rất thú vị, nhưng khách hàng của bạn không muốn nghe về cái đó.
Nếu bạn muốn xem một triệu ví dụ về những câu chuyện không hấp dẫn trong thư chào hàng, chỉ cần truy cập ClickBank Marketplace, xem qua và bạn sẽ thấy rằng họ càng cố gắng kể câu chuyện thì nó càng trở nên hư cấu và nhàm chán.
Họ đưa vào đó các chi tiết không quan trọng, họ bỏ qua các chi tiết cụ thể và không có cảm xúc hay biến cố nào cả. Làm thế nào để sửa được điều đó?
  • Đưa vào câu chuyện những sự thật thú vị mà người đọc muốn biết
  • Lược bỏ các chi tiết không quan trọng không phục vụ việc bán hàng
  • Khơi gợi kịch tính và cao trào, đừng viết những thứ sáo rỗng họ đã biết trước cả khi bạn kể cho họ
  • Sử dụng giọng văn kể chuyện, như thể bạn đang thực sự trò chuyện với họ vậy
  • Đưa vào các cảm xúc cụ thể về cảm giác của bạn khi đó. Đừng chỉ dùng những từ diễn tả cảm xúc chung chung như “hạnh phúc” bởi nó chẳng có ý nghĩa gì với phần lớn mọi người cả. Viết quá chung chung sẽ giết chết khả năng bán hàng trong câu chuyện của bạn
  • Giữ câu chuyện thật NGẮN GỌN, chỉ khoảng 2-5 dòng là đủ trong phần lớn trường hợp
  • Đừng đi lan man
  • Hãy đảm bảo bạn đã chỉnh sửa mạnh tay và hoàn toàn chắc chắn là các nguyên tắc trên đều được tuân thủ.
Tiếp theo…

CHƯƠNG VI – Giới thiệu sản phẩm

Giới thiệu sản phẩm

Hình ảnh sản phẩm Khẳng định về giá trị

Đây là bước đơn giản nhất trong toàn bộ quy trình… thường bao gồm một hoặc hai đoạn văn và có thể (khuyến khích) có hình ảnh sản phẩm.
Bạn phải nhớ rằng chúng ta đang bán các sản phẩm số (vô hình), vì vậy hình ảnh tượng trưng sẽ cung cấp cho họ ý niệm rằng họ thực sự sẽ có được một cái gì đó từ số tiền họ bỏ ra. Trong suốt quá trình viết nội dung, cho đến thời điểm này, chúng ta đã không được “bán” bất cứ thứ gì. Đây là lúc bạn có thể “lôi kéo” khách hàng tiềm năng của bạn, và tiết lộ sản phẩm của bạn.
Và… điều này có thể “đánh mất” khách hàng tiềm năng.
Chìa khóa để lôi kéo được mọi người, khiến họ nghĩ rằng “Tuyệt vời! Tôi muốn cái này” thay vì “Ôi không! Đây chắc là lừa đảo, anh ta bán cái gì đó…”, chính là các sản phẩm mà bạn đang cung cấp phải được đề xuất là “giải pháp” cho tất cả các vấn đề bạn đang mắc phải trong câu chuyện của bạn chứ không phải một sản phẩm ngẫu nhiên không thực sự phù hợp. Điều này sẽ không hiệu quả nếu câu chuyện của bạn dở tệ và nhàm chán. Bạn phải khuấy tung họ lên với cảm xúc, và kết nối với họ để họ nghĩ rằng “Hey!
Tôi giống như bạn… và tôi cần những giải pháp tương tự”. Một khi bạn giới thiệu sản phẩm của bạn là điều chính xác giải quyết vấn đề đó… nó tạo ra cho khách hàng mong muốn có được sản phẩm của bạn. Phần này chỉ như một sự chuyển tiếp từ câu chuyện của bạn sang những lợi ích của sản phẩm… nhưng đó là điều cần thiết để khách hàng có thể liên kết tất cả những lợi ích sang sản phẩm của bạn. Bạn hiểu rồi chứ? Tốt.
Ảnh sản phẩm
Tôi đã giải thích tại sao ảnh sản phẩm lại rất quan trọng, và đây là 3 cách khác nhau để có được bức ảnh đẹp, bạn có thể chọn 1 trong 3 cách phù hợp với chi phí của mình.
  1. Tự làm: Nếu bạn thực sự không có chi phí cho việc thiết kế ảnh sản phẩm, bạn sẽ phải sử dụng các công cụ làm ảnh miễn phí. Tôi sử dụng canva.com để tạo ra những hình ảnh cho sản phẩm của mình.
  2. Thuê ngoài: Bạn có thể tạo ra hình ảnh cho sản phẩm bằng cách thuê ngoài… bạn có thể thuê những công ty thiết kế, hoặc nếu bạn muốn mất ít chi phí, hãy thử Fiverr: http://fivcom/… Tuy nhiên khi sử dụng Fiverr, hãy nhớ là phải luôn kiểm tra đánh giá, và chỉ sử dụng những người bán hàng có NHIỀU phản hồi.
  3. Thuê ngoài chất lượng cao: Bạn cũng đi thuê ngoài, nhưng bạn đòi hỏi chất lượng cao cho hình ảnh của sản phẩm. Tuy nhiên, chi phí chắc chắn sẽ cao hơn.

Tuyên bố giá trị Giới thiệu kiểu đi thang máy

Bạn biết một đoạn giới thiệu kiểu đi thang máy là gì phải không ạ?
Nếu bạn chưa biết, thì nó đơn giản là một đoạn giới thiệu ngắn gọn về những gì bạn làm, tổng kết một cách siêu ngắn gọn. Chúng ta sẽ cùng nghiên cứu về cách tạo một đoạn giới thiệu như vậy cho sản phẩm của bạn.
Đoạn này xuất hiện ngay sau hình ảnh sản phẩm của bạn, và đoạn này nên là đoạn đầu tiên khách hàng thấy, và họ sẽ liên kết với sản phẩm của bạn. Bạn không nên nói “quá” về sản phẩm. Hãy nói về sản phẩm giống như đang chia sẻ cho bạn bè và người thân của bạn vậy.
Dưới đây là công thức tôi thường dùng:
Tôi thiết kế [tên sản phẩm] để làm hướng dẫn chi tiết giúp [đối tượng mục tiêu] để [đạt được kết quả nào đó/ thêm USP của bạn nếu có] mà không bị [vấn đề lớn nhất]
VD: Tôi tạo ra Success Oceans UNI để hướng dẫn chi tiết cho những người đang làm internet marketing, giúp họ tối đa hóa lợi nhuận và dễ dàng triển khai công việc kinh doanh trên internet với những hướng dẫn, checklist cụ thể.
Đó là những gì bạn cần hiểu! Tiếp theo…

CHƯƠNG VII – Gạch đầu dòng + Lợi ích

Khẳng định lợi ích

Lợi ích + Gạch đầu dòng = Ham muốn ngay lập tức!

Kiểm tra lại một chút: Cho đến lúc này, chúng ta đã có một tiêu đề không thể cưỡng lại, đã xong đoạn mở đầu, đã kể một câu chuyện, đưa ra một số sự kiện thú vị và đã giới thiệu được sản phẩm của chúng ta. Nếu khách hàng tiềm năng đã đọc đến đoạn này của lá thư thì chắc chắn họ đang rất quan tâm đến bạn, quan tâm đến những gì bạn chia sẻ. Tuy nhiên, vì bạn đã đưa ra lời chào hàng nên bạn có thể sẽ mất rất nhiều độc giả.
Khách hàng tiềm năng của bạn (đặc biệt là những người không biết bạn / chưa bao giờ mua hàng từ bạn) tại thời điểm này thường phản ứng theo kiểu:
Ôi KHÔNG! Thằng cha này đang bán hàng!
Vì vậy, đây là điểm rất quan trọng mà bạn cần phải đặt sự chú ý đến HỌ. Dừng việc giới thiệu sản phẩm lại, và tiếp tục khiến khách hàng vui vẻ trở lại,càng sớm càng tốt. Cách tốt nhất để làm điều này là đưa ra hàng loạt những lợi ích họ sẽ nhận được từ sản phẩm của bạn. Đừng nói về lợi ích như các phần còn lại của bức thư, hãy sử dụng gạch đầu dòng cho mỗi lợi ích bạn nêu ra.
Gạch đầu dòng là phần tóm gọn các thông tin về những gì người đọc sẽ nhận được khi họ mua sản phẩm từ bạn… không phải những thứ thực tế mà họ nhận được như “Bạn sẽ nhận được check list quảng cáo/ hướng dẫn quảng cáo từ A-Z, có rất nhiều thông tin trong đó…” Lúc này bạn cần tập trung vào thông tin về những điều mà sản phẩm của bạn có thể làm được cho cuộc sống của khách hàng. Chúng là những lợi ích… và chúng sẽ giữ cho khách hàng của bạn không thể an giấc cho đến khi họ mua được sản phẩm của bạn. Bạn cần phải khéo léo kết hợp những thông tin về sản phẩm với những gì thực tế xảy ra (trong cuộc sống của họ) nếu họ áp dụng giải pháp này vào cuộc sống của họ. Về cơ bản, đó là những kết quả hoặc lợi ích họ sẽ nhận được.
Mọi người sẽ thường chỉ mua vì một cái gạch đầu dòng nào đó (lợi ích), và nghe có vẻ điên rồ, nhưng tôi biết đó là sự thật vì tôi đã thực hiện nó. Gạch đầu dòng là cách hiệu quả nhất để khiến khách hàng thèm muốn sở hữu sản phẩm của bạn.

Cách viết gạch đầu dòng

50 Mẫu Xuất Sắc Để Áp Dụng…
  • Một cách hoàn toàn mới để…
  • “Thông tin mật” về…
  • Phát hiện sốc: Tại sao (phương pháp/ cách thức thông thường) sẽ KHÔNG BAO GIỜ (mang lại hiệu quả) – Và chính xác phải làm thế nào
  • Một “mẹo” nhỏ đảm bảo hiệu quả…
  • Làm cách nào (một nhóm chuyên gia/ tổ chức uy tín) đạt được (kết quả)
  • Công thức 3 bước để đạt được(lợi ích) ngay cả khi bạn chưa bao giờ (thành công trước đây)…
  • Một “thủ thuật” hợp lý giúp đảm bảo…
  • Làm cách nào để nói về…
  • Đây là cách để có được (cái gì đó thường mất chi phí) – hoàn toàn MIỄN PHÍ!
  • 6 thủ thuật nhỏ bạn có thể vận dụng để thoát khỏi tình trạng … ngay lập tức
  • Sự thật mọi người không nói với bạn…
  • 3 điều quan trọng bạn cần phải biết về (điều gì đó quan trọng)
  • Phát hiện ban đầu về
  • Cách dễ dàng nhất để
  • Lý do thực sự bạn không bao giờ
  • 5 cách để…
  • Bí mật số 1 để…
  • Cách ít tốn công sức nhất để…
  • (Con số) nguyên tắc để (một chủ đề họ không biết nhiều lắm, nhưng họ đang quan tâm)
  • Một phương thức “thần kỳ” để…
  • Điều quan trọng nhất (mà không phải ai cũng biết)
  • Làm thế nào để nhanh chóng tang…
  • Sai lầm lớn mà 99%…
  • Một cách điên rồ để
  • Một quan điểm phổ biến trong (tên thị trường)…(bởi nó thực sự HIỆU QUẢ!)
  • Một cách chắc chắn để…
  • 7 bước kế hoạch để đạt được (một thứ gì đó khó khăn) dễ như ăn kẹo!
  • Điều bạn chính xác phải làm khi (tình huống xấu xảy ra)
  • Làm cách nào để có được
  • Làm thế nào để trở thành chuyên gia về…
  • Tại sao bạn không bao giờ nên…
  • Những bí mật “độc quyền” của tôi về…
  • Thông tin hiếm hoi về (một chủ đề nóng) và cách nó mang lại (lợi ích)
  • Làm cách nào để ngừng ngay…
  • Lý do thực sự đằng sau…
  • Làm thế nào để ngăn việc (tình huống tiêu cực) không bao giờ tái diễn
  • Sẽ như thế nào nếu bạn có được…
  • Một bí mật gây tranh cãi để (có được lợi ích), mà (đối thủ cạnh tranh) không muốn bạn biết!
  • Lời thú nhận gây sốc của…
  • Thủ thuật nhỏ đằng sau (kỹ thuật bí mật gì đó)
  • 2 cách thường bị bỏ qua để đạt được (thứ họ muốn) và làm thế nào để ngừng lại
  • Cách để ngừng…
  • Lựa chọn duy nhất cho… (những ai trong trạng thái tuyệt vọng về)
  • Làm thế nào để biết…
  • Chỉ trong vòng 3 phút bạn sẽ…
  • 4 bước để…
  • Một kỹ thuật nho nhỏ để…
  • Một “mẹo” không thể tin được để…
  • Một công thức đã được chứng minh để…
  • Sức mạnh của “(từ nào đó họ không biết hết ý nghĩa)”… và chúng có thể biến đổi mọi thứ như thế nào…

CHƯƠNG VIII – Tạo lập giá trị

Tạo lập giá trị

Đổ mồ hôi lạnh = Tiền

Nếu bạn đã thực hiện đến bước này, khách hàng của bạn sẽ muốn những gì bạn đang bán. Tất cả những gì phải làm bây giờ là chốt đơn. Cách tốt nhất để làm điều này là khiến họ phải đổ mồ hôi lạnh.
Nếu bạn giống tôi, hẳn cũng đã có lần bạn tìm hiểu về một sản phẩm, và bạn biết bạn muốn nó… nhưng không biết giá. Thông điệp bán hàng đã thực hiện công việc của nó thực sự tốt vào thời điểm quan trọng nhất của quy trình này, nó khiến bạn lo lắng, thực sự lo lắng.
Bạn đã rất muốn có sản phẩm, nhưng bạn có thể không đủ khả năng để mua nó. Ý tưởng là hãy đặt giải pháp của bạn bên cạnh các giải pháp cực kỳ đắt tiền khác, và khi khách hàng tiềm năng đã thực sự muốn mua sản phẩm của bạn, hãy làm cho nó trông có vẻ đắt/ độc quyền (bằng một gói sản phẩm kèm theo) khiến ham muốn của họ đối với sản phẩm càng tăng thêm. Nhưng… bạn phải khiến họ thấy căng thẳng, không tiết lộ giá với họ vội. Điều này hầu như đảm bảo họ sẽ tiếp tục đọc và kéo chuột để tìm hiểu giá và xem họ có đủ khả năng để mua nó hay không.
Khá hài hước, nhưng những gì tôi vừa nói KHÔNG liên quan gì đến việc khiến sản phẩm bạn cung cấp trông giống như cả một tá các “công cụ”. Theo kinh nghiệm của tôi, không cần tạo cả một đề xuất khổng  lồ đến +50 video cùng lời thoại, các bản danh sách, kế hoạch hành động, hướng dẫn tham khảo, v.v (não của tôi sắp bị quá tải khi nghĩ về quá nhiều thứ có thể làm!)
Bạn phải khiến khách hàng tiềm năng cảm thấy ham muốn, và giữ họ căng thẳng bằng cách không tiết lộ giá cả… Họ phải toát mồ hôi lạnh lo lắng rằng họ có thể không đủ khả năng mua những gì bạn đang bán. “Mẹo” ở đây là đặt giá sản phẩm của bạn hơi trên mức trung bình một chút (so với thị trường và những gì bạn đang cung cấp), nhưng vẫn nằm trong mức giá cả phải chăng… và vì tâm lý về sự kết hợp chúng ta đã áp dụng, họ sẽ cảm thấy rất nhẹ nhõm rằng họ có thể đủ khả năng mua nó, việc mua hàng khi đó tự nhiên trở thành bước tiếp theo trong quy trình này.
Phần này luôn luôn nằm sau phần gạch đầu dòng. Đây là lúc ham muốn của họ về sản phẩm đang ở mức cao, và đây là lúc tốt nhất để tung ra chiến thuật này. Dưới đây là chiến lược tốt nhất để ngay lập tức xây dựng giá trị to lớn cho sản phẩm của chúng ta và đưa giải pháp của bạn đặt trong so sánh với các tùy chọn khác rất tốn kém.

So sánh Táo với Cam

Đừng so sánh giải pháp của bạn với những sản phẩm khác có giá tương tự, hãy so sánh nó với những thứ mà chi phí đắt gấp 5-10 lần chi phí của bất cứ thứ gì bạn đang bán. Hãy suy nghĩ về nó, trong bất kỳ thị trường mục tiêu nào, luôn có nhiều cách để khách hàng đạt được những điều/ kết quả mà họ muốn. Ví dụ, trong Internet Marketing, bạn có thể mua một cuốn ebook, được đào tạo, thuê một nhà tư vấn, trả tiền cho một ai đó để thực hiện một chiến dịch riêng cho bạn, v.v Nếu bạn so sánh lớp học của bạn với một lớp học online trị giá $2.997 mà không có cam kết thành công, thì rõ ràng lớp học $147 có cam kết đầu ra của chính bạn nghe có vẻ hợp lý hơn nhiều.
Bất kể mức giá thực tế của sản phẩm bạn đang bán là bao nhiêu… trước khi bạn tiết lộ giá cả, bạn luôn muốn các khách hàng tiềm năng đổ mồ hôi một chút, nghĩ rằng điều này sẽ vượt quá phạm vi chi trả của họ.

Lợi ích tăng thêm + Nâng cấp

Thêm đường vào tách trà

Điều này có thể tạo nên một khác biệt rất lớn trong việc thúc đẩy các khách hàng tương lai đang lưỡng lự nhanh chóng mua hàng của bạn. Đây là quá trình biến lời đề nghị hiện tại của bạn thành một kiểu đề nghị không thể chối từ. NHƯNG… cách thức mà hầu hết mọi người đưa ra BONUS thường không hiệu quả, và có thể giết chết ham muốn sản phẩm của bạn, đây là lý do:
  1. Đưa ra các tài liệu dạng PLR
  2. Không quảng cáo về những phần Bonus đủ hấp dẫn
  3. Đưa thêm các giá trị không thực sự liên quan lắm Tặng một cuốn eBooks dạng PLR là cách tệ nhất trong 3 cách trên. Đặc biệt trong những thị trường cạnh tranh (Internet Marketing, giảm cân, hẹn hò…) thì đây chính là cách bạn đuổi khách đi.
Lưu ý: PLR – Private Label Rights. Đây là quyền nhãn hiệu riêng. Theo đó bạn có thể dùng lại các bài viết, sản phẩm bao gồm việc chỉnh sửa mà không cần xin phép tác giả. Điều này đồng nghĩa bạn toàn quyền sử dụng nội dung đó. Bạn có thể làm như vậy, nhưng bạn cần phải viết lại nội dung trong những cuốn sách và cắt bỏ tất cả các phần râu ria (nếu điều đó có nghĩa là phải giảm xuống còn dưới 10 trang – hãy cứ làm đi)
Những phần quà tặng thêm tốt nhất là những thứ dễ dàng để thực hiện/ sử dụng kèm với các sản phẩm chính bạn đang cung cấp.
Ví dụ:
  • Mẫu bảng tính
  • Danh mục
  • Danh sách tài liệu
  • Phiên bản nâng cao (thứ này đã nhiều lần giúp tôi tăng GẤP ĐÔI tỉ lệ chuyển đổi)
  • Email huấn luyện 7 ngày (nếu chi phí đủ bù lại20 phút gọi điện (cách tốt nhất để bán các khóa huấn luyện cá nhân)
  • Biểu mẫu
  • Các ví dụ thực tế
Những phần này không cần phải (và không nên) quá giá trị. Giữ cho quy mô của phần quà tặng kèm nhỏ, làm sao để lợi ích của chúng chỉ là hỗ trợ họ nhận được kết quả thực sự muốn từ sản phẩm chính. Bạn có thể dễ dàng tạo ra 3 phần quà tặng có giá trị trong 30 – 90 phút nếu bạn chịu suy nghĩ về nó. Các phần quà “kém” liên quan đến sản phẩm sẽ khiến cho phần quà của bạn không hấp dẫn. Thà rằng bạn không có phần quà còn hơn tặng một loạt các “công cụ” khách hàng của bạn không thực sự quan tâm.
Ngoài ra, hãy dành 1 hoặc 2 đoạn để “lăng xê” các phần quà tặng thêm đó. Chỉ một hình ảnh mà không có thông tin kèm theo thì phần quà đó vẫn dường như vô giá trị. Hãy giải thích tại sao phần quà đó có thể giúp họ, và tại sao họ không thể có được phần quà này ở bất cứ nơi nào khác/ tại sao bạn không bao giờ tặng nó trước đây, v.v
Quà tặng là một cách tuyệt vời để làm việc đó. Đặc biệt là khi bạn bán các sản phẩm số vì nó không tốn bất cứ chi phí gì thêm để cung cấp, ngoại trừ sự nỗ lực từ bạn. Một điểm rất quan trọng là phải QUẢNG CÁO các phần tặng thêm đó. Nếu bạn không giải thích giá trị của những phần thưởng bạn cung cấp, thì có nghĩa là phần quà tặng đó không có giá trị, vậy thậm chí bạn cũng chẳng cần tặng quà làm gì.
Chỉ cần nỗ lực một chút để nghĩ ra 5-6 gạch đầu dòng hoặc một hai đoạn để giải thích phần quà đó có giá trị như thế nào và bằng cách nào phần quà đó giúp cho việc sử dụng sản phẩm chính để đạt đến kết quả mong muốn trở nên dễ dàng hơn/ nhanh hơn.
Hãy làm cả ảnh bìa cho phần quà tặng của bạn nữa. Các ảnh này có thể có những thiết kế cơ bản tương tự như ảnh bìa chính của bạn, chỉ cần một cái tên mới nếu bạn tự làm ảnh. Thậm chí nếu bạn thuê ngoài trên Fiverr… thì cũng chỉ mất 15$ để có được 3 ảnh bìa. Sự khác biệt tạo nên trong doanh thu sẽ bù đắp lại chi phí đó.
Ngoài ra, định giá một số tiền nhất định cho các phần quà tặng để mọi người thực sự biết được giá trị của nó. Đừng sợ phải đặt giá quá cao… nhưng không đến mức giá vô lý… một số tờ thủ thuật có lẽ không đáng đến $295… nhưng $77 thì chấp nhận được, và từ đó có thể kéo tổng giá trị sản phẩm của bạn lên kịch trần.
Ngoài ra, sau rất nhiều thử nghiệm, tôi nhận thấy tốt nhất là cung cấp 1/3/5 (số lẻ) phần quà hơn là 2/4. Tôi biết rằng nghe thì rất kỳ lạ, nhưng tôi đã thử nghiệm nó nhiều lần và các con số lẻ luôn luôn giành chiến thắng trong mọi thử nghiệm!
TIP: Có thể bạn không thấy tôi nhắc đến điều này, nhưng nếu bạn đang mắc kẹt với nội dung hoặc bạn cho rằng nên chờ đợi lâu hơn mới tung ra sản phẩm của bạn chỉ để có thể hoàn thiện các phần quà tăng thêm…
Đây là những điều cần làm:
Chỉ cần lấy một phần tính năng trong sản phẩm chính của bạn, thêm thắt vào một chút, và đưa thành một bản video/ pdf, thế là bạn đã có một phần quà.
Tôi rất thích tặng các checklist và bản tóm tắt (summary) vì chỉ phải mất 10 phút để tạo ra chúng.
Bạn thậm chí có thể tạo ra chúng trong khi bạn đang đọc và sửa lại bản PDF và/hoặc khi đang kiểm tra video của bạn trước khi cho ra mắt. Bạn chỉ cần chọn ra những điểm/ hành động quan trọng cần phải thực hiện, vậy là xong.

CHƯƠNG IX – Cam kết đảm bảo

Phòng ngừa rủi ro

Jay Abraham gọi đó là đảo ngược rủi ro… hay bất kể bạn gọi nó là gì, thì một trong những chìa khóa lớn nhất để thành công là tạo ra một lời cam kết bảo đảm hấp dẫn. Đặc biệt khi bạn kinh doanh trong thị trường cạnh tranh cao, bạn nên cam kết hoàn tiền. Bây giờ, đã  đến lúc mà, nếu bạn không cam kết, thì mọi người sẽ chỉ đơn giản coi bạn là một nghệ sĩ lừa đảo và sẽ lựa chọn doanh nghiệp khác. Vì vậy, đừng kỳ vọng là một cam kết hoàn tiền trong 30 ngày sẽ đảm bảo tỉ lệ chuyển đổi rất cao – thực tế không như vậy. Trong thực tế, ở hầu hết các mảng kinh doanh, tỷ lệ chuyển đổi 1-2% được cho là tỷ lệ chuyển đổi tiêu chuẩn/ kỳ vọng… và hầu hết các nhà tiếp thị đang hài lòng với tỉ lệ đó. 1-2% chuyển đổi được cho là tỉ lệ chuẩn trong ngành… có nghĩa là 98% hoặc 98% tỉ lệ là từ chối.
Tệ thật.
Một lý do phổ biến mà hầu hết mọi người không mua hàng là vì họ thấy mình phải chịu hầu hết các rủi ro… giống như bị đánh sau lưng vậy.
Tại sao?
Bởi vì chúng ta đều yêu cầu họ làm một cái gì đó (trả cho chúng ta tiền) trước… sau đó nếu họ không thích nó, họ có thể yêu cầu hoàn lại khoản tiền mà họ có thể có/ có thể không thực sự nhận lại được. Đây là lý do tại sao hầu hết mọi người, ngoại trừ 1-2 cá nhân tích cực nhất mới mua hàng trên 100 khách được mời (đấy là với một bức thư bán hàng hiệu quả… còn lại đa phần tỷ lệ chuyển đổi chỉ ở mức khoảng 0,5%!). Nếu bạn muốn nhiều người trả tiền cho bạn hơn, họ phải cảm nhận được bạn mới là người chịu hầu hết các rủi ro. Một trong những lý do chính khiến tỷ lệ không mua hàng nhiều hơn là bởi vì phần lớn các rủi ro lại thuộc về họ (khách hàng tiềm năng). Cách dễ dàng để giải quyết là gì? Đặt cái rủi ro lên trên vai của bạn. Bạn là người yêu cầu một cái gì đó từ họ, bạn nên là người gánh vác các rủi ro. Cách tốt nhất để làm điều đó trên internet là thông qua một lời cam kết chắc nịch.
Có 2 cách để đưa ra cam kết bảo đảm:
  • Cam kết bảo đảm rủi ro siêu dài
  • Hoàn thành hoàn tiền
Hầu hết mọi người đều phải cam kết nhiều thứ. Nếu bạn đang cung cấp các giải pháp chất lượng cho vấn đề thực sự… thì bạn không có gì phải lo lắng cả.
Rõ ràng sẽ có một số kẻ lợi dụng điều này từ bạn, nhưng hầu hết những người có yêu cầu hoàn trả đều là do thực sự không thích sản phẩm. Nếu bạn làm điều này đúng cách, số tiền bạn kiếm được từ những người mua sản phẩm của bạn sẽ rất cao, so với số lượng không đáng kể của những người muốn hoàn tiền/ hủy đơn đặt hàng hoàn toàn không đáng kể.
Một điều tuyệt vời về việc bán các sản phẩm trực tuyến là bạn hoàn toàn KHÔNG mất chi phí sản xuất. Kể cả bạn có tỷ lệ hoàn trả 70%, bạn vẫn có lợi nhuận (tùy vào chi phí kéo người dùng). Vì vậy, việc hoàn tiền không đáng sợ. Trong thực tế, rất nhiều “trường học kiểu cũ” về tiếp thị qua email thường cho rằng… nếu bạn không có tỷ lệ hoàn trả cao, bạn đã không bán đủ nhiều!
Tôi không chắc là tôi đồng ý với điều đó, nhưng nó cho thấy bạn phải quảng cáo tích cực trong bức thư bán hàng thì mới mang lại hiệu quả được. Trong tư duy của tôi, cứ để họ có thể được hoàn lại tiền ngay lập tức nếu họ không thích, vì vậy bạn phải làm mọi thứ trong khả năng của bạn để họ “thử một lần”. Họ không có gì để mất. Và đây là cách bạn cần phải giao tiếp trong thư bán hàng của bạn. —> Cách đầu tiên để làm điều này là thông qua việc cung cấp một lời cam kết mạnh tay. 30-60 ngày đảm bảo đều nhàm chán và không đủ mạnh mẽ. Tối thiểu đối với tôi bây giờ là 90 ngày… nhưng khoảng thời gian đảm bảo tôi thường thích là 365 ngày.
Bảo đảm một năm không thực sự rủi ro như bạn nghĩ. Kể từ khi tôi áp dụng với 5 sản phẩm của tôi, tỉ lệ hoàn lại tiền đã giảm 50%, thật là điên rồ. Tôi nghĩ rằng điều này xảy ra bởi vì mọi người không cảm thấy bị thúc ép phải dùng thử sản phẩm ngay lập tức, sau đó khi họ sử dụng nó, thì không phải họ đang phân tích để xem nó có đủ tốt không, mà là họ đang thực sự muốn sử dụng nó.
Tuy nhiên, đó chỉ là suy đoán. Điều quan trọng là nó làm tăng doanh số bán hàng và làm giảm tỉ lệ hoàn tiền của bạn. Hãy thử đi, bạn sẽ ngạc nhiên với kết quả đó. 60 ngày là ít nhất. Đừng lo lắng khi phải bảo đảm lâu dài.
Cảnh báo: Với điều kiện các sản phẩm của bạn phải đủ tốt/ giúp họ đạt được những kết quả mà bạn đã hứa.
Những lời cam kết đảm bảo…

CHƯƠNG X – Kết thúc

Chốt đơn hàng

Đổi giá trị lấy giá trị

Công việc khó khăn đã đi qua. Tất cả những gì phải làm còn lại là để họ hành động và trả tiền cho bạn. Nếu bạn chỉ đặt một nút mua hàng mà không kêu gọi hành động mạnh thì bạn sẽ mất rất nhiều.
Nếu bạn chỉ gắn một nút mua hàng mà không “chốt sale”, thì cũng giống như nhân viên bán hàng thường làm, tỉ lệ phản hồi của bạn sẽ giảm một cách đáng kể. Sau tất cả các phần công việc khó khăn, nếu bạn làm không tốt phần này, thì sẽ có rất nhiều người muốn mua sản phẩm của bạn… nhưng không bao giờ mua hàng. Khắc phục rất đơn giản…
Bạn chỉ cần ngừng ngay kiểu “bán hàng xã giao”.
Đây là một thuật ngữ của John Carlton. Về cơ bản có nghĩa là bán hàng “nửa vời” mà không có gan nói với họ “mua hàng ngay bây giờ đi, và nếu bạn rời website này vấn đề của bạn có thể không bao giờ biến mất mà sẽ chỉ tồi tệ hơn. Thậm chí khi bạn trở lại, giá sẽ có nhiều khả năng tăng gấp đôi hoặc các  phần quà tặng kèm sẽ không còn nữa”. Hãy nhớ rằng sản phẩm của bạn có thể giúp đỡ nghiêm túc khách hàng của bạn, và thậm chí nếu họ không thích nó, họ có thể nhận được một khoản hoàn lại đầy đủ mà không bị tra hỏi gì cả.
Họ không có gì để mất.
Theo tôi thấy, lúc này là lúc bạn có quyền để làm bất cứ điều gì (trong phạm vi đạo đức và pháp luật cho phép) để mọi người mua hàng của bạn. Điều đó bao gồm việc khuấy động cảm xúc của họ và khuyến khích họ hành động… trực tiếp nói với họ những gì họ cần làm. Trong bước này của thư bán hàng, điều tốt nhất không phải là tóm tắt lại các lợi ích. Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng con người sẽ tăng gấp đôi động lực khi họ thoát ra khỏi nỗi sợ hãi và thất vọng hơn là khi nghe thấy các lợi ích. Điều đó có nghĩa là bạn phải dọa họ về hậu quả họ sẽ gặp nếu họ không mua hàng. Bạn phải đề cập đến các vấn đề khó khăn khiến họ dội lên nỗi lo sợ và thúc giục họ hành động ngay bây giờ.
Ở mức độ cơ bản, có thể có những cách như:
  • Nhắc nhở họ về vấn đề hiện tại của họ, và họ đang gặp rắc rối như thế nào
  • Khơi dậy nỗi lo lắng bằng cách hạn chế số lượng
  • Nói với họ rằng vấn đề của họ sẽ tệ hơn rất nhiều nếu họ không hành động
  • Thúc giục họ cảm thấy cấp bách vì bạn chỉ có giới hạn thời gian nhất định cho đề xuất này (sử dụng ngày giờ linh động – rất nhiều các plugin của WordPress có thể hiển thị đồng hồ đếm ngược).
Sau khi bạn đã làm điều đó, bạn cần phải hướng dẫn họ thông qua các bước quy trình đặt hàng… từng bước từng bước một. Nếu bạn có một đoạn video hướng dẫn quy trình đặt hàng… tôi nhận thấy là cách này luôn có tác dụng thúc đẩy chuyển đổi.
Dưới đây là một số bước bạn phải hướng dẫn họ:
  • Ấn vào nút “Mua hàng”
  • Điền thông tin thanh toán
  • Bạn sẽ ngay lập tức được chuyển sang các trang Download (nếu làm một video, hãy chắc chắn chặn URL trang download của bạn… trừ khi sử dụng một trang web thành viên, vì đằng nào bạn cũng cần phải làm).
Bí kíp: Nếu bạn đang ở trong một thị trường không quá cạnh tranh, một cách chuyển đổi nhanh chóng là thông báo sản phẩm của bạn sẽ được tải
về trực tuyến và nói với họ rằng họ nhận được “hàng miễn phí”… nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng nó rất hiệu quả khi áp dụng trong đúng thị trường. Vậy là bạn đã hoàn thành cuốn sách tuyệt vời này.
Bạn thấy sao?
Nó rất hay và hữu ích đúng không?
Để tôi nói với bạn điều này, cuốn sách này chỉ có tác dụng khi bạn bắt tay vào thực hành từng bước một. Bạn phải tạo ra được bức thư bán hàng cho sản phẩm của mình.
Thực hành là yếu tố quan trọng cuối cùng sau khi đã nắm được kiến thức.
Tôi luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn khi bạn gặp bất kỳ khó khăn nào.
CHÚC BẠN THÀNH CÔNG!